“Lòng mình đang Tết”

GN Xuân - Sáng cuối năm dậy sớm bởi mùi hương trầm thoang thoảng khắp nhà. Có cả mùi hoa tươi, mùi củ kiệu, mùi gừng, mùi trà… Tất cả hòa vào thành mùi sớm mai rất riêng, rất an lành.

Tôi rón rén đi một vòng khắp nhà. Trên bàn Phật hoa vừa đơm tươi mới với những giọt nước đậu lại trên từng cánh. Hương trầm hãy còn đây. Ngoài sân thì củ kiệu đang phơi trong nắng sớm. Trong bếp mùi mứt đang sên thơm ngọt, cùng với ấm trà vừa pha còn nồng nàn. Tất cả là từ bàn tay của mạ.

ban thongaytet.jpg


Người Huế lạ lắm, dù nghèo dù giàu, thì bàn thờ luôn phải
tươm tất đẹp đẽ, hoa trái tươi thơm trong ba ngày Tết - Ảnh minh họa

Xa Huế đã lâu, năm nào mạ cũng muốn về quê hương ăn Tết. Nhưng do sức khỏe không được tốt, nên nhiều năm phải ở lại Sài Gòn. Huế những ngày Tết trời lạnh lắm, mỗi lần mạ về chỉ co ro bên bếp than ôn lại chuyện xưa với mệ ngoại. Việc mà mạ thích làm nhất mỗi khi về nhà là chăm sóc, bài trí bàn thờ thật đẹp để đón Tết.

Người Huế lạ lắm, dù nghèo dù giàu, thì bàn thờ luôn phải tươm tất đẹp đẽ, hoa trái tươi thơm trong ba ngày Tết. Nhà nào có thờ Phật thì nơi đó gần như là trái tim của cả ngôi nhà. Mọi tinh thần và cái đẹp đều hướng vào chốn linh thiêng đó để mong cả nhà có một năm mới đủ đầy, bình an.

Vô Sài Gòn, mạ cũng cố gắng giữ nề nếp ấy. Dù sống trong một thành phố công nghiệp, nhà cửa đắt đỏ, nhưng gia đình luôn có một phòng thờ Phật với vị trí tôn nghiêm mà ấm cúng nhất. Mạ cũng giữ truyền thống tự làm những món cho ngày Tết của Huế như dưa món, củ kiệu và các loại mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai… Đặc biệt là mứt gừng, cái món gì mà ấm nồng da diết, vừa ăn vừa uống trà trong những ngày đông làm cho con người ấm lòng ấm dạ hẳn lên. Do đất đai thổ nhưỡng vùng miền khác nhau, nên các món này làm ở trong Nam không đậm đà như làm ở Huế, nhưng mạ vẫn cố gắng duy trì, dù làm không nhiều nhưng vẫn tỉ mẩn với từng món, như là cách để giữ gìn tình cảm quê hương.

Gần Tết mạ hay làm tôi nhớ lại thời xa xưa ở Huế, những ngày giáp Tết cả nhà quây quần bên những nồi mứt mệ ngoại làm, vừa ấm vừa thơm, để hàn huyên tâm sự, đôi khi có cả cãi nhau, lẫy nhau nhưng sao đong đầy tình thương. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh mệ ngoại ngồi sên mứt khoai, vừa hút thuốc Cẩm Lệ, tóc bới cao, tay đảo thoăn thoắt từng miếng khoai đường. Mệ tôi làm mứt ngon không thể tả.

Ở Sài Gòn, cuộc sống bận rộn. Nhiều khi không nhớ Tết nhứt gì đâu. Có những năm mạ về thăm quê, tôi ở lại Sài Gòn thì canh đến 27, 28 Tết là ra siêu thị tranh thủ mua vài món đồ đem về gọi là cho có Tết. Ấy vậy nhưng riêng bàn thờ Phật thì vẫn phải đẹp, đủ đầy, trang nghiêm, hoa trái thơm hương. Dù đơn giản đến đâu, trái tim vẫn luôn nhớ là phải bài trí bàn Phật để đón Tết. Cho đến sáng mồng một đi chùa thì không khí Tết mới thật sự đến. Người Sài Gòn đi lễ chùa rất sớm, để hái lộc cho một năm mới như ý. Đó là một trong những khoảnh khắc mà tôi thấy Sài Gòn bình yên.

Tôi nhấp một ngụm trà ấm và nhìn lơ đãng ra sân. Mạ đang lúi húi tỉa tót cho cây mai.  Một vài nụ hoa xanh đang vươn lên. Hy vọng sáng mồng một hoa sẽ nở bung. Tôi nhớ đến mấy cây mai ở Huế mà tự nhiên khóe mắt cay cay. Cảm giác nhớ quê hương lan tỏa trong từng mạch máu. Năm nay mạ lại không về quê ăn Tết. Thêm một cái Tết xa. Có lẽ cũng đã quen, không còn buồn thương da diết nữa như trước đây, mà nỗi nhớ thương ấy nhẹ nhàng len lỏi trong từng món ăn quê nhà mạ đang làm, từng đóa hoa tươi, từng nén nhang, từng lời nguyện cầu… để rồi cuộn lại trên khóe mắt chân chim và những sợi tóc rối bạc màu.

Có lẽ, với mạ, những lúc tắm Phật, dọn dẹp bàn thờ, đơm hoa, dâng hương… là lúc thấy lòng mình đang Tết. Dù ở đâu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.