Mái nhà An Lạc Hạnh

GN - Tu viện An Lạc Hạnh, tọa lạc tại ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) được thành lập từ năm 1980, nơi đây là chỗ quay về nương tựa cho những mảnh đời bất hạnh…

Nở nụ cười hiền hòa và tấm lòng cởi mở, TT.Thích Chơn Định, trụ trì tu viện An Lạc Hạnh cho biết, nhằm mục đích thực hiện tâm nguyện cứu khổ ban vui của người con Phật nên từ khi thành lập, tu viện đã đón nhận và nuôi dưỡng hơn 400 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cũng như mồ côi không nơi nương tựa về nuôi dưỡng.

IMG_9588.JPG
Các cháu mồ côi ở tu viện An Lạc Hạnh
 

“Khi tu viện vừa mới thành lập, với mái tranh vách lá đơn sơ, lại thêm kinh tế eo hẹp, nên thầy trò chỉ sống nhờ vào lao động tự thân là chính, rất ít người biết đến và ủng hộ, nhiều lúc thấy mấy chú thiếu ăn, thiếu mặc mà xót xa”, TT.Chơn Định chia sẻ.

Thế rồi, những khó khăn cũng qua, thầy trò cơm cháo qua ngày, đùm bọc nhau mà sống, những chú lớn cũng đã đến tuổi đi học. Lúc đó, sự lo âu đã hiện diện trên khuôn mặt của “người cha bất đắc dĩ” khi không có cái ăn thì tiền đâu mà cho các chú đi học. Nhưng rồi, vì tình thương đối với các chú, không nỡ nhìn thấy chúng điệu thất học nên thầy đã đến các cơ quan chức năng “kêu cứu” và cuối cùng thì cũng được đáp lại khi nhà trường đồng ý giảm 30% học phí cho các chú.

Có lẽ thấu hiểu được nỗi khổ cực của thầy, các chú đều rất ngoan và học giỏi. Cho đến hôm nay, nhiều người đã tốt nghiệp đại học trong đạo lẫn ngoài đời, có những vị đã trụ trì các tự viện, một số chú hiện vẫn đang tiếp tục theo học.

Hiện tại, “mái nhà” An Lạc Hạnh có hơn 40 chú từ sơ sinh đến tuổi đi học phổ thông đang sống trong sự yêu thương, đùm bọc và che chở của thầy trụ trì. Mặc dù, hiện tại cơ sở vật chất cũng như các nhu cầu sinh hoạt phần nào ổn định hơn nhưng tu viện vẫn lo nhiều, nặng nhất là chi phí cho các chú đi học.

Tâm nguyện lớn nhất của TT.Thích Chơn Định là làm sao tu viện phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về nơi nơi ăn, chốn ở cho các chú cũng như thực hiện công trình xây dựng thư viện để tạo điều kiện cho các chú tiếp cận với nhiều nguồn tri thức.

Hiện tại, tu viện đang mở cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết để vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống, vừa có điều kiện để cưu mang những mảnh đời bất hạnh đang chờ vòng tay bảo bọc của mái ấm này.

Chia sẻ với chúng tôi, chú Minh Hòa, 8 tuổi cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của con khó khăn nên bố mẹ không nuôi nổi phải vào đây ở. Vào đây, sư phụ và các anh rất thương, tận tình chăm sóc và chỉ bảo không bao giờ đánh hay mắng nặng lời”. Còn Minh Phúc, 12 tuổi thì chia sẻ: “Do nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ không nuôi nổi sáu anh chị em nên con đến với mái ấm để nương tựa. Ở chùa, được thầy thương, bạn mến nên dần cũng phát tâm xuất gia tu học”. Khi được hỏi, sau này lớn lên sẽ làm gì, thì chú hồn nhiên trả lời “sẽ làm thầy giống như Sư phụ”.

Trường hợp của ba anh em Minh Nhãn thì bố mẹ bỏ nhau nên những người thân đem gởi vào tu viện để tu học… Ở mái nhà An Lạc Hạnh này, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau không ai giống ai nhưng các chú cùng sống chung giữa đầy ắp tình yêu thương và niềm hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.