Làm thầy hay làm thợ?

Báo Thanh Niên tháng 12-2012 đưa tin Trường Trung cấp nghề Bạc Liêu vắng vẻ học viên, dù cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên xem ra khá đầy đủ. Trong khi đó nhiều em sinh viên vùng xa đang “bơi” ở TP.HCM với các chương trình học, và học phí, tiền ăn ở cao ngất…

G_005_Ricostruire_Dalle_Fondamenta.jpg

Thực tế là hiện nay phần lớn các gia đình và bản thân các sinh viên đều thích chọn những ngành có vẻ “sang sang”, được làm việc ở văn phòng, chứ không mấy người mặn mà với việc học nghề. Rất nhiều em chen nhau học kế toán, luật, quản trị kinh doanh, ngân hàng…nhưng khi ra trường rất khó khăn tìm được việc làm bởi xã hội đã bão hòa, và bởi hàng loạt doanh nghiệp đã giải thể. Như vậy giấc mộng “làm thầy” gần như tan biến. Hoặc phải làm tạm những nghề khác để chờ đợi, có khi đổi nghề luôn mà sống. Chưa kể, nhiều trường tại TP.HCM bây giờ cũng tuyển sinh dễ dãi vì thiếu chỉ tiêu, học viên điểm thấp lè tè cũng được tuyển vào, học hành lớt phớt rồi cũng có bằng cấp, rồi có tìm việc được hay không thì học viên ráng chịu. Cho nên cầm cái bằng cấp của những ngành “thời thượng” nhưng không có gì bảo đảm sẽ thành công sau này.

Trong khi đó, công cuộc xây dựng đất nước có nhu cầu rất lớn về “thợ”, rất cần những thợ tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Kỹ thuật điện, điện tử, điện gia dụng, cơ khí, ô-tô, nhiệt, xây dựng, thực phẩm, may mặc, bác sĩ máy tính v.v… đều có cơ hội việc làm cao. Mà những ngành đó xem ra trường Bạc Liêu và một số trường tỉnh đã mở khá đầy đủ, không cần phải chạy lên Sài Gòn để học. Hoặc có thể học căn bản ở tỉnh cho đỡ chi phí gia đình, rồi trong quá trình đi làm sẽ tìm tòi học thêm, nghiên cứu thêm. Học cả đời, học qua thực tế, chứ đâu chỉ vài năm ở trường.

Làm thầy hay làm thợ không quan trọng. Quan trọng là có việc làm phù hợp, còn hơn chạy đôn chạy đáo vì những hư danh ảo. Nhiều người thành danh và khá giả nhờ tay nghề kỹ thuật cao, chứ không phân biệt thầy hay thợ. Tôi có cô em họ, thằng con trai của cô không chịu thi đại học nào hết mà nằng nặc đòi làm bếp. Nghe cô rầy la nó hoài, tôi bèn can thiệp, bảo cô cứ cho nó sống đúng với bản chất, năng khiếu, vì tôi nhớ hồi nhỏ nó thường say mê nấu nướng. Quả vậy, khi nó vào làm một nhà hàng Nhật, tự mày mò học hỏi, được ông đầu bếp người Nhật thương mến, cho làm phụ tá và dạy nghề. Mới vài năm mà lương của nó đã tròm trèm 10 triệu đồng mỗi tháng. Mẹ nó giờ hết rầy mà…khoe. Mấy cô thợ may cạnh nhà tôi, chỉ có cái tiệm nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, vậy mà khách hàng nườm nượp, chưa kể còn may bỏ mối cho shop thời trang. Còn hai tháng nữa mới đến Tết mà tiệm đã thôi nhận khách, vì hàng đã quá nhiều. Còn một anh thợ sửa điện, sửa máy lạnh, tủ lạnh gần chỗ tôi cũng “chạy sô” bở hơi tai, vì khách hàng rất tin tưởng, gọi tới nhà liên tiếp. Bạn tôi là thợ sửa vi tính cũng vậy, khách hàng luôn ưu ái, vì hầu hết nhà nào cũng có máy tính, làm gì không trục trặc. Họ thích kêu thợ về nhà vì họ đỡ phải khiêng xách tới tiệm. Chỉ cần vệ sinh máy thôi đã gần 100.000đ, đâu phải kém cạnh. Nếu máy hư nhiều thì thợ sẽ tự mang đi, rồi trả lại sau, giá cả “ngon lành”.

