Lễ hội Quán Thế Âm - Sự kết nối tình thương nhân loại

Giác Ngộ - Danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp về cảnh trí thiên nhiên mà còn được biết đến như một thế giới chùa chiền gắn liền với hang động. Đặc biệt là Lễ hội Quán Thế Âm, một trong 15 lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức hàng năm vào các ngày 17, 18 và 19 tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo đồng bào Phật tử và du khách trong cũng như ngoài nước nô nức về đây trẩy hội.

Rất nhiều tư liệu nói về khởi nguyên của Lễ hội Quán Thế Âm tại Non Nước - Ngũ Hành Sơn, song chính yếu vẫn là chuyện HT.Thích Pháp Nhẫn phát hiện khối thạch nhũ mang hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong một hang động tại ngọn Kim Sơn, một trong năm ngọn núi của Ngũ Hành Sơn. Năm 1956, Hòa thượng đã phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ, tay cầm bình nước cam lồ, hoàn toàn thiên tạo, rất hoàn chỉnh, cao bằng người thật trong một hang động tại hòn Kim Sơn. Phía sau và chung quanh tượng là cả một thế giới của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, nào là Thiện Tài, Ngọc Nữ, Thiện Sĩ, hải sư, bụi trúc... Càng nhìn, óc tưởng tượng của con người càng phát hiện ra rất nhiều hình tượng có liên hệ với Bồ tát hết sức kỳ thú. Sau khi phát hiện tượng Bồ tát trong hang động, HT.Thích Pháp Nhẫn đã cho xây dựng một ngôi chùa dưới chân núi, lấy tên là chùa Quán Thế Âm. Năm 1962, trong dịp khánh thành chùa, Hòa thượng đã thành lập "Hội Phổ Quan Âm" và lấy ngày 19 tháng 2 âm lịch, ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm làm ngày lễ kỷ niệm truyền thống hàng năm.

lehoi-1.jpg

Lễ rước Quán Thế Âm

Đến năm 1991, khi các lễ hội văn hóa được phục hồi mạnh mẽ cùng với chương trình thập kỷ văn hóa về nguồn do UNESCO đề xướng, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã lập phương án tổ chức một lễ hội văn hóa lấy tên là "Lễ hội Quán Thế Âm, Non Nước - Ngũ Hành Sơn" vào ba ngày 17, 18 và 19 tháng 2 âm lịch. Từ đó đến nay, lễ hội đã được tổ chức đều đặn vào mùa xuân hàng năm, như lời lưu truyền trong dân gian: "Quán Âm mười chín tháng Hai. Ngũ Hành lễ hội ai ai cũng về".

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2010 đã chính thức tổ chức từ ngày 18, 19 và 20 tháng 2 âm lịch (tức ngày 2, 3 và 4-4-2010) tại chùa Quán Thế Âm (48 Sư Vạn Hạnh, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, chư tôn giáo phẩm BTS THPG TP.Đà Nẵng, các cấp lãnh đạo chính quyền TP.Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn. Hơn 10.000 Phật tử trong và ngoài TP.Đà Nẵng cùng du khách nô nức về đây trẩy hội.

HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, đại diện T.Ư GHPGVN đã nói lên ý nghĩa của Lễ hội Quán Thế Âm: "Lễ hội Quán Thế Âm là sự kết nối tình thương, sự gắn bó của cộng đồng, thúc đẩy sự phát triển văn hóa của địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, gắn Đạo pháp với Dân tộc. Lễ hội Quán Thế Âm là sự kết hợp giữa thế giới tâm linh và cuộc sống thực tại của con người. Mọi người về đây dự hội không chỉ đến để cầu xin Bồ tát Quán Thế Âm ban phúc mà chúng ta phải tiếp nhận được lòng từ bi của Ngài, nghĩ đến lòng từ mẫn và sự yêu thương của Bồ tát Quán Thế Âm để phát triển lòng từ bi, gắn kết sự yêu thương của chúng ta với cộng đồng. Thực hành được như vậy, chúng ta trở thành hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm trong cuộc sống này, vừa làm an lạc cho chính mình và mọi người chung quanh. Đây mới thực sự là ý nghĩa vô cùng quan trọng của Lễ hội Quán Thế Âm…".

