Lời nói thô lậu trên mạng xã hội

GN - Mạng xã hội phát triển mở ra một cái nhìn khác về quan hệ giao tiếp giữa người với người khá thú vị. Vô số điều tốt đẹp và tiện lợi do mạng xã hội kết nối và mang lại, đồng thời cũng đa sự nhiễu nhương. Một trong những điều tiêu cực đó là nói lời không đẹp với nhau, mà dân gian gọi nôm na là chửi, có thể |lưu lại bằng chứng “giấy trắng mực đen”.

noi-xau.jpg

Mạng xã hội là ảo, nhưng tật xấu bị nhiễm là thật

Nếu như trước đây khi chưa có mạng xã hội, việc nói xấu, nói to tiếng, hoặc xúc phạm ai đó thường diễn ra ở một số môi trường điển hình như: bàn nhậu, quán ăn, quán nước... Nếu mà có bực nhau thì cũng chờ đến khi gặp trực tiếp mới nói cho hả giận, nói xong lời nói gió bay. Đôi khi bực lắm nhưng sau khi ngủ một đêm chờ sáng mai đi chửi cho biết tay, thì thức dậy đã nguội đi phần nào. Hoặc giận ghê lắm mà không dám nói thẳng thì viết thư tay thì cũng chờ dăm ba bữa nửa tháng mới nhận thư chửi hồi âm. Nhưng giờ đây, việc nói những lời làm đau lòng nhau trên mạng dễ hơn bao giờ hết. Bất cứ lúc nào, mọi không gian, mọi thời gian, mọi tâm trạng, mọi phương tiện… Cứ thấy không ưng bụng là phản pháo ngay trong một sát-na! Bởi vậy, đôi khi lên mạng xã hội xong thấy tâm trạng vô cùng bất an.

Những nguyên nhân để “ném đá” nhau trên mạng xã hội

Bài viết này không tập trung làm nghiên cứu khoa học, nên không có số liệu cụ thể. Nhưng, dựa trên quan sát lâu ngày trong nhiều năm, nhiều tài liệu, và đọc những ý kiến trái chiều, có thể nhận thấy có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc nói lời thô lậu với nhau trên mạng xã hội.

Đầu tiên, đó là sự ức chế lâu ngày trong một xã hội khép kín, suy nghĩ một chiều, không có tinh thần phản biện. Thứ năng lượng đóng này làm cho đầu óc con người trở nên thiếu khách quan khi đối diện các vấn đề. Thấy một hiện tượng xấu (trong mắt mình) là lập tức lớn tiếng chỉ trích, phê bình, chửi rủa, mà không kịp tìm hiểu nguồn cơn. Cảm xúc tiêu cực này cũng đến từ tâm lý đám đông, thấy người ta chửi quá mình cũng hùa theo, mà chưa kịp nhận ra là cảm xúc thật sự của mình đối với sự việc đó như thế nào. Một số KOLs hoặc các influencers (những người nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội) có khả năng đóng khung ý kiến cho một lực lượng hùng hậu các fan (nhóm người yêu thích, thần tượng) của mình. Anh nổi tiếng A và chị ngôi sao B mà lỡ vô tình tranh chấp nhau chuyện gì, thì hai lực lượng đại chúng của hai fan club lập tức dậy sóng, gạch đá và lời nói thô lậu tuôn ra như nước xả lũ.

Tiếp theo, đó là cái tôi quá lớn. Sự ngã mạn này là một trong những rào cản rất lớn trong quá trình tu tập mà Phật giáo đã chỉ ra rất rõ. Ta là một là riêng là thứ nhất. Ta nói gì cũng đúng, nên hễ mà ai có ý kiến khác với ta một chút là lập tức nói ra những lời nói rất khó nghe. Đôi khi, đọc những dòng bình luận trên mạng xã hội mà tự thấy xấu hổ và hoang mang, không biết tại sao người ta có thể nhục mạ nhau chỉ bắt đầu từ một nguyên nhân rất nhỏ, kiểu như bị chê cái áo hôm nay mặc không đẹp.

Cuối cùng là, do thiếu vắng sự cảm thông trong tình người. Vì lòng đang khép, không nhìn vào lòng của người khác, nên đâu có thấu cảm được những nỗi buồn niềm vui của người khác. Nói xấu, nói lời thô lậu với một ai đó mà làm cho mình thấy hả hê, thì đó là lúc sự thiếu vắng tình thương lên ngôi. Nếu nhận ra rằng lời nói của mình có thể gây tổn thương cho người khác, thì không ai nỡ lòng dùng những từ ngữ xấu viết ra để làm cho đối phương ngã quỵ.

