GN - Chưa bao giờ dải đất miền Trung rơi vào thảm họa như mấy ngày hôm nay. Do áp thấp nhiệt đới và biến đổi khí hậu, 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình bị mưa lũ gây thiệt hại nặng nề. Tính đến ngày 18-10, đã có 35 người chết, 9 người mất tích, trong đó Quảng Bình thiệt hại nặng nhất về sinh mạng với 22 người chết, 7 mất tích và 13 người bị thương.
Giữa tháng 10 qua, người dân Bắc Trung bộ oằn mình trong lũ dữ
Toàn bộ 3 tỉnh có trên 120.000 ngôi nhà bị ngập, có nơi ngập lút mái nhà. Trên 10.000ha hoa màu bị hư hại, hệ thống giao thông tê liệt, thủy lợi và đầm hồ thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh như vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã cho xả tràn hồ Kẻ Gỗ (đập chính và 10 đập phụ) chứa hơn 300 triệu m3 nước. Để dễ so sánh, ta cứ hình dung đập hồ Thủy điện Dầu Tiếng (Tây Ninh) có trữ lượng 1.580 triệu m3 nước. Nếu xả lũ 400m3/giây, thì nhiều nơi ở TP.Hồ Chí Minh bị ngập nặng. Nếu đập vỡ, nước xả sẽ lên 25.500m3/giây và huyện Củ Chi sẽ ngập trên 10m, TP.Hồ Chí Minh ngập trên 2m.
Như vậy với hơn 300 triệu m3 nước của hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên là địa phương hứng chịu toàn bộ thiệt hại do nước từ hồ xả ra cộng với nước lũ từ mấy ngày trước đó, tạo nên một cảnh ngập kinh khủng. Nhà máy thủy điện Hố Hô cũng đã cho xả lũ khiến mực nước tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) dâng cao trở lại, người dân vô cùng khốn đốn.
Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ Công thương, Tài nguyên-Môi trường… là phải kiểm tra các đập thủy điện đã xả lũ để xem trách nhiệm thuộc về ai, từ đó có biện pháp xử lý cụ thể. Bên cạnh bão lũ, vấn đề còn lại quan trọng không kém, đó là vệ sinh môi trường, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bà con vùng bão lũ rất cần cơ số thuốc men, lương thực, nhu yếu phẩm và hóa chất để làm sạch môi trường ô nhiễm.
Nếu như ô nhiễm môi trường chúng ta còn có cách khắc phục thì biến đổi khí hậu chúng ta chỉ có thích ứng với nó, có nghĩa là phải sống chung. Và, điều này đang xảy tại các tỉnh miền Trung. Tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương thì có mưa ngập và triều cường. Bây giờ hiện tượng hễ mưa xuống là ngập không chỉ xảy ra ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác nữa. Nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thái độ của con người đối với các tài nguyên đang bị khai phá triệt để như: xây dự án gây ô nhiễm, phá rừng, khai thác đá khoáng sản…. Bên cạnh hiện tượng trái đất nóng dần lên, đảo lộn tầng sinh thái khí quyển và tạo ra những hiện tượng thiên tai khủng khiếp.
Trong khi 3 tỉnh miền Trung chưa kịp hồi sức thì chúng ta gần như nghẹt thở khi biết rằng cơn bão Sarika vào ngày 19-10 sẽ đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc và theo sau đó là “siêu bão” Haima tiếp tục tràn tới. Cơn bão sau mạnh hơn cơn bão trước. Bà con mình sẽ ra sao khi liên tục hứng chịu nhiều cơn bão lớn như vậy?
Nhà cửa, tài sản..., trong một sớm một chiều đã tan theo dòng nước lũ khắc nghiệt. Hình ảnh trên mạng cho thấy đầu một con bò ló lên khỏi mặt nước gây ra nhiều xúc động trong cư dân. Đó là chưa kể đến sau khi nước rút, bà con mình sẽ ra sao trong khi cái đói, cái khát đang chờ chực.
Người viết cảm thấy nhói lòng khi những thiên tai liên tục đổ ập xuống bà con mình, mà không chỉ thiên tai, trong đó còn có một phần lớn do chính con người tạo ra và bây giờ số đông phải oằn lưng hứng chịu.
>> Nhiều bạn đọc đến Giác Ngộ ủng hộ bà con vùng lũ ||