Lòng nhân từ của mẹ đề mục phát triển Bồ-đề tâm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Có hai kỹ thuật thiền định để phát triển Bồ-đề tâm. Một trong số đó là phát triển lòng vị tha để thành tựu giác ngộ thông qua kỹ thuật thiền định bảy điểm theo quy luật nhân quả của Đại thừa (một pháp tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng).

Dựa trên nhận thức thấu đáo về sự bình đẳng - tất cả hữu tình đều bình đẳng - chúng ta suy ngẫm về việc hết thảy chúng sinh đã từng là mẹ của ta và họ đã nhân từ với ta như thế nào. Sau đó, chúng ta quyết định đền đáp lòng nhân từ đó và phát triển lòng từ ái, giống như tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con thân yêu, mà sự thương quý đó đã có rất nhiều ở trong trái tim mình.

Lòng từ ái là tạo ra tình yêu thương đối với mọi chúng sinh mà không có sự phân biệt đối xử. Thuật ngữ Tây Tạng dùng để chỉ cho cảm giác đó trong trái tim chúng ta là yi-ong jam-pa, nó tương tự như nói “thân yêu nhất”. Chúng ta tạo ra tình yêu thương như vậy đối với hết thảy chúng sinh, thậm chí đối với những người đã ngược đãi ta, hay những người mà ta gọi là kẻ thù. Chúng ta tạo ra tình yêu thương đó hướng đến mọi chúng sinh trong sáu cõi mà không có sự phân biệt, xem họ là thân yêu nhất.

Hãy nhìn những chúng sinh, đối tượng thiền định của chúng ta một cách đẹp đẽ. Vẻ đẹp của họ không dựa vào hình thể - họ có thể hoàn toàn xấu xí - nhưng chúng ta thấy rất đẹp, bởi vì chúng ta đã suy ngẫm về lòng tốt của họ trước đó; người ấy đã thể hiện lòng nhân từ với chúng ta trong những tiền kiếp từ vô thỉ, bằng cách làm mẹ của chúng ta.

Nếu người tốt nhất trong cuộc đời này là cha thì chúng ta có thể sử dụng cha làm đối tượng cho việc thiền định này. Nếu dễ dàng thiền định về lòng tốt của người cha hơn, thì hãy nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều là cha của chúng ta. Thấy rằng trong vô lượng kiếp tái sinh từ vô thỉ, mọi chúng sinh đều đã nhân từ giống như cha vậy.

Nếu cha là người đối xử nhân từ với chúng ta nhất, chúng ta có thể cố gắng tạo ra cùng một cảm giác đó với tất cả chúng sinh. Điều đó giúp chúng ta báo đáp lòng nhân từ của họ, bằng cách nhìn thấy cái đẹp của cha khi nhìn tất cả chúng sinh. Có thể sử dụng hình ảnh của mẹ hoặc bất kỳ ai mà chúng ta cảm thấy nhân từ nhất, hãy nghĩ rằng mọi người đã cho chúng ta thấy lòng nhân từ đó.

Chúng ta có thể nhìn thấy cái đẹp trong mỗi chúng sinh. Ngay cả một người xấu xí, xấu kinh khủng nhưng khi nghĩ đến lòng nhân từ của người đó thì chúng ta cảm thấy yêu mến, và khi nhìn vào bên trong sự yêu mến đó, chúng ta sẽ thấy cái đẹp của họ, nó không liên quan gì đến cái đẹp hình hài.

Dường như hình ảnh người mẹ thường được sử dụng trong các kinh văn bởi vì bà đã cho chúng ta sự sống ngay lúc thụ thai. Mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta 9 tháng trong bào thai, nơi mà ý thức của chúng ta đã hoạt động. Chúng ta được sinh ra từ cơ thể của mẹ, bản thân điều đó đã là nhân từ. Ngay cả khi mẹ chỉ sinh ta ra và đã không làm gì sau đó - thì cũng đã là một dạng nhân từ không thể tả được rồi. Mẹ đã không phá thai hoặc suy nghĩ nhiều về sự thoải mái của bản thân để khiến cuộc sống của mẹ trở nên dễ dàng hơn, mẹ đã từ bỏ sự tự do của mình và chọn chăm sóc chúng ta, mặc dù điều đó khiến cho cuộc sống của mẹ không được thoải mái thậm chí là bất an.

