Nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, khu di tích lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc mà khởi đầu là Mạc Cửu, người đã có công khai phá mảnh đất Hà Tiên hơn 300 năm truớc.
Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán thương mại ở một số nước Đông Nam Á. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến tháng 8 năm 1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.
Lăng và đền thờ Mạc Cửu do Mạc Thiên Tích (con trai trưởng của Mạc Cửu) thiết kế, xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giac; bên phải là Đại Kim Dự. Từ dưới chân núi đi lên, du khách sẽ gặp cổng đền thờ họ Mạc, có 2 câu đối bằng chữ Hán Nôm do nhà Nguyễn ban tặng:
Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh
Tạm dịch: Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ
Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu
Bên trong cổng là một khoảng sân rộng tạo cho không gian đền thờ lúc nào cũng yên tĩnh và trầm mặc. Nằm bên phải đền thờ là nhà tiền hiền thờ những người trước Mạc Cửu đã đến Hà Tiên, bên trái là nhà hậu hiền thờ những người đến sau ông. Bên trong chính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của Mạc Cửu và các hậu duệ của ông do những người dòng họ Mạc được coi như những tiểu vương tại Hà Tiên. Bên phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ.
Lần theo một con đường bậc thang lên núi Bình San, du khách sẽ tới phần lăng mộ với hơn 60 ngôi mộ cổ được chia thành 4 khu riêng biệt: khu 1 là lăng mộ các tiểu vương dòng họ Mạc. Lăng mộ Mạc Cửu nằm ở vị trí cao nhất trong khu 1, có hình bán nguyệt và được khoét sâu vào núi, mộ có hình dáng như một con trâu nằm( thế tọa ngưu) ở 2 bên mộ có 2 vị tướng bằng đá đứng canh giữ. Khi xây lăng mộ cho cha, Mạc Thiên Tích đã mang đá ở Malaysia về để lát. Khu 2 là lăng mộ các phu nhân, khu 3 là lăng mộ các quan và khu 4 là lăng mộ các thành viên khác của dòng họ Mạc. Đi vòng theo chân núi chừng 3km, du khách sẽ bắt gặp chùa Phù Dung (Phù Dung cổ tự). Ngôi chùa hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính, hài hoà với thiên nhiên mà còn bởi những câu chuyện bí ẩn gây tranh cãi về lai lịch của nó.
Nằm trên đỉnh núi Bình San là đàn xã tắc, nơi hành lễ cúng tế trời đất của Hà Tiên xưa và nay. Nền đàn xã tắc có hình bát quái lớn màu đỏ, ở giữa màu đen, tâm vàng, trên đặt một lư hương lớn bằng đồng. Vào ngày 15-1 âm lịch hàng năm, các đàn cúng sẽ được lập nhưng mỗi năm lại khác nhau về giờ cúng.
Khu di tích Núi Bình San nằm trong quần thể thắng cảnh nổi tiếng từng được ngợi ca trong Hà Tiên thập vịnh, nơi đây đã trờ thành điểm đến lý tưởng dành cho du khách muốn tìm về cội nguồn của vùng đất Hà Tiên. Di tích đã được Bộ Văn hóa-Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989.