Kinh tế khó khăn, gia đình có con đi học càng khó khăn hơn, vì phải thắt lưng buộc bụng, đi mượn, đi vay cho con đóng học phí, sinh hoạt. Vì vậy niềm hy vọng trút hết vào con. Nhưng nỗi thất vọng sẽ lớn hơn khi nó không tìm được việc làm hoặc làm việc khác với ngành đã học. Nên chăng đừng quá ảo tưởng vào những chức danh mà cần nhìn thẳng vào năng khiếu của con mình và vào thực tế xã hội để tìm ngành học và nơi học vừa sức, phù hợp. Khi người ta yêu nghề, làm đúng sở trường thì khả năng thành công và hạnh phúc lớn hơn.

Và một điều quan trọng nữa, đó là duyên nghiệp. Mỗi người sinh ra hầu như đã có một cái “nghiệp” từ kiếp trước, nghĩa là đã huân tập, gieo trồng hạt giống của nghề nghiệp đó, cho nên bên cạnh chữ “nghề” lại có chữ “nghiệp” là vì thế. Ông bà xưa có câu: Nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Dĩ nhiên không hẳn là thụ động ngồi chờ cái gì đến sẽ đến, nhưng cũng nên chú trọng chọn nghề sao cho đúng với cái chất của bản thân mình, nghĩa là đúng năng khiếu, sở thích. Nếu chọn không đúng thì loay hoay cũng sẽ đổi nghề, sẽ trở lại với năng khiếu của mình.

Cho nên, nghề sẽ đến với chúng ta đúng với nghiệp đã gieo, đừng bon chen hư ảo. Tuy nhiên, có những nghề mà Đức Phật khuyến cáo không nên làm, thì nhất định chúng ta không được chọn, mà lỡ có theo rồi thì cũng phải nỗ lực thay đổi, để chuyển nghiệp. Nghề sản xuất và buôn bán vũ khí, nghề buôn thịt chúng sinh, dính tới sát sinh, nghề sản xuất và buôn bán những chất gây say sưa nghiện ngập, nghề buôn người, nghề sản xuất và buôn bán chất độc. Không cái nghiệp nào mà không chuyển được nếu chúng ta kiên quyết. Những nghề này có làm giàu cách mấy cũng phải bỏ vì không phải chánh mạng.

Và chánh mạng còn ở chỗ, nghề nghiệp dù có sang trọng hay chân chính đi nữa mà người làm nghề không tận tụy, không trung thực, không cầu tiến, thì nhân quả cũng rất xấu. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gian dối, nhiều cán bộ, cảnh sát tham nhũng, hối lộ, những thầy cô giáo bắt học trò học thêm, những bác sĩ ăn hoa hồng cao trên toa thuốc v.v… đều bị xã hội lên án, hoặc phá sản, hoặc ra tòa, hoặc con cái phá của… Nghề nào kiếm được đồng tiền chân chính thì hạnh phúc sẽ lâu bền. Hạnh phúc không chỉ là thu nhập cao hay thấp, mà còn là sự hòa thuận, an vui trong gia đình. Những giám đốc nắm trong tay bạc tỷ nhưng vợ thì ngoại tình, bài bạc, con cái thì đua xe, ma túy, chính là những bằng chứng đau lòng. Cho nên, làm thầy hay làm thợ không quan trọng, mà phải chọn nghề đúng với sở trường và lương tâm, thì cuộc sống sẽ an ổn lâu dài. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.