1. Có người nói rằng chờ đợi là hạnh phúc. Ý nghĩa của sự chờ đợi dường như không phải là bất biến trong mọi trường hợp. Có những sự chờ đợi không làm thỏa lòng người chờ đợi.
Khi mong chờ, không có tin tức mà khi gặp lại bạn chưa thấy thỏa mãn hết niềm vui tái ngộ thì bỗng cảm thấy nặng nề và ức chế vô cùng. Nếu bạn đã sống trong sự dằn vặt của những mất mát, đau khổ ắt bạn sẽ hiểu được những điều tưởng chừng nghịch lý này.
Nếu con người đã đặt ra những quy chuẩn ứng xử thì bất cứ sự đi ngược lại nào trong hành xử đối với bất cứ quan hệ nào cũng sẽ gây ra những tổn thương. Trái tim là tặng phẩm, trái tim để yêu thương và trái tim cũng để... bị tổn thương, hờn dỗi và đau đớn. Sức hồi phục của một trái tim bị tổn thương là vô cùng yếu ớt. Và dù khi có lành lặn về mặt vật lý, thì những vết thương của trái tim thảng hoặc lại nhói lên trong một số hoàn cảnh.
Nếu sự thức ngộ xuất phát từ con tim thì bạn sẽ cảm được bằng con tim một cách dễ dàng. Còn ngược lại, sự giả dối sẽ làm cản trở và hủy hoại đi rất nhiều những giá trị của yêu thương. Có những thiết tha đã từng cháy bỏng ngày xưa và cũng có những lạnh lùng, vô cảm hôm nay. Phải chăng đó là hệ quả của những trúc trắc trong yêu thương?
2. Yêu thương là trách nhiệm. Khi yêu thương ai đó, bạn nghĩ mình phải có trách nhiệm với người đó. Và khi ai đó thương yêu bạn, bạn cũng nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với người đó. Có yêu thương thì sẽ có trách nhiệm và ở chừng mực nào đó trách nhiệm là biểu hiện của yêu thương và được yêu thương. Sẽ dễ dàng và đơn giản lắm nếu người ta chỉ sống có trách nhiệm với chính bản thân mình thôi.
Yêu thương là chấp nhận và tha thứ. Thế nhưng đó chừng như là lý thuyết suôn mà ai ai cũng mặc định nhưng nhiều khi người ta bỏ qua rằng yêu thương tỷ lệ thuận với hờn giận.
Yêu thương có thể mang lại sự sống nhưng yêu thương cũng có sức sát thương ghê gớm: vì còn hờn giận là còn yêu thương. Đó là cái vòng lẩn quẩn của yêu thương - hờn giận mà đôi khi loay hoay mãi chẳng tìm được lối ra.
Khi dành thương yêu cho ai đó, dù ít hay nhiều bạn sẽ kỳ vọng ngược lại vào người đó (đơn giản, vì bạn là con người, chưa phải là bậc thánh). Và khi điều kỳ vọng đó dưới mức mong đợi, bạn sẽ thất vọng, trách móc và đau khổ.
Chừng nào yêu thương không xuất phát từ ý niệm “đổi chác, qua lại” thì khi cho đi yêu thương bạn mới thấy thật sự nhẹ nhàng và thanh thản. Cái đó chắc giống như tình thương dành cho tha nhân - một người đồng sinh với mình trong một cộng đồng, một môi trường.
>> Cháy chợ, cháy cả... tình người!
LTS: Bạn nghĩ gì về "tình yêu thương và hạnh phúc", nhất là trong "bối cảnh" tình yêu thương bị đưa xuống hàng nhì, hàng ba và những giá trị vật chất, lối sống hưởng thụ, vị kỷ đang gia tăng nơi người trẻ? Mọi chia sẻ về chủ đề trên, bạn có thể cộng tác với Giác Ngộ Online qua các bài viết cảm nhận, suy tư trăn trở, hoặc kinh nghiệm sống, những kỷ niệm của chính bạn, hoặc người mà bạn có duyên gặp gỡ, tiếp xúc..., vui lòng gửi về bandocgiacngo@gmail.com hoặc phatgiaovatuoitre@gmail.com. Các bài viết phù hợp sẽ đăng trên chuyên mục Phật giáo - Tuổi trẻ của Giác Ngộ Online và sẽ chọn đăng trên Giác Ngộ - báo in hàng tuần. Rất mong được đón nhận sự cộng tác từ các bạn! |