(Thông điệp kinh Pháp hoa)
GN Xuân - Trong hệ thống kinh tạng Đại thừa, Pháp hoa là một bộ kinh quan trọng và rất phổ biến. Đức Phật thuyết giảng kinh Pháp hoa trong những năm cuối trước khi Ngài vào Niết-bàn. Vì vậy, những lời dạy của Ngài được ghi chép ở đây là những giáo huấn mang tính chất cốt tủy của đạo Phật. Trải qua hơn hai ngàn năm, kinh Pháp hoa vẫn có sức hấp dẫn lạ thường với hầu hết những ai có duyên được tiếp xúc, kể cả hai giới độc giả: tín ngưỡng tôn giáo và nghiên cứu học thuật.
Cái thách thức lớn nhất đối với người thọ trì, đọc, tụng Pháp hoa
là chúng ta có thể tin rằng mình là một vị Phật hay không?
Nội dung của giáo huấn vĩ đại này bao quát cả chiều dài lịch sử tâm linh của Phật giáo và được tập thành theo từng giai đoạn. Các nghiên cứu hiện đại về sự kết tập kinh Pháp hoa cho thấy từ chương đầu (chương một) cho đến chương cuối (chương hai mươi tám) có những niên đại khác nhau, cách nhau cả trăm năm. Điều đó nói lên rằng, kinh đã được lịch đại Tổ sư biên tập, bổ sung và truyền thừa qua nhiều thế hệ một cách cẩn trọng. Sự hiện diện của một bộ kinh hoàn hảo, bao gồm hai mươi tám chương như thế, đã giới thiệu cho thời đại của chúng ta đức tính kiên nhẫn lớn lao và tinh thần truyền đăng tục diệm của chư lịch đại Tổ sư. Trên thực tế, triết lý của kinh Pháp hoa, dù ở bối cảnh nào, thời đại nào, cũng xuất hiện như những vầng hào quang sáng ngời và có khả năng cứu độ rộng lớn. Đấy cũng chính là năng lực đặc thù của kinh Pháp hoa.
Đến với kinh Pháp hoa nói riêng và kinh Đại thừa nói chung, một số nghi vấn thường được đề cập đến đó là xuất xứ của kinh; và cũng từ đó đưa ra những vấn đề, chẳng hạn kinh có phải do Đức Phật thuyết hay không? Tuy vậy, những ai thực thụ đi vào thọ trì, đọc tụng từng câu kinh sẽ thấy rằng những nghi vấn đại loại như thế tỏ ra không có tác dụng bao nhiêu. Vấn đề đó nguội lạnh như băng tuyết từ lâu trong lòng người hâm mộ, sống theo tinh thần của Pháp hoa. Lịch sử kết tập của bộ kinh đã cho chúng ta thấy rằng, trước khi nó được xuất hiện đầy đủ, chư vị Tổ sư, các nhà biên tập kinh Pháp hoa đã làm những gì cần làm. Và việc làm đó đã diễn ra cả hơn thế kỷ với nhiều thế hệ biên tập. Công đức ấy quả thật là vô lượng vô biên.
Ngày nay chúng ta đối trước bộ kinh hoàn hảo, tâm thái của người thọ trì kinh Pháp hoa hầu như bị cuốn hút rất mãnh liệt một cách lạ thường bởi những giáo huấn thánh diệu, nhiệm mầu, cũng giống như người xem hoa, say mê ngắm nhìn cái đẹp hiện tiền của hoa ở ngay trước mặt. Đối với người ngưỡng mộ kinh Pháp hoa, điều quan trọng là nguồn cảm hứng tâm linh nội tại, truyền tải từ triết lý Nhất thừa vô thượng được trình bày trong chính nội dung của kinh chứ không phải là những gì râu ria bên ngoài.
Đứng ở góc độ nghiên cứu, vấn đề sẽ trở nên thú vị hơn khi chúng ta đọc hết hai mươi tám phẩm kinh, đọc với đôi mắt tư duy phân tích, và đọc trong sự liên hệ so sánh giữa hai hệ thống kinh tạng Nam truyền và Bắc truyền. Đọc như thế chúng ta sẽ bắt gặp những mối liên hệ giữa kinh Pháp hoa với các kinh Nikaya hoặc A-hàm. Và rằng trong tận cùng sâu thẳm, tiếng nói của Pháp hoa là tiếng nói rất người, rất sống động, và là tiếng nói mang tinh thần khích lệ, rất bao dung nhằm truyền tải thông điệp giác ngộ đến các loài hàm linh, bao gồm con người. Tiếng nói tâm linh mầu nhiệm đó luôn được cất lên sau định ngữ Như thị ngã văn (Như vầy tôi nghe), được chứng tín và tán dương của cả hai vị Phật hiện tại và quá khứ, Đức Thích Ca Mâu Ni và Đức Đa Bảo Như Lai.
