Lều xông hơi- giải pháp trị bệnh tại nhà

Giác Ngộ- Chúng tôi có chủ ý đến xem mọi người xông hơi ở một nơi khá xa TP.HCM, trước đó chúng tôi đã được rỉ tai bởi những người mang nhiều căn bệnh cùng lúc: “Hãy đến đó xông hơi giải độc để trị bệnh”. Điều đầu tiên, chúng tôi cảm nhận được đây là một tịnh thất hơn là một cơ sở xông hơi bởi ở đó có Phật lộ thiên, có cỏ cây xanh mát, nội thất lại rất nhẹ nhàng. Và đặc biệt, ai đến đây cũng “bị” nhắc nhở “đi nhẹ nói khẽ”. Xông hơi trị liệu 4.000 năm thuộc khu phố 1, phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa) là giải pháp thanh lọc thân tâm và chữa trị được nhiều bệnh nhân tìm đến…

Chủ nhân giải III, giải pháp “Lều xông hơi”

Từ nhỏ, Anh Nguyễn Văn Tứ đã có thể trạng ốm yếu, lớn lên biết có nhược điểm về sức khỏe nên anh đi tìm thầy học cách chăm sóc, giữ gìn sức khỏe. Và cách đây 10 năm, anh Tứ đã tìm đến thầy để học cách thu năng lượng để tự điều trị bệnh cho mình và để trị bệnh giúp cho người  khác.

Untitled-3.jpg

Trong một lần cảm sốt rất cao cách đây 6 năm, anh Tứ không chịu đi cấp cứu mà nhớ đến cách xông lá trị cảm có từ lâu trong dân gian. Ra chợ mua 3 bó lá xông và anh trùm mềm xông ba lần. “Không thể tưởng tượng nổi là sau 3 lần xông cơ thể bình phục lại hoàn toàn mà còn cảm thấy rất khoan khoái”, anh Tứ nói. Sau đó 3 tháng, anh Tứ lại tìm đến một vị sư (thuộc hệ phái Khất sĩ) đang giúp Phật tử xông hơi để trị bệnh. Anh Tứ được học hỏi về phương pháp xông hơi chủ yếu theo nguyên lý khai thông các huyệt mạch.

Đó cũng là nhân duyên, ý tưởng ban đầu để anh Tứ nghĩ đến nghiên cứu sáng tạo ra giải pháp xông hơi ứng dụng điều trị các loại bệnh ngoài bệnh cảm cúm thông thường dân gian thường làm, giúp giảm chi phí, tự phòng và tự chữa tại nhà. Làm thế nào để phương pháp xông hơi mang tính khoa học, thiết bị hỗ trợ phải thật sự an toàn thì mới khuyến khích mọi người, bệnh nhân tin tưởng tự điều trị.

Anh Tứ mày mò tự thiết kế chiếc lều xông hơi, “cái đầu tiên tôi làm bằng chất liệu inox vì tôi nghĩ đến chất lượng bền và nhẹ nhưng qua thử nghiệm thấy chưa phù hợp, vậy là làm lại. Và, lần này tôi chuyển sang chất liệu gỗ thì thấy thật sự chiếc lều chắc chắn, phù hợp cho người sử dụng lâu dài”. Chiếc lều xông hơi hoàn thành, nó đã trải qua quá trình thử nghiệm của chính tác giả và những người thân trong gia đình. Thấy hiệu ứng đem lại như mong muốn nên anh Tứ chọn và quyết định đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho chiếc lều xông hơi.

Chiếc lều xông hơi cũng được chủ nhân mang đi đăng ký kiểm định chất lượng sản phẩm và cũng đạt yêu cầu. Anh Tứ rất mừng vì lẽ nó được đánh giá vừa mới, vừa lạ lại nằm trong lĩnh vực y tế điều trị không dùng thuốc nên một lần nữa anh mang chiếc lều đi tham dự cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai.

Và, chiếc lều xông hơi đoạt giải III.

Cánh cửa mở cho người biết kiên nhẫn

Chiếc lều xông hơi có nhiều loại, lều hoa sen, lều hy vọng, lều đa năng nhưng thiết kế như chiếc bàn nhỏ có chỗ tựa lưng, bên dưới có chỗ để nồi xông, khi xông, xung quanh được phủ một lớp vải không thoát hơi, người xông chỉ bước vào trong lều và điều chỉnh nhiệt độ, có thể xông từng bộ phận: tay, chân… bằng lều xông đa năng.

Cơ sở xông hơi 4.000 năm giống như một tịnh thất, mọi người đến trị bệnh thật sự được thư giãn. Mọi người có bệnh đến trị đều được cư xử công bằng, phải đi nhẹ nói khẽ để giữ không gian tĩnh lặng cần thiết cho mọi người (người ở tỉnh xa phải tự thuê nhà trọ gần để ở). Chị Thu Hương, trông coi cơ sở cho biết, mọi người đến xông hơi được miễn phí hoàn toàn các chi phí điện nước, nguyên liệu thuốc xông gia truyền từ người Dao Đỏ… cũng có người ngại tốn kém cho cơ sở nên đề nghị đặt một “hòm tùy hỷ” nhưng Hương nói: “Chúng tôi muốn mọi người đến đây chỉ tập trung vào việc trị bệnh, không phải suy nghĩ gì về chi phí này nọ nên tuyệt nhiên không đặt hòm tùy hỷ”.

