Lương y của người nghèo

GN - Nằm trên vùng đất đầy nắng gió của miền Trung, tịnh xá Ngọc Quý (thuộc thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) được bà con nghèo biết đến không chỉ là ngôi nhà tâm linh để nương tựa tu học, mà đây còn là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc biết bao bệnh nhân nghèo trong vùng.

Hạnh nguyện lợi tha

Vị lương y có gương mặt từ hòa, thân thiện ấy là ĐĐ.Thích Giác Thắng, xuất gia vào năm 1998, tại tịnh xá Ngọc Minh (TP.HCM), ĐĐ.Thích Giác Thắng được thầy cho đi học tại Viện Y học dân tộc TP.HCM (2004-2007). Sau khi tốt nghiệp, sư trở về lại quê tu học, nhận thấy bà con nghèo khi đau bệnh không có tiền chạy chữa, lâm vào nguy kịch. Sư đã xin phép thầy cho mở một cái thất nhỏ để phát thuốc, chữa bệnh cho bà con nghèo miễn phí tại quê nhà (Hàm Thuận Bắc).

1 copy.jpg

Sư Giác Thắng với một bận rộn vì bệnh nhân - Ảnh: G.M.L

Dần dần, phòng phát thuốc miễn phí của Sư Giác Thắng được nhiều người biết đến, tiếng lành đồn xa bởi lẽ Sư là một người luôn tận tụy, thương người, nhiệt tình điều trị cho bệnh nhân. Vì thế mà đến nay số lượng ngày càng tăng sau khi thành lập. Chỉ trong vòng sáu tháng từ khi thành lập mà đã có trên 4.000 bệnh nhân trở về khám bệnh và chữa trị.

Xuất phát từ tấm lòng, hạnh nguyện cứu giúp mọi người trong cơn khốn khổ, tuy tịnh xá Ngọc Quý cũng có những khó khăn ở vùng quê hẻo lánh, nhưng sư Giác Thắng cũng luôn vận động, khuyến khích bà con liên tục tổ chức các hoạt động từ thiện tặng quà cho trẻ em khuyết tật, đồng bào nghèo tại hai xã Hàm Chính, Đông Tiến.

Đôi lúc phòng khám không còn thuốc để trị cho bà con, sư phải đi khắp mọi nơi để tìm xin người dân những thứ cây vườn quanh nhà để đem về chế biến lại, mà làm thuốc cho bà con nghèo trong vùng những khi đau bệnh. Khi hỏi về những khó khăn thì sư chia sẻ: “Tâm nguyện muốn giúp cho bà con ở vùng này, có được một phòng thuốc Nam để trị bệnh những khi đau ốm. Do ở vùng quê nên điều kiện đi lại khó khăn, không có tiền chữa trị nên một số người phải nằm ở nhà để cơn đau hoành hành cho đến chết.

Từ khi phòng thuốc ra đời, bà con đến chữa trị rất đông, đa phần là những chứng bệnh nan y khó điều trị. Tôi cố gắng, kiên trì điều trị giúp cho bà con có được niềm tin để sống. Vì thế, khó khăn thì nhiều, nhưng cũng cố gắng vượt qua, miễn bà con được mạnh khỏe lo cho cuộc sống là tôi vui rồi”.

Tiếp nối những khó khăn

Nhận thấy sự nỗ lực của một nhà sư trẻ trong việc làm thiện nguyện giúp đời, lương y Lê Văn Mai đã động lòng trước hình ảnh của nhà sư tận tụy, nên phát tâm trở về để tiếp nối công hạnh của sư trên bước đường thiện sự. Lương y chia sẻ: “Nghề thầy thuốc là nghề gia truyền lâu đời của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân đạo, giúp đời, mà sư Giác Thắng đã lấy việc làm này để tiếp tục phát huy nét đẹp đạo lý thanh cao, cống hiến sức trẻ để dấn thân làm công tác trị bệnh giúp đời nên tôi đã đồng cảm và quyết định trở về cùng với sư xây dựng phòng thuốc.

Nhờ niềm tin vào tâm linh và hình ảnh của sư mà phòng thuốc ngày càng đông đảo bà con nghèo trong vùng trở về trị bệnh. Hàng ngày, nghe được những lời cảm ơn, biết bệnh tình của họ thuyên giảm, sư Thắng và tôi cảm thấy vui trong lòng. Từ đó hướng dẫn mọi người trở về nương tựa Phật pháp mà tu hành”.

Hỏi về những ước nguyện ở tương lai, Sư chỉ mong mỗi ngày bà con được mạnh khỏe, cuộc sống bình an và tăng trưởng niềm tin đối với Phật pháp. Và, phòng thuốc được phát triển, có thêm nhiều thuốc để duy trì và tiếp tục giúp cho bà con nghèo được có đủ điều kiện chữa trị, nhất là những chứng bệnh nan y.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.