Cái kỳ vĩ của Pháp hoa, khác với các bộ kinh khác là ở chỗ, đấy là tiếng nói tối hậu của thực tại. Tiếng nói diệu âm đó đã dệt thành các chương thánh ngữ và biến các chương ấy thành một bộ kinh sống, cưu mang ba ngôi Tam bảo sống, cửu viễn, thường trụ, bất diệt. Đức Phật, trong chương thứ mười sáu, cũng xác định rằng trong kinh Pháp hoa có toàn thân Như Lai. Thân Như Lai, ở đây, là thân vô tướng, được tác thành từ ánh sáng của Phật huệ (trí tuệ vô lậu) và được gìn giữ trong thánh giáo phương tiện của Phật.
Kinh nhấn mạnh rằng, ở đâu có kinh Pháp hoa, ở đó có Phật. Đấy là một Đức Phật thường trú vĩnh hằng. Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp và Ngài cũng chưa từng diệt độ. Tuổi thọ của Ngài là vô lượng, vô biên, không thể quan niệm được. Đức Phật ấy vẫn đang thuyết pháp giáo hóa khắp nơi. Ngài hiện hữu một cách thường tại vĩnh hằng như mặt trăng trên trời, dù ánh trăng dưới nước, như chúng ta thấy, có khi ẩn, khi hiện. Ngài là bản thể của chân lý tuyệt đối. Đấy chính là Đức Phật Bổn môn-cửu viễn. Phật của Pháp hoa là như thế. Cũng vậy, Pháp của Pháp hoa là chân lý bổn lai thường tịch, hiện hữu ở bất kỳ nơi đâu trong thế giới bao la mênh mông vô tận. Pháp luôn xuất hiện như là chính nó, được Đức Phật minh định qua mười đặc tính như thị (như vậy): tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy (chương Phương tiện). Tương tự như thế, Tăng của Pháp hoa hải hội là quyến thuộc Bồ-đề trong pháp giới vô biên, lúc nào và ở đâu cũng có Đức Đa Bảo Như Lai xuất hiện, chứng tín, và cũng để nghe kinh.
Điều đáng chú ý ở đây, kinh được xem là tạng bí yếu của chư Phật trong ba đời. Vì vậy, chúng ta sẽ khó có thể lĩnh hội được hương vị của Pháp hoa nếu đọc kinh bằng đôi mắt thường tình, với tâm thức thế gian, hay với nỗi lòng thấp thỏm giữa hy vọng và sợ hãi. Rõ ràng cần phải có một cách tư duy khác, một cách tiếp cận khác để có thể kết nối và hòa nhịp cùng với dòng pháp-thực tại sống động của Pháp hoa.
Cái thách thức lớn nhất đối với người thọ trì, đọc, tụng Pháp hoa là chúng ta có thể tin rằng mình là một vị Phật hay không? Chúng ta có đủ sức tin rằng mình rồi sẽ thành Phật? Và rằng mình có đầy đủ các khả tính của một vị Phật? Đặt vấn đề như thế nghe có vẻ quá xa vời với hầu hết mọi người tầm thường như chúng ta. Tuy nhiên đấy lại là nội dung chính, là yếu chỉ Nhất Phật thừa (chỉ có một Phật thừa) của toàn bộ kinh, và cũng là những gì cốt tủy của kinh.