Lama Zopa với Amala (mẹ của Lama) tại Trung tâm Nhập thất Lawudo, Nepal, 1990 - Ảnh: Merry Colony

Lama Zopa với Amala (mẹ của Lama) tại Trung tâm Nhập thất Lawudo, Nepal, 1990 - Ảnh: Merry Colony

Hãy nghĩ rằng nếu mẹ không chăm sóc, chúng ta sẽ không có cơ thể quý báu này, không thể có những thú vui của con người. Đặc biệt, điều quý giá nhất là được gặp, học hỏi và thực hành Phật pháp, nhờ vậy chúng ta mới có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi và mang Chánh pháp làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Chúng ta có thể nghĩ rằng tất cả những điều này đều đến từ lòng nhân từ của mẹ. Tất cả những cơ hội mà chúng ta có được ở đây đều lưu xuất từ lòng nhân từ của mẹ.

Thậm chí tất cả những gì mà mẹ đã từng làm được cho chúng ta, đó là chỉ duy nhất mỗi việc sinh ra, và ngay lúc đó mẹ đã giao chúng ta cho người khác chăm sóc. Chúng ta có thể nhìn thấy lòng nhân từ của người đã nuôi dạy chúng ta nhưng không thấy lòng nhân từ của mẹ. Chúng ta không thấy rằng, tất cả những cơ hội mà chúng ta có được bây giờ đều đến từ mẹ - không chỉ riêng sự hài lòng và thoải mái nhất thời, mà tất cả những cơ hội không thể tin được để thực hành Pháp. Tất cả những điều này sẽ không thể xảy ra nếu mẹ không cưu mang chúng ta từ trong trứng nước.

Cũng có thể bây giờ, chúng ta đang ở trong cảnh giới địa ngục. Chúng ta là một con cá dưới nước bị mắc vào lưới của ngư dân. Hoặc chúng ta là một con sâu bị chim ăn thịt. Chúng ta có thể ở trong miệng của những con chim lớn trên biển. Chúng ta có thể là một con muỗi, một con cá sấu, một con tê giác v.v… Chúng ta có thể là bất cứ điều gì, và không có dịp may mắn làm người như hôm nay. Khi chúng ta nghĩ như thế, ngay cả khi tất cả những gì mẹ đã làm chỉ là giữ chúng ta chín tháng trong bụng, chăm sóc và sinh nở, chỉ riêng mỗi điều đó thôi là đã không thể diễn tả được rồi.

Do đó, tất cả những gì mà chúng ta có bây giờ, ngay lúc này, đều là những cơ hội hy hữu, không dễ dàng có được. Tất cả đều xuất phát từ lòng nhân từ không thể nào nói hết của mẹ, vì mẹ đã chăm sóc chúng ta từ trong bụng và sinh ra chúng ta. Bây giờ chúng ta có cơ hội thực hành Pháp đều đến từ lòng nhân từ của mẹ. Nó phụ thuộc rất lớn vào mẹ. Cũng giống như trái cây mà chúng ta thưởng thức phụ thuộc vào hạt giống đã được gieo trồng. Tất cả những thoải mái và hài lòng nhất mà chúng ta đang có đều phụ thuộc vào việc mẹ đã hoài thai và sinh nở, cho chúng ta một thân thể con người.

Chúng ta không thể báo đáp lòng nhân từ ngay cả chỉ mỗi kiếp này nếu như không nghĩ rằng, mẹ đã từng là mẹ của chúng ta trong vô lượng kiếp quá khứ, đã cho chúng ta không chỉ hạnh phúc đời thường mà còn cho cơ hội thực hành Pháp. Nếu không nghĩ đến điều đó, mà chỉ nghĩ đến lòng nhân từ của mẹ trong cuộc đời này, thì dù ta có hy sinh cả đời vì mẹ, dù ta có từ bỏ mạng sống bằng số lượng nguyên tử trên Trái đất này vì mẹ, thì điều đó vẫn không là gì cả. Chúng ta không thể đền đáp hết lòng nhân từ của mẹ, bởi vì mẹ đã cho chúng ta cơ hội hiếm có này.

Kyabje Lama Zopa (Bài giảng thứ bảy” tại khóa học Kopan lần thứ 33 tổ chức tại tu viện Kopan, Nepal)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.