Mạn đàm về tình yêu

GNO - Chúng ta không thể nào nhớ hết, đã bao nhiêu lần dùng động từ “yêu” để nói lên tình cảm của mình khi chinh phục đối tượng mà ta đang đeo đuổi. 

Chúng ta cũng không thể nào nhớ hết được bao nhiêu lần đã thể hiện cảm xúc của mình bằng cách tô vẽ mỹ từ “yêu”  hay thậm chí Tây hoá thành từ  “love” trong vô vàn câu chúc, quà tặng để làm rung động trái tim của tình nhân, của chồng hoặc của vợ...

wnguoiduatin-love.jpg

Ảnh: Internet

Khi mình yêu nhau thật nhiều thì  gọi là tình. Cái tình đó ban đầu có sự bồng bột, nhất là khi một cặp thanh niên nam nữ mới lớn lên mà thương nhau thì có tình nhiều nhưng chưa có nghĩa. Có cái lửa ở trong đó, lửa của sự đắm say, của say mê. Thành ra mới xa nhau có một ngày thôi mà không chịu nổi. Đó mới là cái tình thôi. Nhưng ở với nhau từ năm này sang năm khác, người này nâng đỡ người kia, người kia chăm lo người này, thì thành ra một cái thứ hai, từ cái tình mà ra.  Đó gọi là cái nghĩa. Lúc bấy giờ không còn bồng bột, nông nỗi mà vẫn thương nhau như thường” - Thiền sư Nhất Hạnh

Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi lẫn nhau lời “yêu” nói bao nhiêu cho đủ cho vừa?  Trong khi ta đã nói ngàn lần, hoặc có thể ta đã nghe vạn lần mà vẫn đòi hỏi “anh có yêu em không?” hoặc “em yêu anh nhất đúng không?”. Nhiều lúc ta chỉ chú ý đến cái hình thức của từ  “yêu” - yêu là phải thể hiện, phải thốt lên và chứng tỏ, tô vẽ cho tình yêu lúc nào cũng nhất nhất dành cho nhau, lúc nào cũng rực rỡ trong mắt bạn bè… Đến lúc khi chưa kịp nghĩ ra cái màu sắc mới cho tình yêu “nổi trội” ta mệt mỏi hoặc đễnh đoản trả lời qua loa cho đối tượng vui lòng.

Cái hình thức ấy tưởng chừng nhiều người khó chấp nhận nhưng đa số đó là mong cầu của nhiều bạn trẻ trong cuộc khảo sát gần đây nhất của tôi trên trang cá nhân của mình: “Yêu là phải  thể hiện, là phải cho bạn bè biết hai đứa yêu nhau! Phải  mang đến điều đặc biệt cho nhau hoặc ít nhất là hai đứa phải gặp nhau mỗi ngày!”;  “Mình khó chấp nhận người ấy nói tốt về người thứ ba dẫu người thứ ba thật sự là người tốt đi nữa”;Yêu là hết mình, là không tính toán và cho nhau tất cả, còn gia đình bạn bè xã hội họ không phải là quan trọng nhất trong tình yêu vì họ có sống cho hạnh phúc mình đâu mà mình quan tâm?”v.v… 

Và còn rất nhiều quan niệm khác. Ở đây, tôi cũng không có quyền nhận định đúng hay sai vì cũng tùy vào mỗi hoàn cảnh để thấu hiểu về tình yêu. Nhưng chúng ta đã từng nghe nói tình yêu ban đầu giống như một ngọn lửa rạo rực vậy “nếu bạo phát thì sẽ bạo tàn”. 

Có thể nói “yêu” đôi khi giống như sự trao đổi cảm xúc. Trong khi một tình yêu đích thực phải vượt qua cái đòi hỏi, ích kỷ, nhỏ nhen, ghen tuông, chiếm giữ và phải chia sớt nâng đỡ nhau. Các bạn trẻ thường nghĩ “yêu” là phải sống chết cho nhau, yêu là phải bên nhau, không quan tâm cuộc sống xung quanh vì “có anh là có em, chỉ có chúng ta là đủ rồi” quan niệm đó mạnh mẽ và lãng mạn, có thể đẹp giây phút ban đầu nhưng chưa đủ để tình yêu tồn tại lâu dài.

Cho dù tình yêu của chúng ta mạnh mẽ thế nào thì chúng ta vẫn phải tồn tại trong xã hội này, trong cuộc đời này để dung hoà cùng gia đình, bạn bè, xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức,…  Cho nên khi yêu chúng ta thường có thói quen chăm bẵm cái tình riêng mà bỏ quên những cái chung đang tác động lên tình yêu mình. Việc đó cũng giống như “hạt mầm tình yêu” của ta  chỉ được gieo trồng trên bãi đất hoang nghèo dưỡng chất, thấy tự do, thoải mái đấy nhưng dễ dàng èo uột và lụi tàn khi biến cố…

