Lại nhức nhối: nạn giả sư khất thực!

GN - Qua 12 giờ trưa, cái nắng của những ngày cuối tháng 5 ở Sài Gòn như đổ lửa, vắng hẳn người đi lại. Đang trên đường hối hả về nhà, đến đoạn đường Vũ Huy Tấn (P.1, Q.Bình Thạnh), tôi chợt nhìn thấy một người đàn ông có vóc dáng mập, hơi tròn, đầu tóc lún phún, trên người quấn chiếc y màu vàng theo phong cách các nhà sư khất sĩ và trên tay ôm chiếc bình bát màu đen, mặt cúi gằm xuống  đất, từng bước chậm rãi đi giữa nắng trưa chói chang.

Với linh cảm và những hiểu biết nếp sống nhà chùa, tôi cố gắng quan sát thật kỹ và nhận ra đây là một người giả dạng nhà sư, nói một cách khác đây là một nhà sư dỏm, đang thực hiện “khổ nhục kế”, lợi dụng lòng tin của người đời với những người tu hành chân chính để lừa gạt họ (ảnh).

su gia.jpg

Với người bình thường, khó mà biết được đâu là nhà sư thật và đâu là kẻ giả sư thông qua hình thức bề ngoài cũng như những quy định của người tu hành. Bởi lẽ, bây giờ đang trong mùa An cư kiết hạ (từ rằm tháng 4 tới rằm tháng 7 âm lịch) tất cả các Tăng Ni, tu sĩ các hệ phái Phật giáo đều phải tập trung ở các trường hạ, các chùa, tu viện… theo quy định thống nhất của Giáo hội và luật Phật chế.

Vài ngày sau, gần ngã tư Nguyễn Văn Giai - Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1), tôi như “duyên nợ” gặp lại người đàn ông này cũng trong hình tướng một “nhà sư khất sĩ”, cũng với dáng đi chậm rãi, mặt cúi gằm xuống đất như muốn che giấu “bộ mặt thật” của mình để lừa bịp tín tâm của những người con Phật cũng như những người dân nhẹ dạ cả tin.

Tôi được biết có những người mặt mày bặm trợn, đầu tóc cắt ngắn, đi từng tốp từ hai đến bốn người, họ khoác lên mình bộ đồ màu lam hoặc màu nâu, len lỏi đến từng nhà dân bấm chuông, gọi cửa, khi chủ nhà mở cửa thì họ chìa ra một cuốn sổ có đóng “dấu đỏ” và đề nghị chủ nhà đóng góp xây dựng chùa chiền.

Cũng có nhóm giả dạng tu sĩ Phật giáo đi khắp hang cùng ngỏ hẽm để nài nỉ người dân mua kinh sách hoặc nhang trầm, nhắm vào tâm lý người dân coi các việc làm này như là sự đóng góp cho nhà chùa, cũng là một việc làm thiện, nên dù biết giá bán “cắt cổ” nhưng nhiều người dân, nhất là người có tín ngưỡng đạo Phật vẫn “ủng hộ”.

Một trường hợp khác còn táo bạo hơn, đó là dịp tôi về chùa Bảo Sơn (Xuân Thanh, Long Khánh, Đồng Nai) dự lễ đặt đá xây dựng chùa đã chứng kiến cảnh “chướng tai gai mắt”, đó là một người đàn ông cao khoảng 1,6m, tuổi ngoài 30, da ngăm đen, mặc chiếc áo nhật bình màu nâu đến gặp Phật tử ngửa tay xin tiền, thậm chí khi các Phật tử đã lên xe ra về, ông ta vẫn cố đeo bám để xin tiền cho bằng được với “điệp khúc”… “thầy ở cốc nghèo cho thầy xin ít tiền”!

Có thể nói, lâu nay dưới nhiều dạng, nhiều hình thức giả dạng tu sĩ Phật giáo để đi làm tiền một cách công khai, tạo nên hình ảnh phản cảm nhức nhối trong dư luận. Nên chăng Giáo hội cần thành lập Ban Kiểm Tăng/ Ni để phối hợp với các cấp chính quyền kiểm tra những trường hợp nghi là sư giả, nếu là sư giả thì lập biên bản thông báo về địa phương nhờ chính quyền có biện pháp phù hợp.

