GN - Được tiếp cận với kinh điển nhà Phật, tôi nhớ lại lời mẹ, cảm nhận bước đầu về Vô lượng quang thường hằng chiếu rọi khắp các cõi...
Giả như có một lần ta úp mặt vào lòng bàn tay định tâm suy ngẫm, sẽ thấy con người ngay từ lúc thoát thai đã quá bất công: người rạng ngời tướng tốt ủ yên trong gấm vóc lụa là, kẻ đui què câm điếc lại còn sinh trong gia đình bần tiện… Xét ngang đây (tức cái nhìn chỉ trong một đời) thì bất cứ nỗi oan khuất đến với cá nhân trưởng thành nào trên quả địa cầu đều không đáng gì. Đâu hay tất cả đều là sự công bằng tuyệt đối khi ta soi vào nhân duyên nghiệp báo không chỉ ở kiếp này mà từ những kiếp quá khứ và vị lai được giải thích cặn kẽ trong kinh điển nhà Phật.
Có một nỗi day dứt khôn nguôi: tại sao Phật dang tay đón tôi? Một người si mê bao nỗi, từng đi ngược lại ý hướng thuần thiện nhân bản, cũng từng hành theo huyền môn tà đạo lại tưởng là cứu cánh tối thượng. Nhân duyên gặp được Phật mới hay, Ngài không bỏ một ai, luôn chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất hướng tha nhân về miền sáng tinh khôi của sự an lạc và tự do. Có lẽ, câu nói quan trọng nhất của Đức Phật: “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng Như Lai, do vì vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng đắc”. Thông điệp này vượt lên tất cả mọi giáo lý tâm linh. Một khi [vốn dĩ] có Phật tánh, bất cứ ai lâm vào ngõ cụt, lâm vào hố thẳm cũng đều có cơ may nhìn thấy ánh sáng của sự giải thoát. Ý nghĩ này vụt hiện, điều ngáng trở để ta thành đạo là: vọng tưởng và chấp trước. Ở đây chỉ xin đề cập đến vọng tưởng, bởi hễ vọng tưởng ít đi, chấp trước sẽ tự giảm bớt. Trên lý nhất tâm trong Tịnh độ, vọng tưởng có thể được định nghĩa: khi ta trụ lại ở câu Hồng danh “A Di Đà Phật”, thì bất cứ ý nghĩ, hình ảnh nào chạy qua đầu đều là vọng tưởng. Ai từng hành thiền hay niệm Phật mới thấu, để quét sạch vọng tưởng, gần như là... vô vọng. Thế nên, thay vì điều phục, diệt trừ, đè nén vọng tưởng, hành giả chỉ việc chú tâm vào câu Phật hiệu. Công phu tối thiểu là tâm tự khởi câu Hồng danh vào bất cứ lúc nào đầu óc không suy nghĩ công việc, sau đó thì niệm thành chuỗi 5 câu, 10 câu để kết thành phiến, thành khối. Câu Phật hiệu được nuôi lớn khỏe mạnh, vọng tưởng sẽ héo khô mà chết một cách tự nhiên như cỏ dại bị rút kiệt nguồn nhựa sống. Buông vọng tưởng chấp trước như ta vô tình làm rơi vỡ một viên ngọc quý giá vô ngần mà tâm không móng khởi luyến tiếc. Vọng tưởng càng ít chân tâm càng hiển lộ. Chân tâm chưa tỏa rạng quang minh, vạn sự vạn vật ở trong và ngoài thân đều huyễn ảo mịt mờ.