Thiền sư Nhất Hạnh chia sẻ về Tình và Nghĩa giống như Yêu và Thương trong phạm trù này vậy: “Khi mình yêu nhau thật nhiều thì  gọi là tình. Cái tình đó ban đầu có sự bồng bột, nhất là khi một cặp thanh niên nam nữ mới lớn lên mà thương nhau thì có tình nhiều nhưng chưa có nghĩa. Có cái lửa ở trong đó, lửa của sự đắm say, của say mê. Thành ra mới xa nhau có một ngày thôi mà không chịu nổi. Đó mới là cái tình thôi. Nhưng ở với nhau từ năm này sang năm khác, người này nâng đỡ người kia, người kia chăm lo người này, thì thành ra một cái thứ hai, từ cái tình mà ra.  Đó gọi là cái nghĩa. Lúc bấy giờ không còn bồng bột, nông nỗi mà vẫn thương nhau như thường”. 

Quả thật vậy, khi chúng ta dừng lại và sâu lắng hơn nếu nghe một câu nói: “Mình có  thương em?” một câu hỏi nhẹ nhàng, không chiếm giữ theo kiểu bắt đối tượng thương yêu làm của riêng ta. Ta chỉ cần nghe cũng đủ để thấy trong chữ “thương” đó vốn dĩ phải có “yêu” và trách nhiệm nhau rồi. Cái “yêu” bây giờ nó không có “nóng” như một số bạn trẻ hay sử dụng từ “HOT” (tình yêu tao đang hot nhất trường, nhất lớp; chàng của tao là hot boy, nàng của tao đang là hot girl) để tự hào về tình yêu của mình trước bạn bè và mọi người.

Khi nó “nóng” thì cũng rất là khó chịu, vì bắt người yêu của ta phải thế này, thế kia, thế nọ theo ý của mình.  Nhưng khi tình yêu nếu biết điều chỉnh từ hai phía dẫu nó đã nguội vì thời gian thì không có nghĩa là lạnh nhạt mà là nó “mát” dễ chịu với mình hơn. Cái yêu “nóng” ban đầu gọi là tình, còn cái yêu “mát” chính là cái nghĩa trong cái tình. Chính nhờ cái nghĩa đó mà hai người yêu nhau có thể sống đời với nhau, không bao giờ chia tay hết.

Trong văn hoá và xã hội Việt Nam từ trước cho đến nay, chữ Nghĩa rất quan trọng vì nó nằm bên ngoài cái hình thức bóng bẩy của cái “yêu”. Nhờ cái nghĩa mà tình yêu thêm bền vững gắn bó lâu dài.

Xét cho cùng con người yêu nhau là bình thường. Có chăng cũng chỉ là những quan niệm chưa thấu suốt của giới trẻ khi vội vã trong tình yêu để nhận lấy những bi quan và đau khổ, rồi than trách.

Phật pháp cũng dạy chúng tôi đúng đắn và hoàn thiện bản thân mình khi đứng trước tình yêu và trách nhiệm. Dẫu đây là phạm trù tâm lý phức tạp khác nhau ở mỗi người, nhưng sống theo thuyết nhà Phật quan niệm về tình yêu rộng lượng và phải có lòng bao dung, tha thứ… chúng tôi nghĩ rằng ít nhất bạn cũng sẽ quán triệt được tâm mình mà không phải vướng nhiều vào lưới tình đầy lòng thù hận.

Thật sự trong cuộc sống xung quanh chúng tôi cũng đã có rất nhiều bạn trẻ tìm đến sự nhiệm màu của Phật pháp, tựa nương sau những đổ vỡ hoặc là chuẩn bị xây dựng tình yêu của mình bằng cách vun đắp bằng lòng bao dung và nhân ái. Ngay bây giờ xin bạn hãy cùng chúng tôi xây dựng những điều đáng tự hào về tình yêu đẹp cho thế hệ trẻ chúng ta, để không còn những than phiền về “yêu cuồng và sống vội” trong giới trẻ, dẫu biết rằng tình yêu đối với bất cứ ai cũng có hạnh phúc lẫn khổ đau.

Cuối cùng tôi xin mượn câu nói của Đại đức Thích Minh Niệm để khép lại chia sẻ này: “Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, hoặc thừa hoặc thiếu, thì nó sẽ héo tàn và lụn bại. Cảm xúc thỏa mãn ai mà không thích, nhưng sự thỏa mãn ấy phải đi liền với trách nhiệm thì ta mới giữ gìn mãi được”.

Kiếng Cận

LTS: Viết những chia sẻ, những câu chuyện hay nhặt được từ cuộc sống, từ chính những người trẻ giàu lòng nhân ái, sống đẹp giữa cuộc đời gửi cho GNO, e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Thiết nghĩ, những câu chuyện, những hoạt động ý nghĩa, nhân văn của người trẻ, cũng như những ý chí vượt khó, sống đẹp của những nhân vật, các nhóm tình nguyện chắc chắn sẽ là những thông điệp ý nghĩa cho cuộc sống tốt đẹp hơn!

Bài vở được chọn đăng sẽ được nhận nhuận bút theo chế độ của tòa soạn!

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.