Thật vậy, Lễ hội Quán Thế Âm là sự kết nối tình thương, sự gắn bó của cộng đồng, là dịp để mọi người con Phật cũng như đồng bào trên cả nước cùng hướng về một thế giới hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Lễ hội Quán Thế Âm vừa mang yếu tố tín ngưỡng tâm linh, vừa là một lễ hội quần chúng rộng lớn bởi gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, không gian chùa chiền, lịch sử văn hóa trong quần thể di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

lehoi.jpg

Múa Thiên thủ thiên nhãn

Cũng như bao mùa lễ hội trước, Lễ hội Quán Thế Âm, Non Nước - Ngũ Hành Sơn năm 2010 được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú trong cả phần lễ và phần hội, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, lễ bái của đồng bào Phật tử và du khách thập phương. Ngoài các hoạt động lễ và hội như: Lễ rước Quán Thế Âm, xe hoa diễu hành, hóa trang, biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, triển lãm thư pháp, đua thuyền, bơi lội, hội hoa đăng trên sông Cổ Cò, kéo co, rước cộ, hát tuồng, dân ca, hội thi các bộ môn thơ, nhạc, họa, thi tạc tượng Quán Thế Âm bằng đá Non Nước... Lễ hội Quán Thế Âm năm nay còn có các hoạt động nổi bật nhằm hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Triển lãm bức tranh bằng đá quý về chùa Một Cột được ghép bởi 7.000 chữ Hán trong kinh Kim Cang và bức "Thiên long Việt đồ" (1.000 con rồng uốn lượn tạo hình bản đồ Việt Nam). Xây dựng chùa Ngọc Quán Thế Âm bằng đá hoa cương trong quần thể di tích Ngũ Hành Sơn. Triển lãm tôn tượng Ngọc Quán Thế Âm. Tổ chức các đàn chẩn tế, đàn trì Mật tông, đàn Chư thiên. Đón tiếp ngài Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII cùng Tăng đoàn truyền thừa và thực hành nghi quỹ cầu nguyện trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

lehoi-3.jpg

Hóa trang Đức Quán Thế Âm

Tuy nhiên, nếu như Ban Tổ chức quảng bá tốt hơn về một lễ hội mang tầm cỡ quốc gia đồng thời là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo thì tầm vóc và ý nghĩa của Lễ hội Quán Thế Âm chắc chắn sẽ được nhân rộng và lan tỏa sâu sắc hơn.

Chúng tôi đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn trong những ngày diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm. Điều ngạc nhiên là người dân nơi đây ai ai cũng hỏi chúng tôi rằng: "Có phải bạn về tham dự lễ hội…!". Quả thật, đây là tín hiệu đáng mừng vì ít nhiều tính chất của lễ hội đã được xã hội hóa một cách năng động. Thế nhưng, từ sân bay Đà Nẵng đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn, một đoạn đường dài hơn 12km, và kể cả các cửa ngõ ra vào TP.Đà Nẵng, chúng tôi không hề thấy một tín hiệu nào về sự quảng bá của một lễ hội được cho là lớn nhất tại TP. Đà Nẵng.

Thiết nghĩ, TP.Đà Nẵng được mệnh danh là vùng đất "địa linh", có nhiều danh lam thắng tích nổi tiếng mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong xu thế hội nhập, việc quảng bá du lịch dĩ nhiên là điều hết sức cần thiết. Lễ hội Quán Thế Âm là một lễ hội cấp quốc gia và là một lễ hội lớn của TP.Đà Nẵng với hàng ngàn lượt người về trẩy hội. Do đó việc quảng bá và tuyên truyền về tính chất của lễ hội trong quần chúng nhân dân nói chung là điều đáng quan tâm, nhưng không hiểu sao, việc quảng bá về lễ hội lại chỉ nằm trong một khuôn khổ nhất định, nếu không nói là "bó hẹp". Nói một cách khác hơn, nếu là một du khách phương xa, thì khi đến Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn mới biết có Lễ hội Quán Thế Âm đang diễn ra.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.