Thiết nghĩ đó là việc làm nhằm “trang nghiêm Giáo hội”. Đây cũng là tâm nguyện của những người con Phật và có như vậy mới hy vọng loại bỏ được những kẻ “mượn đạo tạo đời”, mượn chiếc áo cà-sa làm điều xằng bậy, trục lợi trên lòng tin, tín tâm của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Tăng Ni nói riêng và Phật giáo nói chung.

Bài và ảnh: Thanh Phương

Cách nhận diện "Sư giả" (*)

HỎI: Kính nhờ quý Báo chỉ rõ phương cách để nhận diện "sư giả” nhằm góp phần bảo vệ trật tự an ninh xã hội và giữ gìn sự trong sáng của Chánh pháp.

(NGUYÊN PHÁP, Bình Dương; dungle69...@yahoo.com.vn)

ĐÁP: Các bạn Nguyên Pháp và dungle… thân mến!

Để dễ dàng nhận diện “sư giả” và kịp thời báo ngay cho các cơ quan chức năng địa phương xử lý, quần chúng nhân dân cần dựa vào các yếu tố sau:

Chư Tăng Ni thuộc hệ phái Bắc tông không đi khất thực, chỉ có một bộ phận chư Tăng thuộc hai hệ phái Nam tông và Khất sĩ (đắp y quấn, màu vàng hoặc vàng sẫm) mới đi khất thực. Vì thế, các “sư” nào khất thực mà mang y phục Bắc tông tức mặc áo tràng (màu vàng, lam hoặc nâu) và các “sư” nữ trùm khăn đều là “sư giả”. Đó là chưa nói đến khi Giáo hội chính thức ban hành lệnh tạm ngừng các hoạt động khất thực thì tất cả những ai đi khất thực đều có thể xem là “sư giả”.

Khất thực đúng pháp vốn không nhận tiền bạc, chỉ nhận vật thực vừa đủ cho môt bữa ăn. Do đó, những ai khất thực mà nhận tiền bạc là phi pháp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nhận diện “sư giả”, vì họ rất chú trọng đến việc xin tiền bạc hơn là xin đồ ăn uống.

Thời gian khất thực đúng pháp là trong buổi sáng và chấm dứt trước 12 giờ trưa. Những ai khất thực kéo dài sau 12 giờ trưa đến chiều tối đều phi pháp, là “sư giả”.

Hành vi của hành giả khất thực đúng pháp luôn đoan chánh, tuân thủ các oai nghi của người xuất gia như: Bước đi khoan thai, từ tốn; không nhìn ngang liếc dọc, chỉ nhìn xuống đất; không mở lời xin xỏ bất cứ điều gì; không đánh chuông, gõ mõ hay tụng kinh ồn ào để gây sự chú ý; tuyệt đối không bước vào nhà thí chủ, chỉ đứng ngoài cổng (đợi một lát nếu không được bố thí thì lập tức phải bước đi nhà khác)...

Dựa vào những tiêu chuẩn cơ bản về một hành giả khất thực đúng Chánh pháp như chúng tôi đã trình bày, các bạn sẽ dễ dàng nhận diện ra vị “sư giả” và báo ngay cho các cơ quan chức năng địa phương để xử lý.

Hiện nay, loạn “sư giả” không chỉ hoạt động ở lĩnh vực khất thực mà còn lộng hành hơn trong các lĩnh vực khác như lạc quyên, vận động (xây chùa, nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ bão lụt…) và bán hương với giá cực đắt (với lời biện hộ là để ủng hộ chùa). Đa phần, các “sư giả” chuyên lạc quyên và bán hương đèn này lại mặc y phục chư Tăng Ni hệ phái Bắc tông. Họ sục sạo khắp các hang cùng ngõ hẻm từ thành thị cho đến nông thôn, bấm chuông kêu cửa xông vào tận nhà miễn cưỡng chào mời mua bán, gây phiền phức cho không ít người…

Tất cả những hoạt động này của các “sư giả” ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Tăng Ni và Phật giáo nói chung, làm tổn thương niềm tin của hàng Phật tử. Vì thế, để bảo vệ Chánh pháp và giữ gìn trật tự an ninh xã hội, tất cả chúng ta cần chung sức và kiên quyết dẹp trừ tệ nạn này.

Chúc các bạn vững tin!

TỔ TƯ VẤN

___________

(*) Bài này đăng trên trang Tư vấn - Báo Giác Ngộ năm 2008

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.