Tết đơn sơ
Con đường dẫn vào xã Ia Lốp, Ia Rvê thuộc huyện Ea Soup (Daklak) phải băng qua những cánh rừng khô cháy. Cái nắng Tây Nguyên gắt lạnh, se sắt. Cách TP.Ban Ma Thuột đến 160km, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe máy đi xuôi về TP, mỗi lần có người đi qua lại bụi mù giăng. Thời tiết khắc nghiệt. Chúng tôi thấy xót xa. Họ đã sống thật sự cơ cực và chịu nhiều thiệt thòi bởi những cơn bão lũ vừa qua, bởi cuộc sống tha hương đi tìm sự đổi đời ở vùng đất còn quá hoang sơ và khắc nghiệt này.
Trao tận tay món quà Tết cho người nghèo tại Ea Soup
Đó là 500 hộ gia đình được nhận quà Tết lần này có quê từ các huyện của Bến Tre như: Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách, đến lập nghiệp và sinh sống ở vùng kinh tế mới của các xã vùng sâu của huyện Ea Soup. Đến đây, mỗi gia đình được cấp vài sào đất để trồng điều, nhưng cây điều cũng khô cằn trên vùng đất chết. Sự nỗ lực lao nhọc lại chẳng thoát được cái nghèo. Họ đi làm mướn, làm rẫy… nhưng chẳng thể vực nổi gia đình thoát khỏi đói nghèo từ hai bàn tay trắng.
Mỗi năm vài ba bận, Ni sư Huệ Từ, Phó ban TTXH T.Ư lại cùng Phật tử đến đây hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, đưa đoàn y bác sĩ về khám bệnh. Đó là sự chia sẻ trong những lúc khó khăn nhất với đồng bào, nhưng chủ yếu họ đều phải tự mình vượt qua mọi thử thách. Mấy ngày giáp Tết, những ánh mắt trông đợi còn da diết hơn, như là đón những người thân trở về với những món quà nghĩa tình. Có thể là một bộ đồ mới cho con đến trường, cũng có thể là cân đường, chai dầu ăn, chục cân gạo, thùng mì tôm… dù ít ỏi nhưng họ thấy hạnh phúc và ấm áp trong những ngày Tết chẳng mấy mong đợi.
Chị Hằng, sống tại xã Ia Lốp là người quê Giồng Trôm, nói: “Ở đây cái gì cũng đắt đỏ hết, hàng hóa vào đến nơi thì giá cũng “đội lên trời”. Gia đình 4 người của chị đành dè sẻn đến tận cùng nhưng vẫn thiếu ăn. Đội nắng dầm mưa đã là chuyện thường rồi, mình chỉ mong rằng con sẽ được học hành tử tế hơn và có cơ hội khi vùng này được khai mở”. Đó là hy vọng của những người con Bến Tre xa xứ, con đường học hành của trẻ nhỏ ở đây cũng quá nhiêu khê. Cái khó, cái nghèo làm trẻ nhỏ bỏ học giữa chừng để cùng cha mẹ kiếm sống.
Trở về từ chuyến chợ trưa, gánh hàng của chị Mười, xã Ia Rvê chỉ là xấp bánh tráng cong queo, dăm ba bịch bánh bán cho con nít. Chị Mười tất tả vứt gánh hàng giữa sân của thôn để kịp đi khám bệnh. Đã lâu lắm, chị mong có đoàn bác sĩ đến để được khám bệnh. Chị nói: “Mình bị tức ngực quá, đã lâu rồi, cứ trông mãi. Có bác sĩ từ thành phố về thì phải tranh thủ thôi. Mình thì làm gì có tiền để đi ra tận Buôn Ma Thuột khám. Ừ, khám bệnh để rồi còn ăn Tết nữa chứ”. Chị cười mà gương mặt đầy lo lắng.
