Lên chùa và ước vọng Xuân

Đi chùa đầu năm là nét đẹp truyền thống của người Việt. Lên chùa để hướng về cõi Phật, cầu mong mưa thuận gió hòa, gửi gắm mơ ước khỏe mạnh, vạn sự đều tốt đẹp.

noibat.jpg

Một năm làm ăn vất vả cũng là lúc lên chùa để được thư thái tâm hồn, gửi mộng về nơi cực lạc. Cái ước ao rất đỗi con người ấy cộng với cõi Phật linh thiêng đi suốt năm tháng, là niềm tin để vượt qua mọi chông gai.

Người dân Hà Nội cũng như mọi vùng miền trên đất nước, dẫu bận bịu bao nhiêu cũng giành thời gian đầu năm để lên chùa.

Hà Nội dày đặc những chùa chiền, miếu mạo. Người dân đến Tổ đình Phúc Khánh để cầu an, được xã hội trân trọng và trọng dụng; đến Chùa Hà, để cầu mong sức khỏe quanh năm, bán mua suôn sẻ; đến Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ hay đền Quán Thánh, nơi linh thiêng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến với những truyền thuyết lung linh mờ ảo, nơi làm nên một kinh kỳ lộng lẫy vàng son trải dài qua năm tháng để mà ước mơ một cuộc sống tốt tươi, bình an cho mỗi con người cho xã hội...

Sức mạnh tinh thần cộng với nỗ lực của bản thân mỗi người, của cả cộng đồng sẽ làm nên cuộc đời này.

Đầu năm đi lễ chùa để lòng mỗi người đều hướng thiện. Ta bắt gặp gương mặt mùa xuân trên mỗi nụ cười. Đành rằng một năm họ vừa trải qua những thăng trầm, gian khó. Gian khó đến từ thiên nhiên, khi ông trời bày đặt ra để thử thách lòng người. Gian khó đến từ lòng người, những ấu trĩ của bản thân mỗi con người, của cộng đồng, từ sự mơ ước lớn lao song sức lực có hạn. Sự trả giá âu cũng là tất yếu của cuộc đời mỗi người của mỗi một xã hội đang đi lên, đang hướng tới.

Chấp nhận sự trả giá, bởi trong cuộc đời này không có những nhịp đi bằng phẳng, không có con đường rải đầy hoa thơm.

Chấp nhận sự trả giá khi thành công phải đổi bằng nước mắt, mồ hôi và cả máu nhưng đó là hồ hôi và máu của sức mạnh quật cường, của trí tuệ vượt qua thử thách.

Nhưng không thể chấp nhận sự trả giá bằng tư duy lỗi thời, của bao biện và giả dối, của sự đen tối được che đậy, của tư duy tư lợi được bao biện bằng sự vô tư, trách nhiệm vì cộng đồng.

Dẫu là quan chức hay dân thường cũng đều bình đẳng trước thần linh. Đứng trước chốn linh thiêng, lòng phải thành tâm phải sáng. Chắc chẳng ai cầu ước cho sự lọc lừa dối trá, cho thói ích kỷ đê hèn. Cầu mong của mỗi con người nếu là linh thiêng được đấng cao xa dẫn dắt và linh nghiệm thì xã hội ít đi sự tham nhũng dối lừa, không có sự giẫm đạt lên công lý.

IMG0513jpg-064418.jpg

Mong sự linh thiêng của những bậc tiền nhân để ước vọng mùa xuân của mỗi người trở thành hiện thực, để xã hội bớt đi những vệt sẹo đau đớn, không có cảnh dẫm đạp lên dư luận của một số ít nhân danh con người để chà đạp con người, không còn cảnh công lý bị bẻ cong.

Mong ước vọng ấy hiển hiện thành sự thật thì lòng nhân sẽ trở thành chủ đạo. Không có cảnh phong bao lạy lục, không có chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “mỗi người nhìn nhau qua lỗ hỏng của đồng xu” như bậc tiền nhân đã từng cảnh báo.

Mùa xuân lên chùa, mong những khát vọng của mỗi con người sẽ trở thành linh nghiệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.