Khuyết tật không phải là bất hạnh

Em Thanh Thùy (bìa phải) trong một tiết học thêu
Em Thanh Thùy (bìa phải) trong một tiết học thêu
Giác Ngộ - Trường Nuôi Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp hiện nuôi dạy 180 em thuộc ba cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Học sinh là trẻ em nghèo bị các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, câm điếc, khiếm thính nhưng có thể tự lo sinh hoạt cá nhân.

Buổi sáng, các em học văn hóa, chiều học nghề. Nghề nghiệp nhà trường dạy khá phong phú bao gồm các nghề làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh ghép gỗ, tranh thêu, thảm dệt, may vá, xỏ chuỗi...

Sự cảm thông, tận tụy của thầy cô giáo nơi đây giúp các em từng bước chọn được nghề đúng sở trường, kỹ năng lao động ngày càng tinh xảo. Nhất là các nghề cưa lọng khắc gỗ, tranh ghép gỗ, tranh thêu. Vài em trong đội chuyên thêu của trường đạt danh hiệu học sinh giỏi cuộc thi khéo tay kỹ thuật do Sở Giáo dục Đào tạo tổ chức hàng năm như em Nguyễn Thị Thanh Thùy, học lớp 5/1. Em Thùy quê xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, nhà nghèo, năm anh em phải nghỉ học sớm đi làm thuê, cha mẹ em bán vé số. Em bị câm điếc bẩm sinh. Hơn 10 năm chăm chỉ học tập, tranh thêu của em rất ấn tượng, sắc sảo, từng được khách nước ngoài và Việt kiều chọn mua. Sản phẩm bán được, em được trả công 30% giá thành, số còn lại được sung vào công quỹ để mua vật liệu cho các em học nghề, tái sản xuất. Vui mừng vì con mình "tàn nhưng không phế ", cha em còm lưng đạp xe hơn 20 cây số đến trường đón con vào mỗi chiều cuối tuần. Hiện nay, Thùy cũng đang học dệt thảm từ vải vụn do Sở Lao động TB và Xã hội tỉnh tài trợ mở lớp. Cô Nguyễn Thị Như Mai, hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, trường cũng đề nghị cho em được nhận học bổng của Câu Lạc bộ Người khuyết tật thành phố Cần Thơ nhân dịp kỷ niệm Ngày Bảo vệ và Chăm sóc người tàn tật VN 18-4 năm nay.

Cùng hoàn cảnh như Thùy, em Nguyễn Hữu Thọ, học lớp 3A. Quê ở vùng sâu huyện Thanh Bình, ba mẹ quanh năm làm thuê cuốc mướn. Với nghề cưa lọng, làm mộc ở trường, nghỉ hè em về quê làm thuê cho các cơ sở gỗ kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tâm sự với thầy giáo chủ nhiệm Huỳnh Minh Phi bằng thủ ngữ với cử chỉ ngô nghê chân thành, em ước mơ sau này có vốn để làm gỗ mưu sinh vì các cơ sở gỗ ở địa phương thiếu máy móc sản xuất. Thành quả chắt chiu của nhà trường là một số em ra trường đã có việc làm và có thể tự lực mưu sinh như em Quốc Sơn ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, em Trọng Tín ở huyện Cao Lãnh. Hai em vừa học xong lớp 9, ra trường được chủ cơ sở mộc gia dụng nhận vào làm công đoạn chà láng, sơn phơi, tiền công 55.000đ/ngày, được tá túc tại chỗ làm, hai em tự chi tiêu ăn uống và các khoản sinh hoạt phí, dành dụm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Cô Lê Thị Xuân Nương, giáo viên ở trường cho biết, một số em ra trường cũng được Cơ sở tư nhân Út Điện (cơ sở ở thị xã Sa-Đéc) nhận vào làm. Thực tế, nhà trường muốn giữ lại những học sinh giỏi cộng tác với trường, nhưng không đủ điều kiện đảm bảo thu nhập chính đáng cho các em. Bởi chức năng nhà trường chỉ dừng lại ở việc dạy nghề, sản phẩm được sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ dạng hàng nằm, việc quảng bá rộng rãi để đẩy mạnh "đầu ra" bị bỏ ngõ. Số lượng hàng tiêu thụ hàng năm chủ yếu chỉ nhờ các dịp hội chợ hoặc trưng bày quảng bá dịp kỷ niệm 18-4. Vì vậy, bên cạnh các nghề đang học, nhà trường cố gắng tìm kiếm các cơ sở cho nhận gia công cắt chỉ quần áo, làm bao thư, hoa vải, hộp gói quà... cho các em kiếm tiền quà bánh.

Nhìn các em nô đùa, quấn quít bên bạn bè thầy cô giáo trong mái nhà sư phạm đầm ấm, nét ngây thơ xóa đi niềm bất hạnh. Chúng tôi thấy tình người như chắp cánh. Ở đây, khuyết tật không phải là bất hạnh bởi tất cả tình thương và trách nhiệm đã được thầy cô dành cho những học trò đặc biệt của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.