Lịch sử cần phải được nhìn nhận đúng như thật

LTS: Sau bài viết “Dựng tượng Alexandre de Rhodes - một việc làm cần thận trọng”, Giác Ngộ đã nhận được nhiều thư, ý kiến của độc giả trong và ngoài nước gởi về thể hiện quan điểm không đồng tình với việc dựng tượng này, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Để rộng đường dư luận, Giác Ngộ đã tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của chư tôn đức, học giả, các nhà sử học trong và ngoài nước về sự kiện này. G.N

- HT.Thích Trung Hậu - Trưởng ban Văn hóa TƯGH: 

Lịch sử ghi nhận Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Việt Nam và đã bị trục xuất nhiều lần. Các hoạt động của ông chẳng những không có mối liên hệ nào với văn hóa 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà còn nhằm phủ nhận nền văn hóa ấy để rao giảng một đức tin hoàn toàn khác biệt với tín ngưỡng truyền thống của người Việt, dẫn xuất từ nhận định rằng người Việt vốn chỉ là một dân tộc mê tín, lúc ấy đang tiếp tục chịu khổ nạn vì chưa được biết đến Chúa Trời của Ki-tô giáo. Kỷ niệm một ngàn năm sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La rồi đổi tên thành Thăng Long không nên để bị lu mờ vì sự việc này.

Hiện nay, ý định dựng tượng Alexandre de Rhodes tại thủ đô mới chỉ thể hiện ý kiến của một số ít người và chính quyền Hà Nội cũng chưa phát biểu quan điểm chính thức. Khi đã có những tiếng nói phản bác ý định ấy, hẳn nhiên chính quyền thủ đô cũng sẽ phải cân nhắc. Theo dõi thông tin trên báo chí Phật giáo thời gian vừa qua, Ban Văn hóa TƯGH đồng thuận với những phản ảnh về việc cần phải xem xét kỹ dự định dựng tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại Hà Nội.

daclo.gif
Bức tượng Alexandre de Rhodes
mà điêu khắc gia Phạm Văn Hạng
dự định tặng cho Hà Nội - Ảnh: N.H.T

- TT.Thích Tâm Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam:

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì mục đích của Alexandre de Rhodes đóng góp hoàn thiện chữ Quốc ngữ là chỉ nhằm phục vụ cho công việc truyền bá đạo Thiên Chúa tại Việt Nam được dễ dàng. Việc tặng tượng  Alexandre de Rhodes hoàn toàn không liên hệ gì, thậm chí là đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp của Đại lễ văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tượng Alexandre de Rhodes nếu được dựng lên tại thủ đô Hà Nội trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì chẳng khác gì giữa bầu trời bình minh trong xanh, tươi đẹp lại xuất hiện những tia chớp lạc điệu!

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân:

Tôi vốn là bạn của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Tôi cũng đã có dịp trao đổi với anh Hạng chuyện “nên nghĩ đến tuổi thọ của các công trình nghệ thuật ngoài trời bằng cách giảm bớt tính thời sự của nó”. Anh Hạng rất quan tâm ý kiến của tôi. Bởi vậy tôi rất bất ngờ, không hiểu vì động cơ nào mà anh Hạng lại đi tạc tượng Alexandre de Rhodes tặng không cho Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội! Tôi không hiểu vì các lẽ sau: 1. Tại sao anh Hạng lại đi tạc tượng một nhân vật đã và đang bị các nhà sử học trong và ngoài nước chứng minh rằng đấy là một trong những đầu mối thúc đẩy thực dân Pháp vào cướp nước ta? (Xem báo Hồn Việt)  2.  Giả như chữ Quốc ngữ có giá trị to lớn với dân tộc Việt Nam thì Đắc Lộ cũng chỉ là một trong nhiều người sáng lập ra. Vậy tại sao anh Hạng không dựng một cụm nhiều người mà chỉ tạc có một mình Alexandre de Rhodes? (Sự thật chữ Quốc ngữ có công trong việc truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và có tội là đã dựa vào thực dân Pháp đẩy chữ Hán - Nôm của dân tộc vào quên lãng). 3.  Tôi vẫn không tin lãnh đạo Hà Nội chấp nhận để tượng Alexandre de Rhodes của Phạm Văn Hạng ngang nhiên thách thức dư luận thủ đô sắp lên tuổi thập bách niên. Và, không rõ anh Hạng có nghĩ đến hậu quả: Hình ảnh cái tượng Alexandre de Rhodes anh vừa tạc xong, đã làm cho đa số người dân Việt mất đi nhiều cảm tình của họ đối với tất cả những tượng đài anh Hạng đã thực hiện trên toàn quốc không? 4. Thật tình cái tượng Alexandre de Rhodes anh dự định tặng cho thủ đô quá xấu so với chân dung Alexandre de Rhodes trong sách báo xưa nay. Giả như cái tượng ấy được dựng, chắc chắn những người yêu Alexandre de Rhodes của anh sẽ không vui và dân Hà Nội cũng bực mình vì hàng ngày họ phải nhìn một cái “quái tượng” nhức mắt.

- GSTS.Lê Cung - Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế:

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ có ý nghĩa riêng đối với Hà Nội mà còn đối với nhân dân cả nước. Công trình dựng tượng nhân vật lịch sử theo tôi cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đối với những nhân vật lịch sử lâu nay vẫn còn là ẩn số chưa được giải tỏa trong nhận thức của đại đa số nhân dân Việt Nam, trong đó có Alexandre de Rhodes.

