“Liệu có rừng để gọi tên?”

GN - “Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu”, “Việt Nam thuộc top 10 thế giới có không khí ô nhiễm nhất”, “Việt Nam mất 780 triệu USD mỗi năm vì vệ sinh môi trường chưa tốt”, “80% khu công nghiệp tại Việt Nam vi phạm môi trường”… là một vài trong số những phản ánh về diễn biến môi trường tại nước ta nhiều năm trở lại đây. Và dường như câu chuyện giờ mới thật sự bắt đầu.

moi truong va su buc tử.jpg

Những “con số tàn phá”

Người ta vẫn thường nói, chỉ khi đã mất hoặc sắp mất đi thứ gì đó, bản thân mới bắt đầu cảm thấy tiếc nuối và nghĩ đến việc phải bảo vệ những gì còn lại với mình. Áp dụng điều này với câu chuyện về môi trường của chúng ta, phải chăng, sau những trận thảm họa kinh hoàng vừa ập đến trong năm rồi, người ta mới kịp ý thức về bảo vệ môi trường - yếu tố liên quan mật thiết với sự sống cho chính mình?

Quả thực, có thể không ý thức được chăng, khi bất chợt một ngày tỉnh dậy, không khí mát lạnh cùng làn sương mờ ảo, tưởng chừng như trong lành của mỗi buổi sớm mai, thì giờ lại chứa đầy độc tố, mờ không còn của sương mù phảng phất, mà mờ của khói bụi mịt mù? Có thể “điếc không sợ súng” mãi chăng, khi trước mắt là cảnh tượng “Cá nổi trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”, “200 tấn cá chết ở Hồ Tây”, “Nước bị acid hóa tại sông Đồng Nai”, “Sông Nhuệ, nước sủi thành biển bọt khổng lồ”, hay khủng khiếp hơn là “Cái chết của biển” tại miền Trung trong năm qua, mà đến nay cả nước, đặc biệt là người dân miền Trung, vẫn cảm thấy như một bóng ma ám ảnh lên cuộc sống hàng ngày.

Rồi, hẳn nhiên phải lo sợ khi biết mình đang sống cùng với: hơn 550.000m3 nước thải ngày/đêm từ 283 khu công nghiệp khắp cả nước; 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000m3 nước thải từ y tế; hay 3.000.000m3 nước thải ngày/đêm, mà hầu hết chưa được xử lý của 787 đô thị lớn nhỏ; 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng tại nước ta; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Đó không phải là những con số ước tính mà là những con số được nêu lên trong Báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường ngày 24-8-2016.

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cùng hội nghị trên, với việc đề cao tinh thần thay đổi tư duy về phát triển đất nước. Điều này được đánh giá như một trong những bước ngoặt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước, trước tình hình hội nhập kinh tế thế giới, đang gây tác động xấu lên môi trường hiện nay. Song, việc ý thức được tầm quan trọng của môi trường và việc thực hiện được theo đúng tinh thần này hay không, vẫn còn đang là dấu hỏi lớn.

Như đã biết, Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển, vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để hội nhập là quá trình tất yếu, cũng không thể không thừa nhận nguồn lợi khổng lồ từ các ngành công nghiệp nặng cho nguồn ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, việc bất chấp các ngành này tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho môi trường, kèm theo năng lực quản lý còn hạn chế, các điều kiện tiêu chuẩn cấp phép dự án gây bất hợp lý… để đặt lợi nhuận làm đầu, đã và đang khiến Việt Nam phải trả giá đắt bằng những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đặc biệt là kinh tế đất nước.

Điển hình như cái tên “nhà máy thép Formosa”, nỗi ám ảnh trải khắp bốn tỉnh miền Trung suốt năm qua. Theo thống kê sau sự cố môi trường này, riêng khu vực Hà Tĩnh, nơi chịu tác động nặng nề nhất, có đến 22.780 hộ gia đình bị thiệt hại, 24.449 người mất việc (theo báo cáo của Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2016, ở Hà Nội), tác động đến các ngành nghề liên quan thủy hải sản, trong đó có cả ngành khai thác muối và du lịch…

Chưa khỏi bàng hoàng bởi thảm họa môi trường biển lớn nhất nước, thì vào những tháng cuối năm rồi, sự cố xả lũ tại các đập thủy điện, gây ngập lụt nặng cho các tỉnh miền Trung với con số thương vong và mất mát là khó tính kể, lại một lần nữa gây phẫn nộ dư luận. Công trình thủy điện được xem là một trong những nguồn cung cấp điện năng hiệu quả, đồng thời có chức năng cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô.