Vậy cốt tủy của Pháp hoa là gì? Đó là những giáo huấn thiết thực tràn đầy tình thương của Đức Phật, nhằm soi sáng và dắt dẫn chúng sinh khơi dậy Phật tính - chất Phật hay tiềm năng thành Phật - vốn có ở mỗi chúng sinh, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hay chủng tộc. Phật tính là những đức tính của tuệ giác-bình đẳng, được biểu hiện một cách trọn vẹn trong đời sống giác ngộ, giải thoát của một chúng sinh, một vị Bồ-tát hay là một vị Phật. Tính chất Phật đó là ánh sáng giác ngộ nội tại, là sự tỉnh thức toàn triệt, được gọi bằng ngôn ngữ tâm linh là vô thượng Bồ-đề. Kinh xác định rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính; tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật; và rằng Phật tính và khả năng thành Phật đó luôn bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Trong Phật tính, không có sự khác biệt nào giữa chúng sinh và Phật. Hành trình tâm linh của Pháp hoa, do đó, là con đường nuôi lớn hạt giống Phật (hay thánh tâm) ở một xác thân phàm tục, phát triển toàn diện các năng lực của Phật tính để trở thành một vị Phật toàn giác ngay trong cuộc sống sinh tử luân hồi. Làm cho tất cả chúng sinh đạt đến Vô thượng Bồ-đề - thành Phật, là sứ mệnh duy nhất của Pháp hoa. Đấy là tất cả những gì được nhấn mạnh xuyên suốt trong bức thông điệp Nhất Phật thừa dài hai mươi tám chương.
Bỏ lại đằng sau những ngôn ngữ thâm áo của triết học, chúng ta có thể đi vào thế giới nhiệm mầu của Pháp hoa bằng đức tin kiên cố và lòng thành kính đối với ba ngôi Tam bảo thường trụ trong mười phương. Chúng ta tin tưởng một cách sâu sắc rằng, do túc phước nhiều đời, chúng ta rất may mắn có được cơ hội nghìn năm một thuở đó là gặp được kinh Pháp hoa, nghe được kinh Pháp hoa, và sống tu tập theo những giáo huấn linh diệu của Pháp hoa. Chính ở kinh Pháp hoa, lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ và tiếp nhận được giáo nghĩa về một Đức Phật vĩnh hằng và toàn thể ba ngôi Tam bảo thường trụ. Khi dốc lòng thành kính thọ trì, đọc, tụng kinh Pháp hoa, chúng ta có thể tiến xa hơn nữa trên cuộc hành trình tâm linh của mình, đó là trực tiếp tiếp xúc với Đức Phật và tiếp nhận thánh giáo từ Ngài. Việc này không phải là điều mơ tưởng hão huyền mà trái lại đấy là những gì được Đức Phật xác quyết trong kinh Pháp hoa.
Trên con đường tu tập, điều quan trọng trước hết là nhận diện được chân tướng của tự ngã - cái tôi, cái của tôi, cái tự ngã của tôi. Tự ngã là cái trở ngại lớn nhất làm cho chúng ta không thể vượt qua điều kiện tâm linh của Pháp hoa, vào nhà Như Lai (tu tập tâm hạnh từ bi), mặc áo Như Lai (tu tập hạnh nhu hòa nhẫn nhục), và ngồi tòa Như Lai (an trú pháp Không). Chính cái tự ngã cá thể tưởng chừng rất mong manh, nhỏ bé, khi ẩn, khi hiện là một thế lực tiêu cực vô hình đẩy chúng ta ra khỏi thế giới bổn lai thường tịch, một thế giới sống động và tràn đầy phúc lạc. Thế giới thường tịch đó không ở đâu xa, nó ở ngay trước mắt chúng ta, bây giờ và ở đây. Và cũng ngay nơi thế giới thường tịch này, Đức Phật cửu viễn-Thích Ca Như Lai Thế Tôn vẫn đang thuyết pháp giáo hóa chúng sinh. Chính Đức Phật khẳng định rằng, Tịnh độ của ta an ổn, nhưng trong con mắt của chúng sinh điên đảo, lại thấy nó cháy rụi (chương Như Lai thọ lượng).
Thêm vào đó, để có thể tiến sâu vào thế giới tâm linh, trực tiếp tiếp xúc với Đức Phật, chúng ta cần nỗ lực quy hướng tâm mình an trú vào bản hoài cứu độ và tâm đại bi vô lượng của Ngài. Vì nơi đó chính là biển công đức của Phật. Và cũng nơi đó chúng ta có thể gặp gỡ và kết nối với đồng thể đại bi của chư Phật. Như hư không bao la, đồng thể ấy thường tại và bao trùm khắp vũ trụ vô biên. Khi tâm an trú vào bản hoài cứu độ và tâm đại bi vô lượng của Phật, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình đang tiếp nhận nguồn phúc lạc cao thượng từ ánh sáng kiết tường của Ngài và đang sống chan hòa trong tình thương của Ngài. Cũng như tất cả loài thảo mộc trong toàn thể thế gian này, từ rong rêu cho đến cổ thụ nghìn năm, nếu chúng không bị che phủ bởi một lớp ngăn cách bên ngoài, thì đều có thể tiếp nhận năng lượng ánh sáng của mặt trời, dù mặt trời cách xa hàng triệu cây số. Hòa nhập với đồng thể đại bi của chư Phật, chúng ta có thể khơi dậy các ý niệm thiện lành và đức tin trong sáng; và cũng đủ sức dũng mãnh tin rằng mình có thể trở thành một vị Phật, dù đấy là một vị Phật sơ sinh, bé nhỏ với khả năng tỉnh thức giới hạn.