Trong bốn điều y cứ Đức Phật căn dặn hậu thế, điều đầu tiên là “y pháp bất y nhân”. Pháp ở đây dĩ nhiên là kinh điển. Kinh điển xét cho cùng đều lưu xuất từ tự tánh. Nếu kinh điển đã tam sao thất bổn, các vị chứng đạo đắc quả đã lên tiếng. Hoài nghi lời Phật chẳng khác tự ta giập tắt ngọn đuốc trên con đường dẫn về Niết-bàn giữa đêm trường tăm tối. Lành thay khi tôi gặp được Phật. Tôi tin Phật như tin ông bà cố mình trên bàn thờ [chưa một lần gặp mặt]; họ truyền ngôn lại cho cha mẹ và giờ đây tôi tin hết thảy những di giáo đó. “Phật” là một từ trong vô số ngôn ngữ; cũng không hẳn là một cái tên. Khi ai đó nhìn thấu triệt về chân tướng vũ trụ nhân sinh, hậu thế phải tìm danh từ bao hàm được nghĩa đó, nên chọn Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (Phật). Ngày xưa nhà thắp đèn dầu, chỉ soi sáng những trang sách tôi căng mắt đọc. Khi điện kéo về làng, tôi nghĩ đó đã là ánh sáng siêu việt. Nhưng có lần mẹ tôi kể, thời xưa máy bay Mỹ thường thả những quả pháo sáng mà cả xóm hiện ra như ban ngày, hơn thế trong mỗi nhà đến cái kim cũng thấy rõ. Tôi cũng chỉ lờ mờ tin. Được tiếp cận với kinh điển nhà Phật, tôi nhớ lại lời mẹ, cảm nhận bước đầu về Vô lượng quang thường hằng chiếu rọi khắp các cõi. Chỉ vì vô minh phiền não dày đặc nên tôi chưa hề tiếp nhập hào quang Như Lai, nhưng tôi tin chắc điều đó - nó sẵn trong tâm mình như viên minh châu bị bọc kín trong bùn nhơ đen đặc.
Học Phật không phải đọc hiểu bằng trí mà phải trải nghiệm. Trừ những vị Phật hay Bồ-tát trở lại cõi này “biểu diễn” hóa độ chúng sanh, còn thảy người tu, chưa ai đọc hết sách Phật trên địa cầu mà đại ngộ bao giờ. Mức thấp nhất để hiểu Phật cũng phải cậy vào công phu chứ hoàn toàn không nương vào cái trí dẫu đó là một bộ óc siêu thường. Mỗi sinh mệnh chào đời đã bị hành ấm lập trình sẵn tương lai. Nếu muốn rẽ về miền sáng điều trước tiên phải hạ thủ hành trì phá tưởng ấm. Đào sâu vào kiến/tư hoặc mới hay chẳng những ta mê sắc ấm là mình; sắc ấy còn nối dài sự chấp trước bởi thọ ấm; rồi thọ làm nền cho tưởng như mặt biển tưởng lặng sóng bình yên mà phía dưới lòng sâu cuồn cuộn dòng hải lưu nghiệp thức của hành và thức ấm, cuốn ta quay mãi hoài trong luân hồi khổ não. Không cứ tu theo pháp môn nào, hễ người có công phu chí ít cũng phá rào vọng tưởng chấp trước để vượt qua sắc, thọ và “tạm dừng” tưởng ấm. Có một điều ngỡ là một song hoàn toàn khác biệt, đó là: thay vì diệt vọng tưởng, chỉ nên chú tâm vào câu Phật hiệu. Diệt vọng tưởng là ảo tưởng, còn chú tâm vào Phật hiệu tự khắc vọng tưởng sẽ khô héo. Hành giả thuộc Tịnh tông chuyên niệm Phật, đến giai đoạn hễ ý niệm, hình ảnh nào trồi lên ngay lập tức câu “A Di Đà Phật” từng chuỗi mạnh mẽ vang lên dứt khoát, tưởng ấm do vậy sẽ hoạt động một cách yếu ớt. Cũng xem như câu Phật hiệu được gắn sẵn trong tâm, tự động phát bất cứ lúc nào tạp niệm ngoi ngóp hòng trỗi dậy làm càn. Tâm mỗi người chưa tu tập cũng giống như kho chứa với thật nhiều bụi bặm và rác rến. Câu Hồng danh thực hành đến mức điêu luyện, ấy xem như cái máy tự động hút bụi và rác tâm cả ngày lẫn đêm, thật là thù thắng vi diệu.
