Mẹ hiền sinh vua giỏi

Bà Ngô Thị Ngọc Dao, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là con gái quan Thái bảo Ngô Từ, có công giúp triều Trần; mẹ tên húy là Ngọc Kế, người họ Đinh, được phong Y quốc thái phu nhân. Bà ngoại của Ngọc Dao là dòng dõi quan Thái sư Trần Nhật Duật.

Bà Ngọc Dao mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được bà ngoại đem về nhà nuôi. Một lần, có người đi qua nhìn bà và bảo rằng: “Cô bé này về sau sẽ làm mẹ thiên hạ”. Nói xong, người đó bỗng biến mất.

Điện Huy Văn thờ Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.


Chị ruột của bà Ngọc Dao là Ngọc Vân được vào chầu Thái tổ Cao Hoàng đế. Năm thứ ba niên hiệu Thiệu Bình (1436), Ngọc Dao 16 tuổi, con nhà lương gia, được tuyển vào cung. Do nết na, lễ độ, thờ trên đúng lễ, đối với kẻ dưới có ân nên được vua Lê Thái Tông rất yêu mến.

Sử cũ chép, lúc Thái hậu còn làm Tiệp dư, đi cầu tự, chiêm bao thấy trời cho tiên đồng, rồi có thai. Tục truyền, Thái hậu khi sắp ở cữ, vì mệt mỏi thiếp đi, mơ thấy được đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán làm chảy máu. Bà tỉnh dậy thì sinh hoàng tử Tư Thành vào ngày 20 tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1442), tại làng Huy Văn (thuộc phố Tôn Đức Thắng bây giờ). Lại nói, lúc bà Tiệp dư có mang, bị hoàng hậu ghen ghét nên phải tạm lánh ra phía tây hoàng thành. Bà được vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ hết lòng cưu mang, chăm sóc. Có thể đây là cái cớ để sau đó ít lâu, diễn ra vụ án Lệ Chi Viên, dẫn đến cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi cùng ba họ.

Lúc mới sinh, Tư Thành có thần sắc anh dị, tuấn tú. Năm Thái Hòa thứ ba (1445), được phong làm Bình Nguyên Vương, hằng ngày Tư Thành cùng các thân vương vào học ở tòa Kinh Diên. Tư Thành học tập chăm chỉ, sớm khuya không rời quyển sách, được Tuyên từ Thái hậu yêu như con đẻ, lại được vua Nhân Tông vô cùng yêu quý.

Năm 1460, sau khi dẹp loạn Nghi Dân, các vị đại thần từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn như Đinh Liệt, Nguyễn Xí đã ra chùa (điện Huy Văn) rước Tư Thành vào cung, lập làm vua, lấy hiệu là Thánh Tông. Suốt 38 năm (1460-1497) dưới thời vua Lê Thánh Tông, đất nước Đại Việt đã bước vào giai đoạn cực thịnh, nhân dân được sống trong hòa bình, kinh tế phát triển, biên giới được giữ vững. Vua giỏi thơ văn, cho lập Hội Tao Đàn, tuyển 28 vị tiến sĩ gọi là “Nhị thập bát tú”, vua làm Tao Đàn Nguyên súy. Nhà vua chuộng văn hóa, giáo dục, cho sửa sang Văn Miếu, lập nhà Quốc học, cho khắc bia ghi danh tiến sĩ, đặt lễ xướng danh và vinh quy bái tổ rất trọng thể. Và cứ đều đặn ba năm, vua lại cho mở một khoa thi. Trong lịch sử khoa cử chữ Hán ở nước ta từ năm 1075 đến năm 1919, kéo dài 844 năm, có 2.898 tiến sĩ thì trong 38 năm của triều Lê Thánh Tông có 501 tiến sĩ; cả nước có 47 Trạng nguyên thì đời Lê Thánh Tông chiếm 9. Đặc biệt, bộ máy hành chính của nước Đại Việt vào thời gian này được hoàn chỉnh từ trung ương đến các địa phương. Hơn 5.000 quan chức được đào tạo chu đáo. Tri phủ, tri huyện phải đậu từ hương cống trở lên mới được làm quan.

Cùng với đức trị, lấy Nho giáo (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) làm nền tảng, thời Lê Thánh Tông đặc biệt coi trọng pháp trị. Vua cho soạn bộ Luật Hồng Đức (còn gọi là Quốc triều hình luật) 723 điều, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhận xét về tài đức của vua, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Vua sáng lập cơ đồ, văn vật khả quan, mở rộng đất đai, bờ cõi khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ Đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được”.

Người xưa quan niệm, người tài giỏi là do khí thiêng sông núi hun đúc mà nên. Vậy thì ngoài những điều đã biết, còn điều gì nữa đã tạo nên đức độ, tài năng lỗi lạc của ông vua trẻ lên nắm giữ triều chính lúc 19 tuổi? Phải chăng là còn do công mẹ sinh thành, được rèn cặp chu đáo ngay từ thuở nhỏ, mà từ nghìn đời đã đúc kết là “Phúc đức tại mẫu”. Gần đây, do may mắn được đọc bản dịch văn bia, đặt ở Lăng bà Ngọc Dao, hiện còn ở Lam Kinh, Thanh Hóa, tôi đã lý giải được khá thấu đáo điều này.

