GN - Đó là kết quả đạt được sau 2 ngày thảo luận của đại diện các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác cùng 20 nhà lãnh đạo Phật giáo các nước châu Á diễn ra tại Bangkok, Thái Lan vào cuối tuần qua.
Toàn cảnh phiên họp hình thành nên mạng lưới Phật giáo châu Á bảo vệ trẻ em
Cùng với việc hình thành mạng lưới này là một khung chiến lược hành động sẽ được thiết lập với sự hỗ trợ của Phong trào Phật giáo hành động vì trẻ em Arigatou (Mỹ), Cộng đồng Phật giáo quốc tế nhập thế INEB (Thái Lan), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF và Tổ chức Cứu trợ trẻ em SI…
Theo đó, các đại biểu sẽ tiếp tục nhóm họp vào cuối năm tại Mandalay (Myanmar) để cùng trao đổi các bước đi cụ thể, cơ chế phối kết hợp giữa các quốc gia trên cơ sở tăng cường năng lực Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các hoạt động bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.
Phát biểu tại các phiên thảo luận, bà Marta Santos Pais, đại sứ đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề chống bạo hành trẻ em đánh giá cao các kết quả đạt được trên tinh thần cầu thị và nhiệt tâm của các vị lãnh đạo Phật giáo châu Á. Bà cho rằng, các khuyến nghị đưa ra sẽ được chuyển tới Diễn đàn toàn cầu của lãnh đạo các tôn giáo về trẻ em được Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Panama (châu Mỹ) vào tháng 5 tới.
Cùng quan điểm trên, bà Dorothy Rozga, Giám đốc điều hành ECPAT toàn cầu đề nghị các nhà lãnh đạo Phật giáo cần hoạch định chương trình mang tính tầm nhìn xa rộng và bao quát để có thể tham gia cùng cộng đồng xã hội bảo vệ các đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.
“Với uy tín của mình trong cộng đồng và bằng kinh nghiệm trong các hoạt động tôn giáo sẵn có, tôi tin các vị lãnh đạo Phật giáo tại châu Á sẽ là những nhà tiên phong trong các hoạt động hướng đến trẻ em”, bà Dorothy Rozga nói.
Gia Trúc
(tổng hợp)