Untitled-3 copy.jpg

Xông hơi được áp dụng theo phương pháp cổ truyền tức phương pháp xông nước lá đã có từ hàng ngàn năm trước của cha ông kết hợp với tư thế ngồi thư giãn, nằm thư giãn. Phương pháp này giúp cho bệnh nhân tĩnh tại sẽ vượt qua hơi nóng trong lều mà được ngồi lâu hơn. Còn xông hơi có tác dụng thông các huyệt mạch, giúp thải ra nhiều độc tố có trong cơ thể thông qua cơ chế thoát, toát mồ hôi qua lỗ chân lông. Khi xông, thường ở những nơi có bệnh thì ở đó bị đau nhiều, sau đó thì dịu lại và hết cảm giác đau.

Tại cơ sở xông hơi, bệnh nhân được xông với các loại thảo dược được mua từ các tỉnh phía Bắc. Trước khi vào lều xông hơi, bệnh nhân được đo huyết áp điều chỉnh độ nóng cho phù hợp. Tùy vào sức chịu đựng, sức khỏe của mỗi người mà ngồi lâu hay mau. Sau khi ra khỏi lều xông hơi, bệnh nhân tự nằm ủ toàn thân trong vòng 15 phút cho mồ hôi tiếp tục thoát ra. Trong suốt thời gian xông hơi, bệnh nhân được cơ sở theo dõi lịch xông để có thể tăng hoặc giảm số lần xông cho phù hợp, khuyến khích nên ăn chay và uống nhiều nước để việc điều trị mau đạt kết quả.

Giúp trị bệnh miễn phí

Sư cô TN.Chúc Hòa, chùa Pháp Thường (Đồng Nai) cho biết, cô bị đau khớp, thắt xương sống, bả vai, toàn thân. Xông ngày đầu, Sư cô cảm nhận tay chân ray rứt, ngày thứ 3 thấy khỏe dần, ngày thứ 4 thấy hơi ấm tỏa ra, ngày thứ 7 thấy hơi nóng như có luồng, căng thẳng, ngày 9 đau đầu, ngày thứ 10 thấy khỏe dần. Sư cô xông 40 lần thì thấy khỏe toàn phần như người chưa hề bị bệnh.

Sư cô TN.Tâm Hải, chùa Pháp Thường thì cho biết, từ khi 9 tuổi cô đã bị bệnh còi xương, bệnh không chịu được nắng, lạnh, gió: viêm xoang, viêm khớp; tiểu đường nhẹ, suy thận. Qua 3 ngày xông hơi, những chỗ mình bị đau khi xông hơi nơi đó càng đau. Khi xông luồng hơi nóng chuyển từ dưới lên trên, nóng vòng qua chỏm đầu, hơi nóng ra từ hai tai. Sau quá trình xông, trong người cảm thấy khỏe hẳn, các ngón tay, ngón chân co duỗi dễ dàng không còn như trước kia, các ngón tay ngón chân rất khó khăn khi co duỗi.

DSC_0005.JPG

Một bệnh nhân đang xông hơi thư giản tại phòng tập xông tập thể- Ảnh: H.D

Một năm qua, tiếng lành đồn xa hàng trăm bệnh nhân đã đến cơ sở để xông hơi, không chỉ người ở TP.Biên Hòa mà còn rất nhiều người ở tỉnh thành khác đến ở trọ gần đó để hàng ngày xông hơi giải độc. Theo chị Hương có ngày bệnh nhân đến hơn 30 người. Như vậy, là quá tải, hiện tại cơ sở có khoảng 10 lều xông hơi cá nhân và một khu dành cho tập thể. Nhiều người xông hơi thấy khỏe nên “ham” xông mỗi ngày đến 4 lần. Do đó, ở đây ưu tiên cho người bệnh nặng hơn, có thể xông nhiều lần hơn.

Chị Lan nhà ở Bình Dương chia sẻ, chị bị bệnh tim (hở van hai lá) thường xuyên bị đau nhói phải uống thuốc hàng ngày, sỏi thận, viêm xoang, tâm trạng mệt mỏi. Sau 6 ngày xông hơi, chị tạm ngưng vì thấy trong người đã khỏe, trong 6 ngày đó chị ngưng sử dụng thuốc Tây. Một cô ở An Giang cho biết đã cảm thấy khỏe mạnh sau 10 ngày đến đây xông hơi. Mỗi ngày cô xông 4 lần, hiện cô thấy rất khỏe mạnh, nhẹ nhàng, mùi “mồ hôi kinh niên” cũng tan biến, tạm quên đi căn bệnh tiểu đường, tim mạch, đau cột sống.

Mỗi ngày nhìn bệnh nhân đến xông hơi, nhận được kết quả trị bệnh rõ ràng và nhận được rất nhiều lời cảm ơn, anh Tứ cùng cộng sự thấy có thêm động lực để tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn cách sử dụng lều xông hơi tại các chùa, cơ sở chăm sóc sức khỏe, trị bệnh, spa làm đẹp, gia đình…  để thiền xông hơi được phổ biến rộng rãi đến nhiều người. Mỗi chiếc lều xông hơi có thể giúp cho nhiều người cùng sử dụng, đặc biệt là tại gia đình. Đó cũng là tâm nguyện để anh Tứ, mong muốn mọi người đều hiểu và biết phương pháp xông hơi tĩnh lặng để tự phòng và chữa bệnh cho mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.