Mãi mãi không quên…

Đoàn chư tôn đức dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ TP.Hải Phòng - Ảnh: Quốc Đô
Đoàn chư tôn đức dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sỹ TP.Hải Phòng - Ảnh: Quốc Đô

GN - Cả nước hiện có 1,2 triệu liệt sĩ (chưa kể số mất tích), thương binh có 600.000 người và 53.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra có trên 5 triệu người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với mức từ 400.000 đến 600.000đ/người/tháng. Riêng thương binh thì có chính sách trợ cấp ưu đãi riêng tùy theo cấp độ thương tật.

So với mặt bằng đời sống hiện nay, số tiền trợ cấp cho các đối tượng trên vẫn còn khiêm tốn. Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh Việt Nam từ thời kỳ chống Pháp đến chống Mỹ, cả nước có rất nhiều nhà sư, Phật tử hy sinh từ cơ sở Phật giáo chùa chiền, trong ngục tù và kể cả tính mạng… mà cho đến nay, GHPGVN vẫn chưa thống kê đầy đủ.

Việc tri ân, báo ân trong chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Nhà nước đưa vào pháp lệnh và nhiều nghị định hướng dẫn. Không chỉ hàng năm tổ chức tri ân TBLS vào ngày 27-7, mà trong quá trình thực hiện, tất cả Bà mẹ VNAH đã và đang được Nhà nước, các tổ chức xã hội, giới Phật giáo bảo trợ và nuôi dưỡng suốt đời.

Riêng các thương binh, nếu còn sức khỏe thì nhiều người đã tự tổ chức cuộc sống tốt, thậm chí thành lập doanh nghiệp Nhà nước hoạt động và thành công trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tham gia Hội cựu chiến binh ở các địa phương, góp sức cùng chính quyền cơ sở xây dựng khu phố văn hóa, thực hiện tốt các nghĩa vụ ở địa phương theo truyền thống bộ đội Cụ Hồ. Ngoài ra, họ còn là những nhân tố tích cực trong các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, môi trường… Những hình ảnh đẹp đẽ, truyền thống của người thương binh đã được đưa vào âm nhạc của NS.Trần Tiến: … Vết chân tròn, vẫn in dài trên con đường làng cát trắng quê tôi/ Anh thương binh vẫn đến trường làng/ Vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…

Ở Việt Nam có ngày TBLS 27-7 hàng năm, tại nước Mỹ thì không có ngày này, mà chỉ có Ngọn lửa vĩnh cửu bên bức tường khắc ghi tên những người lính Mỹ đã chết ở các chiến trường nước ngoài, ở Nga tại Quảng trường Kremlin cũng vậy. Mỗi quốc gia đều có cách tưởng niệm riêng, nhưng họ không có những chính sách riêng cụ thể đối với gia đình chiến sĩ đã hy sinh, mà áp dụng chung vào chính sách xã hội.

Trở lại ngày TBLS năm nay, cả nước đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đền ơn với nhiều đối tượng, trong đó giới Phật giáo đã đóng góp phần lớn vào hoạt động này, nhất là lễ cầu siêu tri ân và tưởng niệm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo), Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn; Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Đồng Lộc.

Tại TP.Hồ Chí Minh, Trung ương GHPGVN tổ chức Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ở miền Nam tại Đền Bến Dược - huyện Củ Chi vào ngày 24 – 26-7-2013. Tại các tỉnh thành, BTS GHPGVN tổ chức cầu siêu thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, cầu siêu tại các chùa kết hợp cầu nguyện quốc thái dân an. Ngoài ra PG còn tổ chức thăm viếng, tặng quà các thương binh, gia đình chính sách, đối tượng khó khăn và Bà mẹ VNAH.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.