Tối, ngoại xoa lưng, dỗ tôi vào giấc ngủ không phải bằng những câu hát ru mà bằng các câu chuyện cổ tích thần tiên. Đó là những bài học đạo đức đầu tiên của tôi về người ngay, kẻ gian, về nhân quả nhãn tiền, những kẻ ác rồi phải trả giá, đền tội, và những ông Bụt hiền lành luôn hiện ra cứu giúp người thế cô, cùng cực.
Nhìn lại, có thể nói quãng đời hạnh phúc nhất của tôi là thời gian sống với ngoại. Tôi chưa từng biết mùi roi vọt, và so với những đứa trẻ cùng trang lứa trong cái xóm nghèo đó, thì tôi là đứa trẻ may mắn nhất trên đời. Tôi không phải giữ em, không cần nạnh hẹ công việc nhà với anh chị. Vì ngoại chỉ có mình tôi và tôi cũng chỉ mình ngoại. Ngoại đã ban cho tôi tình thương tràn trề, đến nỗi tôi chưa từng thắc mắc về cha hay mẹ và đã có lúc tôi nghĩ ngoại là người sinh ra tôi...
Má là nhân vật xuất hiện muộn màng trong vở kịch đời tôi, khi chỗ dựa bình an đã ngã đổ, khi suối nguồn yêu thương đã tắt mạch, khi ngoại đã vĩnh viễn nằm xuống.
Khi đó tôi mới biết mình còn một gia đình lớn khác nữa, với má, với cha dượng, với bốn anh chị cùng cha và ba đứa em khác cha. Mấy đứa em sau (con của cha dượng) là tấm màn chắn vô hình giữa má và tôi. Chúng là mối quan tâm hàng đầu của má. Còn tôi, là cái bóng qua lại trước mắt má tôi chăng? Tôi và má ít có dịp gần nhau. Không có giây phút nào má ngồi lại bên tôi để hỏi: "Con có buồn, nhớ ngoại nhiều không?" hay "Con có bị anh chị em khác hiếp đáp không?" Má nào biết tôi cảm thấy xa lạ, lạc loài làm sao trong chính gia đình ruột thịt của mình. Các anh chị em tôi dường như ai cũng đã có chỗ đứng trong gia đình. Còn tôi? Như một người khách lạ bước vào nhà, tôi cần làm sao đôi tay ấm áp dìu dắt của má. Thế mà, tôi thấy hình như lúc nào má cũng xa ‘tầm với’ của tôi. Lúc nào má cũng bận rộn lo lắng cho một ông chồng gia trưởng, cho mấy đứa con còn quá nhỏ dại. Những lời tôi được nghe từ má là những mệnh lệnh ngắn gọn như: "Pha nước cho em tắm", "Đi ru em ngủ", "Bồng em đi chơi". Hay những lời rầy la, trách mắng, "Con gái gì không nên thân, có cái chén cầm cũng rớt… Giữ em làm sao mà để em té trầy cả mặt?...". Và từ bàn tay má, thay vì những cái vuốt nựng dịu dàng, âu yếm, thì là những lằn chổi lông gà lạnh lùng, tàn nhẫn vun vút xuống mông tôi. Tôi thấy oán hận má vô cùng. Lòng tôi tràn đầy nghi hoặc: Tôi có phải là con của má? Có lẽ ngoại đã nhận nuôi tôi từ một trại mồ côi nào đó? Sao má và tôi xa cách quá!
Năm cha dượng mất, má tôi vừa tròn bốn mươi tuổi. Tôi mừng khi nghĩ má tôi già rồi, chắc không còn ai giành má với chúng tôi nữa. Lúc đầu má buồn nhiều. Nhưng dần dần tôi thấy má bắt đầu quan tâm đến chúng tôi hơn. Tôi vui giống như má đi xa mới về hay má bệnh mới hết.
Năm tôi lên trung học, có lần, má vào bếp nói: Ðể má nấu mấy củ khoai cho con tối học bài ăn. Tôi nghe mềm lòng. Lần đầu tiên tôi nghe má nói với tôi dịu dàng như thế. Tuần trước đó, lúc tôi ngồi coi hàng trước nhà, thầy dạy Văn ở trường tình cờ đi qua, thấy tôi, ông bước vào. Má tôi ra chào. Ông nói: "Cháu học cũng khá. Bà cố lo cho cháu học lên". Tôi thấy má rơm rớm nước mắt cảm động. Có lẽ cuối cùng tôi cũng đem lại cho má chút niềm vui bên cạnh những ưu phiền. Từ đó, má quan tâm đến tôi hơn. Má dặn các chị đừng bắt tôi làm nhiều việc nhà, để tôi học. Đặc biệt nhất là má không "oánh" tôi nữa. Tôi phổng mũi vì được má coi tôi như người lớn. Ừ, má cũng thương mình đó chứ. Có lẽ mình cũng là con má đẻ ra đó chứ đâu phải đồ lượm thùng rác như các anh chị em khác thường chọc ghẹo, tôi nghĩ thầm. Tôi lẹ làng quên đi bao nỗi oán hờn cũ.
Lên Trung học Đệ nhất cấp (cấp II bây giờ), lần đầu tiên tôi xuống Sài Gòn, đi học xa, ở nội trú. Má đưa tôi vào tận trường, dặn dò đủ thứ, đến nỗi khi má quay lưng về, bà giám thị đã quở: "Chắc là con cưng nhất nhà rồi đây…" Tôi sung sướng đến đỏ mặt.