Nhận quà mà vẫn thấy buồn
Nói đến Tết, các chị lại lo lắng hơn. Chị Lựu tâm sự, năm nay cũng chẳng sắm nổi một bộ quần áo mới cho con chơi Tết nên chuyện ăn Tết xem như là xa xỉ. Nhiều gia đình kha khá hơn cũng chỉ gói vài ba đòn bánh tét, gói mứt gừng để thết đãi anh em đồng hương, hàng xóm. Tết ở xứ này đơn sơ lắm nên thật quý những món quà của quý Ni sư.
Thấu hiểu tất cả và cảm thông tất cả. Nên, đã có rất nhiều tấm lòng đến và chia sẻ. Món quà đơn sơ, là nhu yếu phẩm cần thiết nhất, quần áo và tiền mặt… được trân trọng gởi đến từng gia đình trong ba ngày Tết cũng được mọi người chung tay góp sức. Đó là Ban TTXH T.Ư, Ban TTXH Báo Giác Ngộ, Hội từ thiện chùa Giác Nguyên (Q.4); nhóm Phật tử thiện nguyện TP.HCM cùng đoàn y bác sĩ… đã đem đến một mùa xuân nho nhỏ cho những gia đình nghèo vùng sâu này có một cái Tết tuy đơn sơ nhưng đượm tình.
“Giết bệnh, ăn Tết mới vui”
Câu nói trong trẻo đó của bác Lâm Roi, là Trưởng ban Quản tự làm đoàn y bác sĩ Phòng khám Nhân Đức (Q.Phú Nhuận) cứ buồn cười mà thương lắm những gia đình dân tộc ở nơi xa xôi này. Người dân quanh vùng chùa Retchamaha (còn gọi là chùa Sóc Lớn) thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) chẳng chuẩn bị được gì trong những ngày Tết. Với họ, Tết vui nhưng lo nhiều.
Quanh chùa có 720 gia đình người dân tộc Khmer và 12 gia đình dân tộc S’Tiêng sống cùng nhau trong phum sóc. Họ chưa thoát ra được lối sống cũ xưa, chưa thể hòa nhập được với cộng đồng người Kinh bởi sự lạc hậu, thất học và đói nghèo. Sư Thạch Nê, người được chùa Pothivong (TP.HCM) cử đến chịu trách nhiệm trông nom chùa và hướng dẫn Phật tử tu học chỉ mới 8 tháng qua nhưng được mọi người ở đây yêu mến. Bởi lẽ, Sư đã từng rơi những giọt nước mắt trước bàn thờ Phật và tìm nhiều cách để giúp đỡ vì thương quá dân nghèo quanh vùng và 30 đứa trẻ còn ngây dại ở chùa.
Giết bệnh ,ăn Tết mới vui
Cái Tết này là một thử thách đối với Sư Nê, làm thế nào để bà con mình được vui, được no cái bụng. Sư trăn trở thật nhiều, lo lắng thật nhiều rồi những vòng tay nhân ái cũng mở rộng ra, chia sẻ. Đoàn y bác sĩ tình nguyện Phòng khám Nhân Đức kết hợp với nhóm chị Lụa mang đến 200 phần quà Tết kịp thời và trao tận tay cho đồng bào dân tộc. Bà con được bác sĩ tận tâm khám bệnh, cho thuốc và tái khám. Đa số mọi người đều xa lạ với bệnh viện, nên mắc nhiều bệnh mãn tính và cần điều trị lâu dài. Thương nhất là 30 chú tiểu, em nào cũng mắc bệnh ghẻ. Đến tái khám lần hai thì hầu như bệnh ghẻ đã thuyên giảm nhiều. Các em ăn Tết và vui chơi thoải mái hơn.
Tết này, Sư Nê cũng được bác sĩ tặng máy đo huyết áp, một tủ thuốc và hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách đo huyết áp và sử dụng những loại thuốc thông dụng để bà con người dân tộc “ăn Tết yên cái bụng”.