Lửa ấm từ gian bếp

GN - 1. Trở về nhà từ thành phố, cô bạn tôi có vẻ rất hạnh phúc. Tôi luôn chọc rằng là sinh viên, gần đi làm, xa nhà mấy năm rồi mà vẫn thế sao?

Nó đáp, hồi mới vào học, mọi người cũng bảo môi trường sống thay đổi, việc học tập, thậm chí có người yêu sẽ… chẳng còn nhớ nhà, nhưng nó vẫn nhớ cồn cào, hễ có dịp là bắt xe về ngay; hay lúc còn có cơ hội sang Hàn Quốc học nhưng nghĩ tới việc xa gia đình lâu chắc không chịu nổi nên thôi.

Tính cô bạn vốn tình cảm, nội tâm nên cũng dễ hiểu. Mỗi lần về nhà như thế, cô ấy đều rủ nhóm bạn qua nhà chơi, xuống bếp làm mấy món đồ ăn. Như nhiều cô gái khác, bạn tôi có niềm yêu thích đặc biệt với căn bếp gia đình. Nhiều khi, nhìn nét mặt tròn tròn và đôi mắt luôn ấm áp ấy của cô bạn, tôi luôn thấy, hình như với những người con gái - rồi sau này sẽ là người phụ nữ của gia đình, họ sống thiên về tình cảm và biết vun vén nhiều hơn.

anhminhhoa.jpg


Góc bếp - Ảnh minh họa

2. Theo biểu tượng của hình ảnh, người ta nhớ đến căn phòng ngoài của ngôi nhà như hình thức bên ngoài của con người, mái nhà tượng trưng cho trí tuệ… còn nhà bếp, dẫn người ta đến những diễn biến tâm lý hay một thời điểm biến đổi trong nội tâm. Đúng vậy, khi nghe đến bếp, người ta nghĩ ngay đến ngọn lửa ấm áp. Nó thường tượng trưng cho một mái ấm, và những người thân; sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà; là tình yêu, sự tập hợp và giữ gìn lửa. Đó có thể là trái tim “nêm” vào từng món ăn; sự chờ đợi người thân mỗi buổi chiều tối; là nhắc nhở cho những người có gia đình hãy luôn nhớ có người chờ mình ở nhà. Bếp gắn với gia đình đâu phải chỉ là một sản phẩm - bữa cơm - mà còn là tình yêu, sự thương nhớ.

Cô bạn ấy nhớ gia đình, nhớ căn bếp nhỏ, những thành viên trong gia đình bên cạnh mâm cơm và sự hỏi han chia sẻ rất thường ngày nhưng nếu đi xa bạn sẽ thấy nhớ da diết như một đêm cô đơn ở nơi xa nào đó, bạn sẽ nhớ tới mẹ nhiều nhất. Một lần tôi đọc sách, có đoạn rất hay nói về bếp và hình ảnh người phụ nữ - Mẹ: sao mỗi lần nghĩ đến mẹ người ta thường nhớ đến gian bếp và mẹ có chán không khi cứ “ở dưới bếp” hoài; nhân vật người mẹ đã trả lời, biết rằng các con sẽ được nuôi lớn từ những bữa cơm, mẹ chẳng nghĩ đến điều cực khổ gì cả; mẹ là bếp và bếp cũng là mẹ.

3. Vài ngày nghỉ qua đi, quay trở lại với công việc học tập, người bạn gái trở lại thành phố mang theo những nhớ nhung về gia đình và căn bếp nhỏ. Hẹn một lần quay trở lại, ấm cúng hơn nhiều trong không khí ngày Tết cổ truyền và chẳng thể thiếu đâu, mọi người bên nhau trong căn phòng nhỏ bên bàn ăn cùng nồi bánh chưng đang bập bùng trong gian bếp…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.