Thật vậy, ánh sáng tỉnh thức đối với tiềm năng thành Phật hay khả thể thành Phật của chúng ta, dù nhạt nhòa như thế nào đi nữa, vẫn là một tia sáng trong nguồn sáng vô biên phát sinh từ Phật huệ và bản hoài cứu độ của Ngài. Đức Phật dạy rằng, Phật tính của chúng sinh và Phật tính của mười phương các Đức Phật trong ba đời là một, là đồng thể và đồng nhất; nó không hai, không khác. Kết nối với đồng thể đại bi, do đó, cũng giống như kết nối với sóng truyền thanh, có phương tiện thì có thể thu-phát được. Chính vì vậy Đức Như lai đã phương tiện tuyên thuyết giáo lý Nhất thừa cho muôn loài chúng sinh theo một cách thức đặc biệt mà kinh mô tả là đánh trống pháp lớn, thổi pháp loa lớn, mưa pháp vũ lớn. Vì giáo pháp ấy chỉ có một mục đích duy nhất đó là dìu dắt chúng sinh đi vào Phật đạo, hay nói khác đi, là làm cho mỗi mỗi chúng sinh đều có thể trở thành Phật (khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến). Đứng ở góc độ này, chúng ta mới phần nào cảm nhận được tâm đại bi vô lượng vô biên của Đức Phật đối với muôn loài chúng sinh.
Thật vậy, như gã cùng tử mải miết lang thang với cái đói nghèo mà không hề biết rằng mình có một gia tài vô cùng đồ sộ lớn lao. Do không biết được như thế, chúng ta vẫn mãi mang trên vai cái thân phận nghèo khổ với bao mặc cảm tự ti cho đến khi chúng ta thật sự phát hiện được kho báu của chính mình. Mặc dù đấy là kho báu thực thụ của mình, nhưng khi chưa nhận ra, chúng ta vẫn hoàn toàn không thủ đắc được bất cứ cái gì trong tay (Thí dụ cùng tử). Vì thế, nhận diện kho báu của chính mình là sứ mệnh duy nhất mà chư Phật Thế tôn xuất hiện nơi đời. Nhận diện kho báu của chính mình là tất cả những gì được Đức Phật thuyết giảng một cách rất tỉ mỉ trong giáo thuyết Nhất thừa (ekayāna) hay Phật thừa (buddhayāna) của Pháp hoa. Nhất Phật thừa, do vậy, vừa là bản hoài cứu độ của Đức Phật, vừa là chân lý tối hậu (viên giáo), được xếp vào hàng tối thượng trong toàn bộ giáo lý của Ngài.
Điều thú vị khác thường ở đây là cuộc hành trình tu tập Nhất thừa được hoàn tất ngay từ lúc bắt đầu thay vì kết thúc; đấy là cách thức diễn giải đặc thù của Pháp hoa về thế giới thường tịch. Trong thế giới Nhất thừa, chúng ta có thể bắt gặp cái bản thể đồng nhất, không hai, không khác ở bất kỳ nơi đâu, ở vũ trụ bao la hay ở đời sống thường nhật của mình. Hành trình tu tập đó được xác định là nhân quả nhất như. Điều này được mô tả một cách tinh tế và sinh động qua hình ảnh hoa sen, cũng là tên của bộ kinh. Hoa sen được dùng để thí dụ về triết lý nhân quả nhất như hay nhân quả đồng thời một cách rất đơn giản và sâu sắc. Hạt sen luôn có mặt trong gương sen, dù chúng ta không thấy. Khi hoa nở thì hạt sen xuất hiện, khi cánh hoa rụng, thì hạt sen thành tựu phô bày. Ở đây, không có một khoảng cách thời gian nào từ nhân đến quả; hay nói khác đi, nhân và quả có mặt cùng một lúc.
