Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ |
Chứng minh buổi lễ có chư tôn đức Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh: Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn, Đại đức Thích Quảng Nguyên, Đại đức Thích Viên Như; Thượng tọa Thích Thiện Nhơn, Trưởng ban Trị sự GHPGVN H.Thạch Hà cùng chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh và H.Thạch Hà; chư Tăng Ni trụ trì các tự viện trong, ngoài tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Hà Tĩnh; lãnh đạo chính quyền H.Thạch Hà, địa phương sở tại và đông đảo Phật tử đồng tham dự.
Thượng tọa Thích Thiện Nhơn phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thiện Nhơn đã khái quát quá trình hình thành và phát triển của chùa Tịnh Lâm. Theo đó, chùa Tịnh Lâm được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XVII. Dưới triều Lê - Nguyễn, chùa được sửa chữa nhiều lần. Lần trùng tu gần nhất vào những năm cuối thế kỷ XIX, do vị hữu quan họ Nguyễn ở Kỳ Xuyên đứng ra kêu gọi quyên góp và trông coi việc thi công. Hiện nay, trong chùa Tịnh Lâm còn nhiều hiện vật quý có giá trị.
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Chúc Cường, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh đã công bố quyết định của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh về việc bổ nhiệm Đại đức Thích Trí Công làm trụ trì chùa Tịnh Lâm.
Đại đức Thích Chúc Cường công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Tịnh Lâm |
Sau khi đón nhận quyết định bổ nhiệm trụ trì, Đại đức Thích Trí Công đã dâng lời phát nguyện sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân, làm tròn trách nhiệm của một vị trụ trì dưới dự lãnh đạo của Giáo hội; sống và làm việc theo pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, an sinh xã hội tại địa phương.
Ban đạo từ, Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn sách tấn Đại đức tân trụ trì cần nỗ lực tu học và hướng dẫn Phật tử tại đây tu tập theo Chánh pháp. Thượng tọa cũng kêu gọi Phật tử tại địa phương một lòng hộ trì Tam bảo, cùng với Đại đức trụ trì chung lo Phật sự, xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa Tịnh Lâm ngày càng khang trang, tố hảo.
Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn ban đạo từ |
Cuối buổi lễ, chư tôn đức đã niêm hương bạch Phật, tụng kinh, trì chú, sái tịnh quanh khu vực khuôn đúc chuông. Được biết, quả chuông được đúc có trọng lượng 1 tấn, bằng chất liệu đồng đỏ, quai chuông là 2 đầu rồng, xung quanh mặt chuông có họa tiết chạm khắc, trang trí hoa văn theo lối chuông cổ truyền thống.
Lễ chú nguyện rót đồng đúc đại hồng chung |
Trước đó, chư Tăng bổn tự cũng đã tổ chức trai đàn chẩn tế, đốt nến và phóng sanh chim bồ câu cầu nguyện quốc thái dân an, Phật sự viên thành.