Lần đầu tiên tổ chức Đại lễ cầu siêu ở Trường Sa

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Quân chủng Hải Quân, Doanh nghiệp Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) cùng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hoà đã tổ chức ba buổi Đại lễ cầu siêu lần đầu tiên cho các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân và đồng bào tử nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại lễ cầu siêu diễn ra trong 3 ngày mùng 2, 3 và 5-6-2010 tại 3 ngôi chùa lớn trên các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Ngoài các Tăng Ni, Phật tử đến từ khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam, tham dự Đại lễ cầu siêu còn có đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân chủng Hải quân, Doanh nghiệp Xuân Trường, đại diện các cơ quan ban ngành đoàn thể, thông tấn báo chí.

Đông đảo quân và dân trên đảo Sinh Tồn tham dự Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và đồng bảo tử nạn trên vùng biển Trường Sa tại chùa Sinh Tồn

Đông đảo quân và dân trên đảo Sinh Tồn tham dự Đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và đồng bảo tử nạn trên vùng biển Trường Sa tại chùa Sinh Tồn

Ba buổi Đại lễ cầu siêu được tiến hành trang nghiêm theo nghi lễ Phật giáo. Tất cả các Đại lễ cầu siêu diễn ra trong vòng suốt 15 tiếng đồng hồ liên tục, từ 10 giờ đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, với 20 vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni, dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích Thanh Đàm - Thành viên Hội đồng Thứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thượng toạ sám chủ Thích Giác Nghĩa -  Phó ban Nghi lễ PG tỉnh Khánh Hoà.

Theo Thượng toạ Thích Giác Nghĩa: “Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, cũng có thể gọi là lễ tri ân vì trong Phật giáo, Đức Phật dạy có bốn ân: một là ân Quốc gia thuỷ thổ, ân Cha mẹ, ân Thầy tổ, và ân những người đã giúp đỡ và tác thành cho mình.

Cha mẹ cùng các con đi lễ chùa tại đảo Song Tử Tây
Cha mẹ cùng các con đi lễ chùa tại đảo Song Tử Tây

Vì vậy, Đại lễ cầu siêu này đã làm được hai ý nghĩa lớn cho người sống và người đã mất. Một là, các anh hùng liệt sĩ sẽ được nhẹ nhàng siêu thoát vì sau bao nhiêu năm tháng, chưa có một lễ cầu siêu chính thức nào được tổ chức nhằm tôn vinh và tưởng nhớ sự hy sinh của các anh. Hai là, bù đắp sự mất mát lớn của thân nhân gia đình liệt sĩ, làm vơi bớt nỗi đau mất mát người thân. Ba đại lễ cầu siêu đã rất thành công".

Hòa nhịp với cuộc sống mới ngày càng phát triển trên huyện đảo Trường Sa, chị Đặng Thị Liễu, một người dân sinh sống ở đảo Song Tử Tây phấn khởi cho biết: “Chúng tôi ở đây vẫn thường xuyên đi lễ chùa để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng để sinh sống làm ăn, cuộc sống ngày càng khá giả và mong cho những người thân ở trong đất liền luôn được khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc. Giờ đây, những ngôi chùa ở Trường Sa đã được tu bổ lại khang trang hơn, điều đó sẽ giúp cho nhân dân chúng tôi có đời sống tâm linh phong phú hơn, để được nương nhờ cửa Phật sau những ngày làm việc mệt nhọc ngoài khơi xa”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động trả lời phỏng vấn VTC News và các cơ quan báo đài khác về Đại lễ cầu siêu trước cột mốc chủ quyền của Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn

Nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động trả lời phỏng vấn VTC News và các cơ quan báo đài khác về Đại lễ cầu siêu trước cột mốc chủ quyền của Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn

Tham dự Đại lễ cầu siêu tại đảo Sinh Tồn, nhà sử học Dương Trung Quốc xúc động nói: “Tôi thật sự tự hào khi đang được đứng trên mảnh đất mà tổ tiên của chúng ta đã ngàn năm gìn giữ. Không khí lễ Phật tại những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa khiến cho chúng ta có cảm giác thân thuộc như đang ở trong đất liền. Tôi cầu mong cho linh hồn các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc được siêu thoát. Cả đất nước vinh danh các anh, những người chiến sĩ đang canh giữ bình yên cho vùng biển đảo của đất nước".

Dự kiến sau này, các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa sẽ được tổ chức những lễ hội thường xuyên, để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trên quần đảo Trường Sa.  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.