Tuy nhiên, bằng việc phân bố các đập thủy điện dày đặc nhằm khai thác tối đa nguồn lợi điện năng, không những làm mất đi một số lượng lớn thảm thực vật và hệ sinh thái theo rừng, mặt khác còn gây xói mòn đất, phá hỏng khả năng giữ nước của tự nhiên. Hậu quả là, khi các đập thủy điện đồng loạt xả lũ, kèm theo mưa kéo dài, thảm cảnh “Miền Trung chìm trong biển nước” làm sao tránh khỏi. Chưa kể đến, thủy điện được nhận định là nguồn phát thải khí nhà kính lớn, khoảng 1 tỷ tấn CO2 vào khí quyển mỗi năm (theo Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Washington, Mỹ), góp phần gây nên tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

 Như vậy, với suy nghĩ bỏ qua “sức khỏe” của môi trường để chú trọng phát triển kinh tế, không những không đạt được lợi nhuận, trên thực tế còn gây thêm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước để khắc phục các sự cố môi trường.

Mối tương quan

Tính mạng con người sẽ bị đe dọa như thế nào nếu môi trường bị tổn hại? Lấy ví dụ như trận mưa lịch sử (26-9-2016), được biết đến là hiện tượng thời tiết xảy ra do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, kết hợp với quy hoạch xây dựng thiếu hợp lý, đã khiến TP.HCM lần đầu tiên chìm trong biển nước, hàng ngàn xe cộ “chết lặng”, nước chảy xiết cuốn chết người, giao thông tắc nghẽn, từ trường học đến công sở đều buộc tạm ngừng hoạt động ròng rã mấy ngày liền… Hay, tình trạng xả rác bừa bãi tại các khu đô thị, xả chất thải độc hại ra môi trường của các khu công nghiệp khiến môi trường ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống con người như chúng ta đã được biết.

Nhìn môi trường dưới góc độ là một thực thể sống, được cấu tạo từ đất - nước - khí, ta sẽ thấy giữa môi trường và chúng ta là một mối quan hệ khắng khít như thế nào.

Cơ thể con người cần không khí để hô hấp, cần nước để duy trì hoạt động, cần đất để sinh sống và phát triển, những gì đáp ứng cơ bản nhất cho sự tồn tại của một con người đều từ sự cho đi của môi trường. Không chỉ dừng ở mối quan hệ phụ thuộc, con người và môi trường còn có những cơ chế vận hành sự sống rất giống nhau.

Điển hình như, cơ thể con người, nếu có bất cứ cơ quan nào bị tổn thương, những cơ quan còn lại sẽ rất khó hoạt động linh hoạt, môi trường cũng thế. Ở những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đất đai theo đó cũng bị hư hoại, khiến cây cối không thể sinh trưởng, tấm lá chắn khí thải độc hại và cung cấp oxy cho không khí theo đó mà mất đi. Hay con người nếu bị vắt kiệt sức, mà không có một chế độ chăm sóc đúng mức, cơ thể cũng sẽ dần trở nên suy yếu, mất khả năng vận động và đề kháng, môi trường cũng lại như vậy.

Tài nguyên không là vô hạn, nếu bị khai thác quá mức mà không được bồi đắp kịp thời, sẽ sớm dẫn đến cạn kiệt, thậm chí là suy thoái, dễ bị ô nhiễm, kéo theo tình trạng biến đổi khí hậu, bức xạ mặt trời, mưa acid…

Như vậy, môi trường và con người là một thể thống nhất, bức tử môi trường nghĩa là chúng ta đang tự tước đoạt đi quyền được sống của chính mình và nhiều sinh vật khác. Hãy thử nhìn vào cái khát chết người và dịch bệnh tràn lan trên mảnh đất châu Phi; ô nhiễm không khí khiến hàng trăm người bị thiêu đốt dưới cái nắng bức tử ở Ấn Độ; hay sự cố môi trường biển như tại Nhật (1932-1968), với 2.000 người chết, 10.000 người bị ảnh hưởng, hệ sinh thái bị hủy diệt, thai nhi dị dạng, hậu quả kéo dài đến nay… để thấy “cháy rừng” ở vùng cao, “sương mù buổi sáng” ở phía Bắc, và những thảm họa môi trường ở nước ta như là những  lời cảnh tỉnh cấp thiết, để thôi “Bị kích thích bởi miếng mồi lợi nhuận hơn bởi đạo đức và luân lý (…) gây biết bao tác hại cho môi trường tự nhiên và làm tuyệt diệt không biết bao nhiêu loài sinh vật” (*)

Nhà thiên văn học, GS.Trịnh Xuân Thuận trong buổi giao lưu cùng người trẻ tại Đại học Bách khoa TP.HCM hồi tháng 7-2016, đã từng nói: “Mỗi hành động nhỏ, ta hay đi theo lối nghĩ coi đó như một hạt mầm rơi giữa rừng cây cổ thụ, chẳng đáng là bao. Nhưng nếu không có sự xuất hiện của hạt mầm, liệu cây có mọc? Không có cây để đâm chồi nẩy lộc, liệu có rừng để gọi tên?”

 Giao Hảo

______________

(*) Trịnh Xuân Thuận, Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu, Nxb Trẻ, 2016, tr.568)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.