Tấm bia được dựng vào năm Mậu Ngọ (1498), hai năm sau ngày bà Hoàng Thái hậu qua đời, văn do Tiến sĩ Nguyễn Bảo và Tiến sĩ Nguyễn Xung Xác soạn. Nội dung văn bia kể bà Hoàng Thái hậu sinh ra đã là người đôn hậu, cần kiệm, không chuộng xa hoa, việc nữ công không lúc nào rời, mắm muối nơi bếp núc lại càng quan tâm. Ngày thường ở trong nhà vẫn nghiêm trang như đang tiếp khách. Khi tiếp xúc với ai cũng tỏ vẻ hòa nhã, dịu dàng. Bà kính trọng tông miếu, phụng thờ thần linh, của ngon vật lạ bốn phương dâng lên, bao giờ cũng đem tiến cúng trước. Không làm việc trái lễ, không ở nơi không chính đáng, giản dị mà trang nhã, lịch sự, cử chỉ thường lễ độ, ít khi ra khỏi phòng vi. Trong cung đình, kẻ sang người hèn đều gọi Người là Phật sống. Khi được vua cung cấp vàng lụa thì đem ban phát cho mọi người xung quanh và giúp đỡ kẻ nghèo khó, hòm tủ thường trống rỗng, không có của cải dành riêng.

Đặc biệt, khác với người thường là tuổi cao mà tóc bà không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc không kém sút, vẫn tươi đẹp như người trạc tuổi 40. Tuy danh vị sang mà làm việc thiện không biết mỏi, tuổi tác cao mà tinh thần càng sáng suốt. Tính vốn ham học, lại biết làm thơ, mỗi lúc nhàn rỗi lại đem kinh truyện ra dạy bảo đàn cháu nhỏ. Khi ngọc thể bất an, phải nằm giường bệnh hơn một tháng mà không hề thấy tiếng kêu rên. Nhớ công dưỡng dục, suốt thời gian mẹ bị ốm, vua Lê Thánh Tông luôn ở bên cạnh chăm sóc, thuốc thang cơm nước. Trong thì khấn vái tổ tiên, ngoài thì đáp ứng sự trông ngóng của chúng dân, vua thành tâm cầu nguyện không còn thiếu nơi nào. Khi bà sắp tắt nghỉ, vua tự xưng tên mình mà gọi. Hoàng Thái hậu còn ngoái lại nhìn, miệng muốn nói nhưng lời không rõ nữa. Từ việc khâm liệm, đến việc phạm hàm, việc gì vua cũng xem xét tới nơi, lại tự mình làm bài ai điếu để tỏ lòng thương tiếc. Để tang bà, người trong cung bỏ trang sức, mặc đồ tang, ăn cơm rau, cài trâm gỗ, không còn phân biệt trong cung đình hay ngoài dân dã.

Công lao lớn nhất của bà Ngô Thị Ngọc Dao đối với xã tắc là đã nuôi dưỡng, dạy bảo con trai trở thành vị vua anh minh, tài lược. Các sử gia đời sau đánh giá: Đức của bà sánh với trời đất, có công làm rạng rỡ ba đời vua (Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông). Bà xứng đáng ở vị trí hàng đầu các vị hoàng hậu của nước Đại Việt. Năm 1496, ngay sau khi mất, vua Lê Thánh Tông truy phong bà là Quang Thục Hoàng Thái hậu, cho tạc tượng và đúc chuông thờ tại điện Huy Văn.

Trải bao năm tháng, dấu cũ không còn, điện thờ hiện nay được dựng lại trên nền cũ, phía sau là chùa Dục Khánh (nơi hun đúc sự tốt lành). Điện Huy Văn gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Gian giữa của tiền tế có ban thờ lớn trang trí hình rồng chầu mặt trời, tứ linh. Tại gian bên phải treo bức đại tự Hợp đức thần nguyên nói về Hoàng Thái hậu, bên trái là bức Hoàng đức lưu phương ca ngợi Hoàng hậu vợ vua.

Gian giữa hậu cung đặt một ban thờ, phía trước chạm nổi hổ phù. Tượng vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng được đặt trong khám lớn. Bên phải có khám và tượng bà Quang Thục Hoàng Thái hậu; bên trái là khám và tượng Hoàng hậu, vợ vua Lê Thánh Tông. Ngoài hiên của điện đặt tấm bia Dục Khánh tự bi ký dựng năm 1679 và Trùng tu Huy Văn điện bi ký dựng năm 1823, nội dung kể sự tích sinh ra vua tại chùa này. Trước đây, cứ đến ngày vua Lê Thánh Tông băng hà, làng Văn Chương lại tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể, có rước kiệu lên đền Vua ở phố Hàng Hành. Vào ngày 26 tháng 2 âm lịch, là ngày mất của Quang Thục Hoàng Thái hậu, làng cũng tổ chức tế lễ rất linh đình.

Giờ đây, sự hiện diện của điện Huy Văn ở ngay trên mảnh đất đã sinh ra vua Lê Thánh Tông, cùng với đền và chùa đã tạo thành một quần thể di tích đặc biệt ở Thủ đô. Di tích ở gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được xếp hạng cấp quốc gia năm 1996, đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.