Má & hành trình trở về…

GN - Tuổi thơ tôi đã nếm đủ mùi khói lửa của chiến tranh. Tôi từng là đội viên của Ban Đời sống mới tỉnh Mỹ Tho. Tôi khai man thêm tuổi để được chính thức trở thành bộ đội. Ngày tôi tập kết ra Bắc, tội nghiệp má tôi. Bà đã khóc rất nhiều…

Lúc thuyền rời bến đưa tôi đến chiếc tàu lớn để chuẩn bị ra Bắc, má tôi đã đưa hai ngón tay ra hiệu: “Hai năm nữa hai mẹ con mình sẽ gặp lại nhau”. Tôi hiểu. Vì lẽ, theo Hiệp định Géneve thì hai năm nữa sẽ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước.

“Quy ước” ngày gặp lại

Vì xa gia đình, sống trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt trong lòng miền đất Bắc, lòng tôi lúc nào cũng mang theo nỗi nhớ da diết khi nghĩ về quê hương. Những cơn đau dạ dày ác nghiệt như muốn cướp đi mạng sống của tôi. Tôi phải triền miên ra vào điều trị ở Quân y viện K32. Sau đó, tôi được chuyển về Quân y viện 108.

Tại đây, tôi phải mổ đến ba lần. Đặc biệt lần cuối, “thần chết” cứ đeo đẳng và đe dọa tôi. Đang trong cơn đau xé rách lồng ngực vì chứng dạ dày, tôi vẫn không thấy đau bằng nỗi đau nhớ má. Hình ảnh má tôi lại hiện ra trước mặt, lời nói má tôi cứ văng vẳng vang bên tai: “Hai năm nữa sẽ thống nhất đất nước. Hai năm nữa má con mình sẽ gặp nhau”. Giờ đây, chẳng lẽ, tôi không còn một cơ hội nào để gặp lại người mẹ thân yêu của mình nữa hay sao?

H2.jpg

Tác giả (trái) dạy nhạc tại Trường Đại học Boston, Mỹ - Ảnh: NVCC

Cấp chỉ huy thấy tôi có khiếu âm nhạc nên động viên tôi thi vào trường nhạc. Niềm đam mê như được tạo điều kiện, chắp cánh cho tôi thêm nghị lực để thực hiện. Tôi thi vào trường nhạc và trúng tuyển ngay. Vì kết quả học tập tốt nên vừa bước sang năm thứ ba, tôi được trường cử sang tu nghiệp tại Nhạc viện Leningrad. Đây là một trong hai nhạc viện lớn nhất của Liên Xô thời bấy giờ, nay là Nhạc viện Saint Petersbourg.   

Má và bản giao hưởng số 3

Bản concerto symphonie - giao hưởng số 3 của tôi công diễn tại Đại hội Âm nhạc mùa xuân Leningrad lần thứ 12. Đối với tôi, tác phẩm đã mang lại thành công rực rỡ. Bởi, tác phẩm này tôi đã gửi gắm trọn tình cảm, tình yêu quê hương, tình yêu với má đến tha thiết vào tác phẩm. Từng nốt nhạc, từng giai điệu như gợi lên hình ảnh của má, của dòng sông, cánh đồng, con đò nơi quê hương mình.

Khi chủ đề chính lần đầu tiên xuất hiện ở cây đàn cello solo, tôi nghe như có tiếng độc thoại vang lên thành âm hưởng, thành tiếng rao hàng trong đêm của em bé gái mồ côi từ ngữ điệu: “Đậu xanh nấu đường”. Tôi nghe sao mà thân thiết, sao mà xúc động đến tận tim gan của một người con đang sống xa quê.

Nỗi ám ảnh của thời chiến tranh cũng sống dậy. Tiếng bom nổ, tiếng đạn rít, tiếng khóc khi mất người thân, tiếng réo rắc của ngọn lửa thiêu đốt nhà cửa ở chốn làng quê… như được “sống lại” rất chậm. Bởi, những hình tượng âm nhạc do dàn nhạc giao hưởng diệu kỳ diễn tấu.

Ở chương cuối, tiếng hát solo của giọng nữ trầm: “Ơ ầu ơ…!” tôi nghe như chính lời ru của má thời thơ ấu. Ngày hôm ấy, thính giả người Việt, người Nga, những người sống ở Liên Xô, khách quốc tế đến dự rất đông. Khi tiếng nhạc vừa kết thúc, những tràng pháo tay vang lên liên hồi, những tiếng “hoan hô” kéo dài không dứt… Tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc. Tôi thấy mình như đang đứng trên mảnh đất quê hương.

Người Việt sống trên lãnh thổ Nga đến chia sẻ và ủng hộ tôi rất đông. Dẫu biết rằng, Mỹ đã thất bại và chiến tranh đã kết thúc trên quê hương mình. Nhưng khi gặp những người Việt sống trên đất nước Nga, tôi rất mừng vui. Chúng tôi cùng có chung niềm vui của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Những câu chuyện về chiến tranh như một nỗi đau đã đẩy lùi vào quá khứ. Ngồi lại, chúng tôi kể nhau nghe những câu chuyện khi đất nước đã bình yên.