Ðêm đầu tiên ngủ chỗ lạ, nhớ nhà, nhớ má, tôi khóc. Ấn cả cái khăn lông vào miệng vì sợ bạn ngủ cạnh giường nghe họ cười. Lạ lùng, tại sao tới bây giờ tôi mới thấy thương má. Thương cái dáng má khi quay lưng đi, còn cố dặn dò: "Ráng học giỏi nha con. Nhà mình nghèo, chỉ mình con được học…" Lúc ấy tôi đã muốn chạy theo nói: "Má tha lỗi cho con". Nhưng nếu má có hỏi là lỗi gì, thì tôi không biết phải giải thích làm sao. Có lẽ chỉ có tôi biết lỗi của mình: Lỗi làm con mà dám trách hờn đấng sinh thành.
Rồi tôi đi xa thêm nữa. Má con chỉ còn gặp nhau qua những cánh thư. Lớn lên, bắt đầu có suy nghĩ, tôi xét lại thấy má sống cuộc đời hoàn toàn không có hạnh phúc. Ðau khổ tiếp chồng đau khổ. Lúc mười sáu, má đã bị ngoại gả cho người không thương, để trừ nợ cho gia đình. Trốn được cảnh ấy, má gặp ba, là người má yêu, nhưng lại là người đàn ông đào hoa, ham vui. Má kể có lần ba dẫn má đi coi hát, tình cờ gặp người bạn gái là ba biểu má về trước, ba về sau. Còn chuyện ba bỏ nhà theo gánh hát chơi dăm ba tháng là chuyện thường xảy ra.
Ba tôi mất sớm. Má tôi một nách năm con, phải bước thêm bước nữa để có người nương tựa. Cha dượng yêu má nhưng không yêu con của má. Kết quả, cuộc sống của họ là một chuỗi những dằng co, đau khổ. Tôi nhớ lúc ông mất, tôi đã thầm cảm ơn Trời Phật giải thoát giùm má tôi.
Khi tôi bốn mươi, tôi thấy mình vẫn trẻ. Tôi vẫn tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Vậy mà hồi má tuổi đó, chúng tôi nói, thôi má già rồi, má ở vậy cho khỏe.
Trước khi tôi lập gia đình, người đàn ông sắp sửa là chồng tôi tỏ vẻ ngại ngần không được vui vì má đang sống với tôi. Tôi đau khổ vì không biết chọn ai bỏ ai. Một hôm đi chơi về, nhà vắng, đèn không sáng, tôi vào phòng má, một tờ giấy với những dòng chữ ngoằn ngoèo: "... Má thấy cũng muốn về ở với chị con. Chỉ không có gia đình, ở một mình chắc buồn. Con đừng lo cho má...", nước mắt tôi rơi lã chã trên tờ giấy mỏng. Má ơi, con lại có lỗi nữa rồi.
Năm má tôi ngoài 80 tuổi. Mái tóc bạc phơ. Ðôi chân đã không còn cho phép má bước được những bước mạnh mẽ. Nhưng má vẫn còn trẻ trung trong cuộc sống. Má cũng thích được chúng tôi đưa đi shopping. Ðược lâu lâu đi du lịch ở những phương trời xa. Vẫn còn thích xem phim tình cảm mỗi đêm, vẫn khóc với thân phận của những nhân vật trong phim… Chị em tôi vẫn thường dè dặt nhắc chừng má: "Má! Mỗi tối má nhớ đọc kinh nha!". "Má có lần chuỗi niệm Phật trước khi ngủ không?" Trong tận thâm sâu, với sự khắt khe của mình, tôi vẫn thầm trách má sao không dành thì giờ để chuẩn bị cho ngày ra đi của mình.
Một hôm tôi vào dọn phòng má. Quét, lau bụi bàn ghế, tủ quần áo của má. Tiện tay, tôi mở mấy ngăn tủ. Những bộ quần áo quen thuộc nằm ngay ngắn. Dưới đáy tủ, lấp ló, một bộ quần áo lạ. Tôi dở lên xem. Một bộ quần áo trắng tinh, thơm mùi long não, xếp gọn gàng, với vớ trắng. Bộ quần áo liệm đây mà…. Thì ra má cũng đã chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của mình. Âm thầm. Như một chuyện bình thường. Như một điều tất yếu. Vậy mà, tôi vẫn nghĩ má ơ hờ. Ðêm ấy tôi lại muốn đến bên má để nói: Hãy tha lỗi cho con. Má ơi!
Năm 93 tuổi, má tôi mất. Má ra đi sau mấy ngày nằm chờ tôi mỏi mòn. Má đã thở bình ô-xy mấy ngày rồi. Môi của má, mũi của má đã rướm máu khô, nhưng má vẫn nắm níu. Tôi vẫn còn rong ruổi ở một phương trời xa. Đuổi theo những giấc mộng của mình. Cuối cùng má đã buông xuôi trong lời kinh cầu nguyện của quý thầy. Trước khi ra đi, má còn gắng đưa một bàn tay lên ngực như để thực hiện câu niệm Phật cuối cùng. Tôi trở về khi mọi sự đã an bài. Tôi trở về chỉ kịp nói trước xác thân đã lạnh cứng của má lời cảm ơn và tạ lỗi muộn màng. Cảm ơn đã cho con cuộc đời. Và tha lỗi cho con, một người con bất hiếu!
Trời tháng tư bao giờ cũng nóng. Mồ hôi và nước mắt chan hòa. Tôi ôm gói tro của má trong bọc nylon. Tiếng cầu kinh của quý thầy dường như trải ra mênh mông trên dòng sông lấp lánh nắng. Từng nắm tro từ bàn tay tôi theo gió rơi xuống dòng sông. Má đã về với sông nước quê hương như ước nguyện. Tro ơi, hãy lắng sâu xuống đáy sông. Má ơi, hãy yên nghỉ giấc mộng dài. Không còn dấu vết gì của má ở thế gian này. Nhưng má không bao giờ mất trong lòng chúng con, Má ơi!