Trong cái nhìn của Pháp hoa, do vậy, hành giả không phải trải qua bao nhiêu kiếp tu hành rồi mới thành Phật, trái lại, Phật đã có sẵn trong tâm hành giả từ vô thỉ ban sơ, cũng như hạt sen đã có sẵn trong gương sen. Để làm nổi bật ý nghĩa này, kinh nhấn mạnh thêm rằng, hành giả Pháp hoa là người nguyện từ bỏ báo thân thanh tịnh để trở lại cuộc đời làm sứ giả của Phật (chương Pháp sư). Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy tinh thần uy dũng và quyết liệt của Pháp hoa như thế nào. Làm sứ của Phật, hành giả phát nguyện vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, và ngồi tòa Như Lai. Qua lăng kính Nhất thừa, có thể nói tư tưởng Pháp hoa đã tạo nên sự thay đổi một cách toàn triệt trong cuộc hành trình và mẫu thức tâm linh của hàng Phật tử. Ở đây, không những chỉ có nhân quả là nhất như, mà các phạm trù khác cũng được đưa về nhất như, thùy tích, bổn tích, quyền thật v.v... mà chúng ta sẽ bàn đến trong nội dung ở sau.
Đối diện trước thế giới kỳ vĩ của Pháp hoa, câu hỏi đặt ra cho đời sống tu học thực tế của hành giả là làm thế nào chúng ta có thể đi vào và sống trong thế giới ấy? Đặt câu hỏi như thế là để kiểm nghiệm lại cuộc hành trình tâm linh của mỗi hành giả, một cuộc hành trình được khơi dậy từ nguyện ước và khát vọng vô thượng Bồ-đề hay nói khác đi là khát vọng được Phật che chở, được thấy Phật, được tiếp xúc với Phật, và rồi được an trú lâu dài trong thế giới tịnh độ của Ngài. Khi nhìn vào thế giới Pháp hoa, chúng ta sẽ dễ dàng thấy ngay rằng trú xứ ấy có một chúng hội bao gồm nhiều loại chúng sinh khác nhau, từ hàng Bồ-tát, Thanh văn cho đến trời, người, long vương, phi nhân và các loại khác v.v... cùng với các hàng quyến thuộc số đông trăm, nghìn, vạn... Nổi bật là một vạn hai nghìn thánh Tăng, hai nghìn bậc hữu học, tám vạn Đại Bồ-tát, nhiều vạn thiên tử (trời), và hàng trăm nghìn người nghe pháp...
Rõ ràng, Pháp hoa không phải là thế giới cô liêu, đơn độc mà có rất nhiều quyến thuộc Bồ-đề, những chúng sinh có chung khát vọng giác ngộ-giải thoát cùng gặp nhau. Mặc dù đối tượng chính trong pháp hội là chúng Thanh văn, các Bồ-tát và các chúng khác vẫn có mặt để hộ trì và kết duyên. Điều này cho chúng ta một thông điệp rõ ràng về hành trình tu tập và sống đạo.
Thật vậy, không ai có thể sinh ra và sống cô độc một mình mà không ít nhiều nhận được sự trợ giúp từ người thân, bạn bè, hay những người độ lượng chung quanh. Nếu nhìn ở khía cạnh xã hội, con người không thể sống mà không có cộng đồng, xã hội. Trong đó tình cảm của thân bằng quyến thuộc như cha mẹ, sư trưởng, anh chị em, bạn bè v.v... chính là chỗ nương tựa vững chắc, tràn đầy tình thương đã nuôi lớn chúng ta, cho chúng ta niềm tin để xây dựng một cuộc sống an lành. Rõ ràng không ai có thể sống mà không có quyến thuộc. Bên cạnh quyến thuộc hữu tình, chúng ta còn có quyến thuộc vô tình, bao gồm thế giới thiên nhiên, các loài thảo mộc, thực vật, động vật, cho đến ánh sáng mặt trời, mặt trăng, không gian v.v... Nếu không có ánh sáng mặt trời, sẽ không có thực vật, rau quả, hoa trái, hay thực phẩm để nuôi dưỡng đời sống sinh vật, bao gồm con người.