Ngồi trên triền dốc bờ sông Nêva khi cơn mưa vừa tạnh, tôi nhìn xuống dòng nước đục ngầu. Bên dòng sông hùng tráng vốn đã tạo nên những điệu nhạc réo rắt, tôi chợt nhớ đến những con sông quê mình.

Dòng sông quê tôi luôn nhuộm đỏ một màu phù sa. Nước lớn nước ròng, con sông Tiền vẫn thủy chung với sắc màu phù sa. Cho nên dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn mang theo hương phù sa của con sông quê mình. Thế là, cảm giác nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ má… siết lấy tôi. Tôi nhớ má đến thắt con tim. Tôi không thể xa má khi đất nước đã hòa bình. Tôi quyết định rồi. Tôi phải quay về quê hương ngay.

Ngày xưa khi ba tôi bị giặc giết, tôi đang trên chiến trường. Tôi nhận tin đau đớn ấy và quay về tìm ba, tất cả chỉ là nấm mồ. Nỗi đau ấy luôn âm ỉ và ray rứt trong lòng tôi. Bây giờ, tôi không thể chậm trễ nữa. Má là một tình cảm thiêng liêng và vĩnh cửu trong tôi. Tôi yêu má hơn bất cứ tình yêu nào trên cõi đời này.

Trở về với má

Bao năm sống lưu lạc ở xứ người, ngày trở về, quê hương tôi đã thay đổi quá nhiều. Tôi bước lững thững trên bờ ruộng loằng ngoằng. Hàng dừa xanh um tùm ngày xưa, giờ là thửa ruộng đang trổ đòng đòng. Trước mặt tôi, cánh đồng trải dài vô tận. Vườn chim của tôi, ngôi nhà của tôi… tất cả còn mịt mù ở chốn nào?

ANH MA.JPG

Mỗi khi nhớ má, GS.TS Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam thường đánh bản giao hưởng số 3- Ảnh: Minh An

Sau vài lần hỏi thăm đường sá, tôi tìm về đúng ngôi nhà của mình. Vừa đặt chân vào nhà, tôi bật khóc. Những giọt nước mắt từ từ lăn xuống đôi má không còn mấy non dại của tôi, mặn đắng. Má tôi nằm liệt giường liệt chiếu, bất động. Chị Hai tôi lắc đầu quầy quậy. Chị bảo má đã cấm khẩu sáu bảy tháng trời nay.

Tôi về đã trễ rồi. Tôi nắm chặt đôi tay khô ráp của má, lắc lư. Má tôi vẫn thoi thóp trong cơn đau thập tử nhất sinh. Tôi thảng thốt:  “Má!…”. Bỗng dưng, má tôi tròn xoe mắt nhìn tôi và bật thành lời: “Con đã về!”.

Mọi người lao nhao vì ngạc nhiên. Bởi má tôi đã cấm khẩu từ lâu, trong cơn mê sảng do bệnh tật hành hạ, má tôi vẫn không thốt nửa lời. Vậy mà mấy mươi năm xa cách, nằm cạnh thằng con trai, khi tỉnh khi mê, má tôi đã bật thành lời. Tôi khóc, khóc trong sự ân hận muộn màng.

Đó là lần cuối cùng tôi nghe được tiếng của má tôi, được nhìn thấy má tôi. Ba ngày sau, má tôi đã vĩnh viễn ra đi. Nỗi đau mất mẹ đã đưa tôi rơi vào một khoảng không mất mát khôn cùng. Một khoảng trống không gì khỏa lấp và bù đắp.

Có lẽ, đám tang má tôi, người khóc nhiều nhất chính là tôi. Dù biết rằng trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng phải trải qua bao lần mất mát. Nhưng với bất cứ sự mất mát nào người ta cũng có thể tìm cái na ná để thay thế, để khuây khỏa.

Còn mất mát người mẹ thân yêu, điều đó vẫn mãi mãi là một khoảng trống vô tận. Vậy mà, tôi phải cắn răng cam chịu trước sự ra đi của má. Dù rằng, tôi không phải là con người bi lụy, nhưng nước mắt cứ tuôn trào, nước mắt vẫn cứ rơi trên khuôn mặt người đàn ông đã đi qua tuổi thơ và cả cái tuổi của thời thanh niên dày dạn gió sương.

Vậy mà xóm làng tôi, một vài người cứ xì xầm, thắc mắc. Họ to nhỏ với nhau. Bà Bảy chết! Bỗng dưng xuất hiện một người đàn ông lạ huơ lạ hoắc đến khóc tối cả đất trời.

Tôi lặng thinh không phân bua. Nhớ lại ngày tôi tập kết ra Bắc, má tôi đưa hai ngón tay ra hiệu ngày đoàn tụ. Thế nhưng tất cả không như tôi tưởng, không phải là hai năm… mà đến hơn hai mươi năm. Khi tôi gặp lại má cũng là lúc tôi xa cách má đến… vĩnh viễn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.