Khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo

GN - Trong báo cáo tổng kết năm 2015 của Ban Thông tin-Truyền thông Trung ương GHPGVN có đề cập đến vấn đề “xử lý khủng hoảng truyền thông”. Theo đó, báo cáo xác nhận trong thời gian qua có “nhiều sự kiện khủng hoảng liên quan đến cơ sở tự viện, Tăng Ni được đăng tải trên các nhật báo, báo điện tử, hoặc phát sóng trên các kênh truyền hình”…

anhmhoa.jpg
“Khủng hoảng truyền thông” liên quan tới Tăng Ni, cơ sở tự viện đã được báo chí chính thống khai thác, rồi sau đó lan truyền và trở thành thông tin “nóng” trên các mạng xã hội... (Ảnh minh họa)

Thật không quá khó để thấy rằng, trong khoảng gần hai năm nay, số lượng thông tin không tốt liên quan tới đời sống người tu sĩ Phật giáo xuất hiện trên các kênh thông tin, cả báo chí chính thống cũng như các trang mạng xã hội với tần suất dày hơn so với trước đó rất nhiều lần.

Như báo Giác Ngộ đã từng đề cập trong các bài viết liên quan, với sự phát triển của internet, sự phổ biến của các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại thông minh cùng các tiện ích viễn thông khác, bất cứ ai cũng có thể đăng tải thông tin theo cách của mình một cách nhanh chóng, ít chịu các ràng buộc về trách nhiệm pháp luật.

Như báo cáo đã đề cập, “khủng hoảng truyền thông” liên quan tới Tăng Ni, cơ sở tự viện đã được báo chí chính thống khai thác, rồi sau đó lan truyền và trở thành thông tin “nóng” trên các mạng xã hội, được gia giảm bằng các bình luận một cách cảm quan của người đọc, thêm thắt tình tiết nhằm tạo sự tò mò thường được gọi là “câu view”, “giật gân”, đó là chưa kể sự ác ý đối với Phật giáo. Những thông tin kiểu đó được khai thác đi, khai thác lại khiến cho nhiều người tưởng là “tin mới”, “sự cố mới”, có số lượng người đọc, xem rất lớn; và tất nhiên, ảnh hưởng của nó là không hề nhỏ tới hình ảnh của Giáo hội và Phật giáo nói chung.

Cách “xử lý khủng hoảng” không chỉ là trách nhiệm của Ban Thông tin-Truyền thông Trung ương cũng như các tỉnh, thành, quận, huyện, mà phải nói là của cả Giáo hội.

Tại sao có sự khủng hoảng như vậy? Phải chăng đó là một trong những dấu hiệu của hiện tượng suy thoái đạo đức? Vấn đề này thiết nghĩ nên được đặt ra trong các chương trình nghị sự quan trọng của Giáo hội.

Phương thức xử lý được nêu ra trong báo cáo của Ban Thông tin-Truyền thông Trung ương đã làm trong thời gian qua dù sao cũng chỉ là những phản ứng bị động, từ bên ngoài, mang tính đối phó tạm thời. Vấn đề cốt lõi là sự xử lý khủng hoảng từ bên trong, chỉnh đốn đời sống của người xuất gia và sinh hoạt của cơ sở tự viện phù hợp với bối cảnh xã hội mới. Cần có sự tìm hiểu những chuyển biến, thay đổi của xã hội đã tác động như thế nào đến đời sống của Tăng Ni, để từ đó có những điều chỉnh trong tinh thần duyên sinh nhằm giữ gìn đặc tính thanh tịnh của đoàn thể xuất gia. Bởi Tăng Ni là hình ảnh biểu hiện sống động của Tăng bảo. Giữ gìn sự thanh tịnh của Tăng bảo là trách nhiệm của Giáo hội, đó cũng là cách hộ trì Chánh pháp, làm cho Phật giáo hưng thịnh tại thế gian.
Hoàng Độ

* Bạn đọc có ý kiến gì thêm về vấn đề này, có thể gửi bài viết hoặc phản hồi, đóng góp về Báo Giác Ngộ, email: toasoan@giacngo.vn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.