Lưu mãi thế gian

GNO - Trong những ngày qua, tòa soạn nhận được nhiều thư điện tử của Tăng Ni, Phật tử, giới trí thức trong và ngoài nước gởi đến, bày tỏ tấm lòng kính ngưỡng đối với Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, nhà giáo dục, nhà biên dịch Kinh tạng lỗi lạc, bậc Thầy của nhiều thế hệ. GNO giới thiệu một trong những cảm nhận đó, qua cách gọi "Ôn" gần gũi, thân thương...

Ngưỡng bạch Giác linh Ôn;

Chúng con là những Phật tử ở nước Hoa Kỳ hữu duyên được học Pháp qua những bài kinh trong Niyaka mà Ôn đã dịch.

Hàng năm chúng con mong chờ đến mùa An cư kiết hạ tại Trung tâm Phật giáo Việt Nam - Houston, để xin phép được tòng hạ an cư cùng với chư tôn đức Tăng Ni trong 2 tuần.

Trong thời gian này chúng con được học, được nghe giảng về những bài kinh truyền thống Bắc tông và Nam tông (Nguyên thuỷ). Kể từ khi chúng con được học những bài kinh từ Trung bộ kinh, Trường bộ Kinh, Pháp cú… do Ôn viện chủ, và quý Thầy giáo thọ giảng dạy tại khóa an cư, chúng con cảm nhận rằng đây là một phương pháp đã đưa chúng con vào pháp hành, rất thực tế, đã xác định hướng đi cho chúng con trên con đường tu học và phụng sự.

Giác linh Ôn hẳn sẽ tùy hỷ khi được biết nhiều vị giáo thọ của khóa an cư đã từng là học sinh, sinh viên tại Vạn Hạnh. Chúng con cũng thường được nghe quý vị giáo thọ kể chuyện về cuộc đời dịch kinh và sự dấn thân, hy sinh của Ôn cho ngành giáo dục.

Quả thật khi mới học, chúng con cảm thấy như đang học một ngôn ngữ khác. Mới đầu đọc kinh sách mà không nghe giảng thì thật là khó hiểu; sao mà nó khô khan quá! Nhưng khi đã nắm được cách học rồi thì chúng con lại đam mê.

Chúng con cảm thấy như Đức Phật đang chỉ dạy trực tiếp cho chúng con tu, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy Đức Phật đã dạy rất tỉ mỉ, chi tiết cho đệ tử xuất gia và tại gia về pháp học và pháp hành. Đôi khi bài pháp hơi khó hiểu và khô khan nhưng quý vị giáo thọ đã rất thiện xảo giảng dạy khiến chúng con có thể hiểu và đam mê học.

an cu 2012 chua vietnam.jpg

Học Phật pháp ở Trung tâm PG Việt Nam, Houston - Ảnh do tác giả cung cấp

Hai năm gần đây tại tiểu bang Virgina, chúng con đã có đủ phước báu để được đón nhận Pháp bảo của Đức Phật qua vị một vị Sư Nguyên thuỷ đã dấn thân giảng dạy bất kể thời tiết: lạnh, tuyết, nắng, mưa.

Mỗi thứ Tư, thứ Năm hằng tuần chúng con đều hớn hở cắp sách vở đi học Phật pháp, dù cả ngày qua, 10 tiếng đồng hồ vật lộn với công việc và lái xe.

Môi trường không phải là lớp học, nó là một căn phòng chúng con mượn tại một thư viện cộng đồng. Người thì ngồi ghế, kẻ thì ngồi bồ đoàn dưới đất nhưng chúng con đã mê mải học liên tục 3 tiếng đồng hồ. Sư dạy mà không biết mệt, chúng con thì đam mê học không chịu ngừng. Số lượng người học có khi lên đến 150 người, ngồi chật ních không còn chỗ đi. Điều này nói lên tâm huyết của vị giáo thọ và Phật tử chúng con, quan tâm tu học theo lời Phật dạy tại xứ người rất tinh tấn.

Điều hạnh phúc là nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng, con cái đều đi học Pháp. Học ở lớp chưa đủ, về nhà bàn thảo tiếp. Và đó là thành quả mà Ôn đã cống hiến cho nhân loại. Hạnh phúc trong từng giây phút hiện tại!

Kính bạch Giác linh Ôn! Ôn đã ra đi nhưng sự đóng góp của Ôn vẫn còn tồn tại mãi ở thế gian. Và chúng con rất hạnh phúc, sung sướng khi được học những bài kinh trong Nikaya. Lời Phật dạy không chỉ dành riêng cho tu sĩ và cần được phổ biến rộng rãi hơn trong các khóa tu học trong và ngoài nước. Chúng con xin trân trọng và gìn giữ gia tài Pháp bảo mà Ôn đã nhiều năm dịch và lưu lại thế gian, đó là sự thực tập và sống theo lời Phật dạy.  

Chúng con xin dâng nén hương lòng, thanh tịnh và trang nghiêm chí thành niệm Phật kính tiễn giác linh Ôn về Tây phương Cực Lạc, thượng phẩm thượng sinh và xin Ôn mau trở lại thế giới Ta-bà để tiếp độ chúng sinh, hoằng dương Chánh pháp.

Chúng con xin đê đầu đảnh lễ Giác linh Ôn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.