Lắng nghe cái chén mẻ thuyết pháp

(Cho cái chén mẻ hôm qua và cả những sứt mẻ trong lòng mỗi người)


GNO - Tối qua trong lúc dọn dẹp phòng trọ tôi đã sơ ý làm cái chén rơi ra khỏi rổ úp và mẻ miệng. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ bỏ ngay cái chén đó đi dù tôi biết mình chỉ có hai cái, vì ra ở riêng nên tôi cố gắng tối giản mọi thứ vật dụng sinh hoạt đến mức có thể.
Lúc ấy tôi vừa thấy xót vừa giận mình. Vì đây là một trong những vật dụng chị tôi gói ghém cho tôi lúc chuẩn bị ra ở riêng. Tôi chỉ lấy có hai cái và nói - "Em ở một mình nên không cần nhiều đâu!".
caichenme.jpg
Dừng lại, nhìn sâu, lắng nghe cái chén mẻ,
tôi nhặt về những ý niệm như là lời pháp từ cái chén ấy
- Ảnh: Trần Trọng Hiếu

Cái chén bể nhắc ta về sự không tuyệt đối. Sở dĩ cái chén bể bị hăm he bỏ đi là vì nó không còn được đẹp như lúc đầu theo ý muốn của mình. Vì có cái ta, cái của ta nên cái gì theo ta, bên cạnh ta cũng phải đẹp. Sự cầu toàn và phân biệt làm ta thêm vướng mắc mà thôi.

Tôi giận mình vì sơ ý làm rơi chén, vì cẩu thả mà úp chén hớ hênh nên dễ rơi. Nếu tôi úp cái chén ấy lọt lòng trong chiếc rổ thì nó sẽ không dễ rơi như vậy. Nếu tôi không nôn nóng làm cho xong các công việc, nếu tôi chánh niệm việc mình làm hơn thì cái chén kia sẽ không bị mẻ và tôi cũng không thấy buồn nhiều khi nhìn cái chén bị thương tổn vì mình... Nếu vứt cái chén đi vì nó mẻ thì hình như không được thuyết phục cho lắm. Dù bị mẻ nhưng vẫn còn sử dụng được. Nếu sợ nó có thể làm rách miệng khi ăn cơm thì sử dụng cùng với muỗng thay vì lùa cơm bằng đũa. Nếu ngại khách thấy phiền thì mình sẽ dùng cái chén mẻ đó, nhường chén lành cho khách. Còn giả không muốn dùng nữa thì dùng chén đó đựng thức ăn, thức chấm khác... Còn một cách khác là ta nghĩ dù nó đã mẻ nhưng vẫn còn sử dụng được thì có thể gói lại cho người khác, ai cần thì dùng không thì bỏ đi cũng không sao.Ở đời, ta quen yêu thích một vật gì ta luôn muốn giữ nó mãi bên cạnh mình, đúng như ái sinh thủ, lời Phật dạy. Và khi nó hỏng hóc ta đau buồn vì nó. Điều trái khoáy là dù yêu thích nhưng khi nó có hỏng hóc, không còn lành trọn và đẹp đẽ trong mắt ta - ta liền có ý muốn từ bỏ ngay. Tâm tham, tánh si khi ta muốn thủ hữu lúc đầu giờ đưa ta đến tâm sân. Trong cuộc sống - nhiều khi ta cho đi điều gì đó là do ta không cần đến nữa. Có khi nào ta nghĩ sẽ đem một món đẹp đẽ, có giá trị như mới (trước khi nó hỏng ít nhiều) để trao tặng ai đó thay vì sau khi nó cũ mòn, hay hư hao như chiếc chén kia? Cái chén mẻ dạy ta về cách cho, về sự ba-la-mật trong nghĩa cử tưởng đẹp, nhưng xét kỹ là có đẹp không, và đẹp đến mức nào? Ta thấy sự vô thường trong cái chén mẻ ấy. Cái chén chắc cũng hãnh diện vì nó đẹp, vì ngày ngày được có mặt trên bàn ăn, được nâng niu khi rửa...; nhưng giờ có khả năng bị thay đổi chức năng hay tệ hơn là có thể bị bỏ xó, bị vứt rác hay bị cho đi... Mọi việc trên đời ta cứ nghĩ nó đẹp, nó tồn tại đó,... nhưng rồi một duyên nào đó nó sẽ xấu đi, sẽ thương tổn hoặc mất đi. Mọi sự vốn dĩ là như vậy, chỉ có điều ta không hiểu và không chấp nhận bởi tâm tham đắm, sân si dẫn dắt, bởi nghiệp lực làm cho vô minh không tỉnh giác.

Cái chén bể nhắc ta về sự không tuyệt đối. Sở dĩ cái chén bể bị hăm he bỏ đi là vì nó không còn được đẹp như lúc đầu theo ý muốn của mình. Vì có cái ta, cái của ta nên cái gì theo ta, bên cạnh ta cũng phải đẹp. Sự cầu toàn và phân biệt làm ta thêm vướng mắc mà thôi. Bởi cái chén vẫn còn y giá trị sử dụng của nó nếu ta nhìn nó dưới những góc nhìn khác hơn, sự thật hơn và khách quan hơn, dù rằng chiếc chén ấy đã không còn nguyên vẹn nữa...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.