Về lý là vậy, hơn nữa cung cách thực hành để tiến đến giác ngộ ở mỗi người cũng khác. Tôi chỉ là kẻ nghe các bậc tổ sư, cao tăng và những người thực sự có công phu khai thị nên ghi ra để rộng lối tham khảo. Còn về bản thân thật quá xấu hổ khi đứng trước Đức Phật. Hiểu Phật, tôi không hề cầu mong bất cứ điều gì. Lạy Phật, niệm Phật cũng không hề có ý nghĩ cầu cho mình có sức khỏe sống lâu, không nhờ đó mà cầu cho mình có danh vị tiền tài. Bởi như vậy là đi ngược với tự tánh chân tâm, đi ngược với bổn hoài ba đời chư Phật. Đức Phật đã khai tâm mở não cho tôi thấy trên đời này hết thảy chỉ là một giấc mộng lớn, đều hoại diệt bất cứ lúc nào kể cả xác thân nhơ bẩn. Một khi nhận ra trong tôi có Phật tánh [bình đẳng như mọi người], cũng là lúc tôi biết tất cả chúng sanh ở Nam-diêm-phù-đề đều phải cung kính như đối diện với Phật. Do vọng tưởng chấp trước, thói quen huân tập lâu ngày trở thành “bản chất”, đâu ngờ chân tâm bổn tánh ở mỗi chúng sanh vẫn không hề nhuốm bụi trần ai. Đó sao có thể gọi là kẻ xấu ác cho được. Ví như người cha suốt đời phương hại chúng sanh thì trong sâu thẳm của đứa con ông ta vẫn là một người nặng nghĩa ơn sâu. Càng cảm thương đối với những người tạo ác nghiệp. Họ đã chịu thiệt thòi đóng vai phản diện. Cuộc đời là một vở tuồng kinh điển. Xem tuồng, không lý tôi lại đi thù hận diễn viên trong vai kẻ “sát nhân”... Ba tôi, một người hiền lành nhân hậu, suốt đời dạy dỗ bao thế hệ học trò thành đạt, lại phải nằm rất lâu trước lúc từ giã cõi đời. Tôi nghĩ nếu để chịu đựng một ngày lâm bệnh của ba thôi cũng không thể. Nhưng ba đã đổi lấy sự đau đớn tột cùng, đổi lấy thọ mạng ngắn ngủi để dạy bài học vô thường vĩnh viễn, để tôi biết mau chóng quay về nẻo thiện. Vai diễn của ba quá đạt, khiến tôi cảm sâu hơn về lời dạy của Phật, khiến tôi hiểu ai cũng nên gắng tu như lửa cháy trên đầu, như ma đuổi sau lưng và phía trước là hố thẳm.
Đức Phật từng hàng ngàn lần âm thầm trở lại cõi Ta-bà trong vai những chúng sanh mù lòa lạc lối, tỉnh ngộ mà giác ngộ. Và mãi mãi về sau Ngài vẫn không mệt mỏi sắm vai trên sân khấu đầm lầy ác trược rồi buông xuống vạn duyên thẳng về bờ giác để mong một ngày ai đó sẽ lần theo những dấu chân ấy ra khỏi nguồn mê. Thật tự hào nếu được là học trò của Phật Thích Ca - một vị thầy thấu tỏ, siêu việt mười pháp giới, đã thiết nguyện khuyến nhủ muôn người hướng về Cực lạc thế giới. Nghẹn ngào thay khi xưng tụng Hồng danh Đức Từ Phụ. Tên của Ngài chính là căn mạng đời tôi. Thật tự hào nếu mỗi ngày mở mắt lại được niệm “A Di Đà Phật”. Tha thiết niệm. Niệm đến ứa nước mắt kiệt cùng huyết máu. Chính lúc đó tôi không cô đơn buồn tủi, không chạy trốn khỏi chiều thời gian hạn hữu kiếp người.