Lần đầu tiên Giáo hội có quy chế về phát ngôn chính thức

GN - Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 2 - khóa VII của Trung ương GHPGVN, quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được trình, và sau đó, được HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN ký quyết định ban hành chính thức từ ngày 5-1-2014.


>> Long trọng khai mạc Hội nghị kỳ II khóa VII GHPGVN
Hoi nghi.jpg


Khai mạc Hội nghị lần thứ 2 - khóa VII của Trung ương GHPGVN - Ảnh: Yên Hà

Quy chế gồm 5 chương, 16 điều, cụ thể hóa các nội dung liên quan. Tại chương II, điều 4, quy định người giữ quyền phát ngôn của GHPGVN gồm: Chủ tịch HĐTS, các Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông T.Ư; Người phát ngôn của GHPGVN là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Thông tin-Truyền thông T.Ư được Trưởng ban Thông tin-Truyền thông giao nhiệm vụ bằng văn bản.

Theo đó, quy chế cũng cho biết: “Người giữ quyền phát ngôn có thể ủy quyền lại bằng văn bản cho người phát ngôn nhưng Người phát ngôn không được ủy quyền lại nhiệm vụ của mình cho bất kỳ người nào.

Ban Thông tin-Truyền thông T.Ư có trách nhiệm công bố tên và chức vụ của Người phát ngôn, cách thức và quy trình, địa chỉ liên hệ bằng văn bản khi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.

Các thành viên của GHPGVN không được giao nhiệm vụ phát ngôn thì không được nhân danh GHPGVN để phát ngôn.

Bất kỳ cá nhân nào có trực thuộc hay không trực thuộc GHPGVN đều được quyền trả lời báo chí, đưa ra các quan điểm, nhận xét nhưng việc phát ngôn của những người này không được coi là thông tin chính thống của GHPGVN và chỉ được xem là ý kiến cá nhân. Trong trường hợp thông tin, ý kiến mà cá nhân đó đưa ra gây ảnh hưởng đến thanh danh và đường lối hoạt động của GHPGVN thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước GHPGVN và trước pháp luật về hành vi của mình”.

Quy định về việc cung cấp thông tin chính thức của GHPGVN cũng tương tự.

Vậy là lần đầu tiên sau hơn 7 nhiệm kỳ, GHPGVN cũng đã có quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Có thể nói, những năm gần đây, trên báo chí, đặc biệt là các trang tin, báo điện tử, nhiều vụ việc không tốt đẹp, hành vi không phù hợp, phản cảm… liên quan đến các cá nhân là tu sĩ, quá khứ từng là tu sĩ, chùa chiền (là di tích)… đã được đưa lên mặt báo, được khai thác, ảnh hưởng đến hình ảnh của đạo Phật, một tôn giáo gắn bó với dân tộc hàng ngàn năm. Trong khi đó, phản ứng từ GHPGVN thực tế là rất chậm, không chính thức, hoặc thậm chí là im lặng.

Có ý kiến cho rằng “vàng thật không sợ lửa”, nhưng cũng xin nói lại, đừng coi thường một đốm lửa nhỏ, nó có thể thiêu cháy cả một khu rừng! Ở ý nghĩa này, với các phương tiện truyền thông hiện đại, sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như hiện nay, có thể dùng để nói về sức mạnh khó lường của các cơn siêu bão thông tin.

Hy vọng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sớm đi vào đời sống, để GHPGVN tham dự một cách chủ động và an toàn trên xa lộ thông tin phức tạp như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.