Động chùa Tiên (Lạc Thủy, Hòa Bình) không chỉ khiến du khách ngạc nhiên trước hàng trăm khối thạch nhũ tuổi đời ngót nghìn năm, mà còn là nơi để trút bỏ những muộn phiền, hướng về tổ tiên.
Quần thể di tích thắng cảnh chùa Tiên (Lạc Thủy, Hòa Bình) gồm một hệ thống hang động bố trí rải rác dọc hai dãy núi Tùng Xê và Hương Tích. Cụm di tích này nằm trong số các dãy núi đá vôi liên hoàn từ Tây bắc xuống Ninh Bình. Cụm di tích chùa Tiên có khoảng hơn 20 động lớn nhỏ khác nhau, trong đó phải kể đến các động Tam Tòa, Thủy Tiên, Cung Tiên, Hoàng Mười… Mỗi động đều đem đến cho du khách sự ngạc nhiên trước bàn tay sáng tạo “muôn hình vạn trạng” của tạo hóa.
Chùa Tiên tựa mình vào sườn núi
Để lên đến động Tam Tòa, du khách phải vượt qua gần 800 bậc đá trên một quãng đường dài gần nửa cây số nhưng "đến chùa Tiên mà chưa tới Tam Tòa thì coi như chỉ biết tới một nửa vẻ đẹp của quần thể danh thắng này".
Mỗi khối thạch nhũ trong động Tam Tòa là một câu chuyện lý thú khơi gợi trí tưởng tượng của du khách: Phật bà trăm tay, cây vàng, cây bạc, lô nhang xạ nhiệt, cánh chim Phượng hoàng... Thạch nhũ khi trông như một dòng thác bạc chảy dài từ trần hang đổ xuống, khi uốn lượn mềm mại như giấy lụa.
Tháp thạch nhũ xếp tầng tầng lớp lớp
Công trình kiến tạo hàng vạn năm của tạo hóa
Động Thủy Tiên uốn lượng theo triền núi Tùng Xê với nhiều trầm tích còn nguyên bản có thạch nhũ trông như quả đào tiên, bọc trăm trứng lại có thạch nhũ tựa như tượng đài mẹ bồng con và khi bạn lấy tay gõ vào đá sẽ nghe lanh lảnh như tiếng chuông. Những hạt cát óng ánh trên những khối thạch nhũ cùng với những giọt nước tí tách rơi vẫn đang tiếp tục công trình kiến tạo của tự nhiên.
Thạch nhũ có hình quả đào tiên
Bọc trăm trứng
Phía trước động Thủy Tiên là một thung lũng rộng có tên là Thung Tình Yêu. Tương truyền rằng đây chính là nơi mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân gặp nhau. Người ta kể rằng, lời tỏ tình yêu đương ở thung lũng này rất linh nghiệm. Ai thề nguyền ở đây thì tình yêu lứa đôi sẽ thuỷ chung bền chặt cùng năm tháng.
Toàn cảnh Phú Lão nhìn từ động Tam Tòa với những dãy đồi bát úp lô nhô
Du khách đến tham quan chùa Tiên không chỉ để chiêm ngưỡng những kỳ công sáng tạo của đá, của nước mà còn để cảm nhận những giá trị văn hóa lịch sử, trở về với cội nguồn, tìm về cõi tâm linh hướng thiện. Hầu hết các hang động đều có bàn thờ Phật, thờ Mẫu ẩn hiện dưới mái vòm hang động làm tăng thêm sự linh thiêng, thư thái cho du khách.
Quán Trình là nơi thờ ba vị đức ông khai sinh ra đất Mường Lão. Tương truyền, ngày xưa có ba anh em họ Đào tên Tấn, Minh, Ngọc là người khai thiên lập địa nên vùng đất này. Khi ba ông mất, mối lấp gần thi hài chỉ để lộ ra 6 bàn chân. Thấy sự tích linh thiêng, dân trong vùng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao khai phá và tôn các ông là Thành hoàng làng.
Trước mỗi cửa động đều có bàn thờ Phật
Ngoài ra du khách còn có thể đến suối động Giải Oan để trút bỏ những nặng nề, ưu phiền trong lòng bấy lâu. Thắp hương cầu tài, cầu lộc nơi suối vàng, bạc. Bày tỏ sự hiếu thuận, công ơn sinh thành dưỡng dục với cha mẹ, tổ tiên ở Đền Mẫu Âu Cơ.
Lễ hội chùa Tiên được tổ chức từ mồng 4 Tết Nguyên đán hằng năm. Đến khu danh thắng đúng ngày mở hội, du khách còn có dịp chứng kiến các lễ nghi khai hội độc đáo của người dân địa phương cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, làng xóm đầm ấm, yên vui.
Thông tin thêm:
- Hiện nay giá vé trọn gói cho tour Hà Nội – Chùa Tiên – Động Phú Lão trong một ngày có giá khoảng 250 - 280.000 đồng/du khách.
- Quần thể di tích Chùa Tiên nằm cách thành phố Hòa Bình 80km và trung tâm Hà Nội khoảng 80km, cách thắng cảnh Hương Sơn 5km. Từ Hà Nội, du khách có thể đi theo Quốc lộ 6 tới Xuân Mai rồi theo đường Hồ Chí Minh, du khách sẽ đặt chân tới thắng cảnh này.
|