Và sau cùng, Pháp hoa đã chỉ cho chúng ta một hạng quyến thuộc quan trọng, đó là quyến thuộc tâm linh hay quyến thuộc Bồ-đề. Hàng quyến thuộc này trở nên thiết yếu cho đời sống tâm linh của chính chúng ta. Hai hạng quyến thuộc trước có những giới hạn và điều kiện của nó ở thế giới trần tục, trong khi quyến thuộc Bồ-đề là quyến thuộc của ánh sáng khát ngưỡng giác ngộ, nó mở ra một thế giới bao la vô tận. Nếu nhìn vào sự kỳ thị chủng tộc, sự phân biệt giới tính, sự phân chia giai cấp và bất công trong thời đại ngày nay, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra cái ý nghĩa vĩ đại của khái niệm quyến thuộc Bồ-đề.
Kinh bảo rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính; do vậy, tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc Bồ-đề của nhau. Ở đây, Pháp hoa không loại bỏ bất kỳ một chúng sinh nào, dù đó là kẻ xấu ác. Tư tưởng này được mô tả qua hình ảnh Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng lễ lạy và ca ngợi tiềm năng thành Phật của họ (chương hai mươi). Từ đây, quyến thuộc thế gian của thế giới trần tục, khép kín trong giới hạn của hữu ngã được mở tung ra đến vô tận vô biên, để sức sống tâm linh của mỗi mỗi cá thể hòa điệu cùng nhau như hư không chan hòa cùng ánh sáng. Và cũng nhờ đó mỗi chúng ta có thể dìu dắt nhau, nương tựa nhau, và giúp đỡ nhau trên con đường giác ngộ. Cũng từ đây, chúng ta hiểu rằng thân nhân quyến thuộc của mình thật sự không chỉ là những người được mình biết tên, biết tuổi. Trái lại, quyến thuộc của chúng ta lúc nào cũng có mặt ở khắp nơi từ các cõi luân hồi trong sáu nẻo cho đến các thiên giới và thánh cảnh của chư Phật, Bồ-tát, thánh hiền. Ý thức như vậy, quả thật, trong thế giới tâm linh này chúng ta chẳng bao giờ đơn côi.
Quyến thuộc Bồ-đề chính là con đường dẫn đến thiên giới và Tịnh độ của chư vị thánh hiền vốn là bạn lữ của chúng ta. Điều quan trọng là, nếu mỗi ngày chúng ta nghĩ đến mối tương giao thống thiết với hàng quyến thuộc của mình trong giây lát, việc ấy sẽ có lợi ích rất lớn, giúp chúng ta chữa lành bao nhiêu bệnh tật phát sinh từ khổ não, ưu phiền. Về mặt tâm linh, nó giúp chúng ta thấy được tính chất duyên sinh của vạn hữu một cách sâu sắc. Và cũng từ đó, nuôi lớn thêm chí nguyện, vơi đi các khổ đau, và giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Sống với tâm Bồ-đề càng thường trực, thì khả năng tự độ càng lớn. Như khi bốc phải cục than hồng trong tay, chúng ta chỉ mong muốn bỏ nó xuống ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Do vậy, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề (khát vọng giác ngộ-giải thoát) và quyến thuộc Bồ-đề sẽ giúp chúng ta buông bỏ mọi cố chấp, hận thù, và phát triển đời sống an lạc một cách hữu hiệu và nhanh chóng. Đấy chính là sự giải thoát đích thực của chúng ta; và đấy cũng là ý nghĩa tối hậu của toàn bộ kinh Pháp hoa.
Trên con đường đi đến Nhất thừa, xây dựng quyến thuộc Bồ-đề là nhu yếu tâm linh của mỗi hành giả. Quyến thuộc Bồ-đề càng lớn thì thế giới tâm linh càng rộng. Tương tự như thế đối với thế giới thực tại. Mỗi bông hoa là một thế giới, mỗi hạt sương là một thế giới, và mỗi hạt bụi cũng là một thế giới. Đấy chính là ý nghĩa bổn lai thường tịch của Pháp hoa. Thế giới ấy không cần thêm vào cái gì hay lấy bớt đi cái gì để có thể quan niệm được. Vì nó đã là như vậy. Những gì hành giả cần tu tập để có thể thể nhập vào thế giới của Pháp hoa chính là nuôi dưỡng hơi ấm của trái tim khát vọng vô thượng Bồ-đề. Nhân như vậy, duyên như vậy...!
Khải Thiên
(Tu viện Thượng Hạnh - Dallas, Hoa Kỳ)