Hậu quả của việc thiếu chánh ngữ trên mạng dưới góc nhìn đạo Phật

Chúng ta khoan nói về việc lời nói thô lậu có ảnh hưởng gì đến người khác. Khi lòng đã hẹp thì thôi, nghĩ về người khác làm gì. Hãy nghĩ về bản thân chúng ta đây. Đức Phật dạy rằng chính mình phải đốt đuốc tìm đường mà đi. Vậy, trên con đường đó, nếu nói những lời thô lậu đối với người khác, chúng ta sẽ nhận những hậu quả gì?

Mạng xã hội là ảo, nhưng trong ảo có thực. Nguồn năng lượng tiêu cực phát tán và nhiễm vào người nói là rất thực, không hề ảo. Chửi qua chửi lại một lúc thì chúng ta sẽ bị mất năng lượng tốt, chỉ nhận toàn năng lượng xấu.

Từ năng lượng xấu đó, chúng ta thấy bất an, ăn không ngon, ngủ không yên. Ngủ mà các comment (bình luận) cứ bay chập chờn trong đầu, tỉnh dậy là với ngay lấy cái điện thoại để comment cho hả giận. Có thể đang trong cơn say chửi, người ta không nhận ra mình bất an, bởi chửi xong thấy “đã” lắm, được xả mà. Đúng là trong đạo Phật có khái niệm xả, nhưng đó là xả tích cực làm cho tâm ta an hơn, nghĩa là chấp nhận sự biến chuyển của vật chất và tinh thần trong trạng thái như như. Còn xả ở đây là đem bao nhiêu rác ném sang nhà người khác. Nếu ai đó xả rác sang nhà bên, thì hiển nhiên cũng sẽ bị ném rác trở lại.

Như vậy, xả tưởng là “đã” hóa ra lại nhận những điều xấu vào người. Như vậy, không chỉ riêng khẩu nghiệp, mà ba nghiệp thân - khẩu - ý là hệ quả mà người dùng lời nói xấu sẽ gặp phải. Lời nói thiếu chánh ngữ lâu ngày thường phát khởi từ tâm ý của mình. Nói nhiều quá dẫn đến hành động cũng sẽ xấu như ý nghĩ và lời nói của mình. Đây là ba nghiệp mà Đức Phật thường khuyên chúng ta phải cố gắng thực hành để cắt đứt.

Buông bỏ lời nói thô lậu trên môi trường ảo

Mỗi cá nhân nói lời không hay sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng. Một cộng đồng thiếu lời ái ngữ thì dẫn đến toàn xã hội thiếu chánh ngữ. Chúng ta sống phụ thuộc lẫn nhau về mọi mặt trong đời sống. Chúng ta cũng không thể từ bỏ mạng xã hội, bởi đó là sự phát triển tất yếu của thời đại, thực chất đó chỉ là một nền tảng giao tiếp mới mà thôi. Cốt lõi vẫn là từ lời nói của mỗi người. Điều mà chúng ta có thể làm là giảm thiểu những lời nói xấu, gia tăng chánh ngữ để cho mạng xã hội thực sự là nơi ta có thể chia sẻ những suy nghĩ tốt đẹp, tích cực cho dù có đối diện với các luồng ý kiến trái chiều.

Một số mẹo nho nhỏ để giảm thiểu những lời nói không đẹp trên mạng xã hội:

- Dừng tranh cãi ngay khi có dấu hiệu trái chiều. Giữ im lặng, không nhấn nút reply (hồi âm) ngay lập tức là một cách giao tiếp khôn ngoan.

- Tránh để những tranh luận gay gắt ngay trên tường của trang cá nhân.

- Dùng các icon vui vẻ hạnh phúc thường xuyên cho những trường hợp không biết nên nói điều gì cho phù hợp.

- Khi tranh luận, đưa ra lý lẽ của mình để phản biện nhưng không trực tiếp nói đích danh đối phương sai.

- Cùng nhau nhắc nhở bạn bè thân tình của mình, tạo nên một nhóm bạn bè, cộng đồng nhỏ của mình luôn hòa nhã ái ngữ trên mạng xã hội. Từ đó sẽ lan rộng dần sang các nhóm cộng đồng khác, rồi lan tỏa cho nhiều người hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.