Tôi thật ngạc nhiên khi có người muốn “cúng dường” cho Hà Nội một tượng Alexandre de Rhodes… Ngạc nhiên hơn nữa khi việc “cúng dường” này nhắm vào mục đích “góp phần” kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Thêm nữa, Alexandre de Rhodes có vai trò gì đối với Thăng Long, đối với Hà Nội mà phải dựng tượng? Xin nghiên cứu kỹ những hoạt động của Alexandre de Rhodes trong việc khơi nguồn cho thực dân Pháp đánh chiếm nước ta và những trang viết đầy tính miệt thị của Alexandre de Rhodes đối với dân tộc ta lúc bấy giờ. Và hơn hết, cần đọc lại những tư liệu mà Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết trong chương "Chủ nghĩa Giáo hội” trong Bản án chế độ thực dân Pháp.

- Tiến sĩ Bùi Kha - Hoa Kỳ:

Qua nhiều thập niên, người ta vinh danh Giáo sĩ Alexandre de Rhodes vì nghĩ sai lầm rằng ông là người có sáng kiến tạo ra tiếng Việt theo mẫu tự La-tinh, nhưng trong Lời nói đầu của cuốn Từ điển Việt-Bồ-La, tr.3, phần Việt ngữ, NXB KHXH, 1991, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes chứ không phải người nào khác, đã chối bỏ điều đó.

Đã không có công sáng tác nghĩ ra chữ  Quốc ngữ như nhiều người hiểu lầm qua vài thế hệ, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes lại có cái tội là người đầu tiên trong lịch sử đã vận động Pháp đánh chiếm nước ta. Ông viết trong cuốn Hành trình và truyền giáo với lời lẽ như sau: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ (plusieurs soldats) đi chinh phục toàn cõi Đông phương (la conquête de tout l’Orient)…

Tuy sự vận động đó chưa thành và cuộc Thánh chiến chưa xảy ra vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. (Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1-9-1858).

Với sự thật lịch sử như thế, tôi không nghĩ là chính quyền thành phố Hà Nội sẽ đặt tượng Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tại Hồ Gươm nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

GSTS.Nguyễn Tài Thư - nguyên Viện phó Viện Triết học:

Cách đây gần 10 năm, một hội thảo của các nhà khoa học liên quan đến đề nghị từ Pháp nên dựng lại tượng và đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Hà Nội. Kết quả, phần lớn các nhà khoa học không đồng tình và phía Pháp đã rút lại khoản kinh phí hỗ trợ cho việc này.

Cho dù Alexandre de Rhodes là người góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ nhưng cũng có một vết nhơ lớn khi đã gởi thư vận động triều đình Pháp mang quân xâm lược Việt Nam . Đây là điều không thể chấp nhận.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một lễ hội vô cùng quan trọng, nên theo tôi, cần phải cân nhắc thật thận trọng trước khi có quyết định chính thức liên quan đến vấn đề này. Cần thiết nhất là phải vinh danh những nhân vật có quan hệ mật thiết với Thăng Long - Hà Nội như Lý Công Uẩn hay các vị tướng lĩnh nhà Lý, nhà Trần có công với nước.

GS.Trần Tuấn Mẫn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo:

Văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã có 1.000 năm trong khi sự xuất hiện của Alexandre de Rhodes tại Việt Nam chỉ cách đây khoảng 400 năm và những hoạt động của ông chẳng có mối liên hệ nào với văn hóa Thăng Long - Hà Nội cả. Bởi lẽ, Alexandre de Rhodes đã phỉ báng Đức Phật, phỉ báng Tam giáo - một truyền thống về văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp gắn liền với đất và người Thăng Long.

Tôi nghĩ rằng, chính quyền Hà Nội sẽ không đồng ý đặt tượng Alexandre de Rhodes tại mảnh đất ngàn năm văn vật này, bởi lẽ trong thời gian qua đã có rất nhiều học giả lên tiếng phản đối vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn nữa, đây chính là đất thủ đô nên khi quyết định một vấn đề gì hệ trọng, trước hết các cơ quan có thẩm quyền cần lập một Hội đồng nghiên cứu gồm các nhà khoa học có uy tín để định hướng. Ngoài ra, chính quyền cũng nên đưa việc này ra để lấy ý kiến người dân là hợp lý nhất.

GSTS.Thái Kim Lan - CHLB Đức:

Theo tôi, điều làm cho nhân vật Alexandre de Rhodes không phải là một nhà văn hóa chân chính trong quá trình phát triển văn hóa 1.000 năm Thăng Long ngay chính ở điểm ông dùng ngôn ngữ tạo ra để phỉ báng đạo của người khác, khi ông gọi Phật Thích Ca là thằng và tuyên truyền đạo Phật là đạo quỷ. Một nhân vật với nhiều nghi vấn như thế không thể được người dân Việt Nam vinh danh đứng trong hàng ngũ của những tiền nhân lập quốc nhân dịp kỷ niệm 1.000 Thăng Long.

 Tác phẩm của ông Phạm Văn Hạng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc về một nhân vật Alexandre de Rhodes theo cảm hứng nghệ thuật của ông. Tác phẩm ấy xứng đáng đứng trong phòng trưng bày tại Thủ Dầu Một của ông Hạng để người yêu nghệ thuật điêu khắc của ông, nếu muốn, có thể đến đấy chiêm ngưỡng. Nếu ông Hạng viện dẫn cơ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long để “tặng” tác phẩm cho Nhà nước Việt Nam, cũng không ai cấm, đó là quyền của ông. Duy chỉ có một linh hồn mà ông không để ý đến: Lý Công Uẩn, người khai sinh Thăng Long và đằng sau ngài, DÂN VIỆT trong trình tự quyết tâm xây đắp một đất nước hùng mạnh, nỗ lực tô bồi bản sắc văn hóa và văn minh:

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Nước non bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần;
bao đời xây nền độc lập”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.