GNO - Phân ban Đào tạo Giảng sư (Ban Hoằng pháp T.Ư) chiều 20-10 qua đã tiến hành buổi họp bàn về công tác tổ chức, đào tạo các lớp Trung - Cao cấp Giảng sư khóa VIII, IX và chuẩn bị tuyển sinh, đạo tạo khóa X tại phía Nam.
Chư tôn đức tham gia và chủ trì buổi họp, lấy ý kiến đóng góp cho công tác đào tạo
Buổi họp diễn ra tại chùa Hòa Khánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), được sự quang lâm chứng minh và chủ tọa của HT.Thích Tấn Đạt, UVTK HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng Phân ban Đào tạo Giảng sư, Trưởng ban Đào tạo Cao - Trung cấp Giảng sư cùng chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp T.Ư, chư tôn đức trong Ban Giáo thọ và Ban điều hành Đào tạo Giảng sư.
Phát biểu khai mạc, HT.Thích Tấn Đạt đặt vấn đề góp ý kiến về các nội dung đào tạo: nội điển, ngoại điển, công tác tổ chức điều hành…
Hòa thượng chia sẻ: “Buổi họp mong muốn đón nhận những ý kiến đóng góp của chư tôn đức nhằm nắm vững chương trình hoạt động, hỗ trợ để công tác đào tạo giảng sư ngày càng hiệu quả. Từ đó, tạo đà phấn đấu cho tầm nhìn, hoài bão xây dựng Trung tâm Hoằng pháp trong tương lai, tiếp tục thực hiện hoài bão tâm huyết hoằng pháp độ sanh của Đức Thế Tôn”.
Báo cáo tình hình sinh hoạt, thời khóa và tiến độ học tập của các lớp đào tạo Cao - Trung cấp Giảng sư khóa VIII, IX, cho biết khóa VIII đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thi học kỳ II của năm thứ III và thực hiện luận văn tốt nghiệp. Các mặt hoạt động đều quy củ, khởi sắc hơn. Đồng thời, BTC Đào tạo Giảng sư đã triển khai thông báo chiêu sinh, phát hồ sơ các lớp Cao - Trung cấp khóa X, dự kiến thi tuyển vào cuối tháng 11-2018.
ĐĐ.Thích Phước Tiến góp ý: “Có những môn học cơ bản, đại cương cần rút ngắn thời lượng, bổ sung thêm một số môn học phục vụ công tác hoằng pháp như: Luận lý học, xã hội học… vì các môn học này rất cần cho các vị giảng sư trong thời đại mới”.
Theo HT.Thích Minh Thiện: “Chương trình giảng dạy ngoài việc hệ thống lại kiến thức Phật học, cần chú trọng đến bồi dưỡng phương pháp sư phạm để hoằng pháp phù hợp với nhiều tầng lớp đối tượng và quan tâm đến việc bổ sung Anh ngữ và Tin học”.
TT.Thích Nhật Hỷ thì cho rằng: “Trong công tác đào tạo giảng sư, Ban Đào tạo cần quan tâm đến Kinh, Luật, Luận, chỉ bổ sung các môn học phù hợp với thế sự một cách chừng mực”.
Còn theo NS.Thích nữ Hương Nhũ: “Chương trình đào tạo có thể dành thời lượng bổ sung các môn học chuyên sâu cho Tăng, Ni giảng sinh như Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học xã hội - vì đây là những chuyên ngành rất cần cho việc tiếp cận và hoằng pháp trong cuộc sống xã hội đương đại”.
Đồng thời, chư tôn đức giáo thọ đều thống nhất với thời khóa của BTC Đào tạo Giảng sư đề ra, cũng như việc đẩy mạnh công tác bồi dưỡng các môn học ứng dụng, bổ trợ và tăng thêm thời lượng thực tập diễn giảng để Tăng Ni giảng sinh có cơ hội trau dồi kỹ năng hoằng pháp.
Ngay tại buổi họp, các chư tôn đức đã hoan hỷ cúng dường kinh phí hoạt động phục vụ công tác tổ chức và đào tạo trên 1 tỷ đồng.
Khánh Phước