“Không gì ngoài tình yêu thương”

GN - Đó là thông điệp được đúc kết từ hội thảo khoa học “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay” vừa được Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.Hồ Chí Minh tổ chức (ngày 8-6), thu hút sự quan tâm của hơn 200 nhà giáo tâm huyết, những người làm công tác giáo dục và các em học sinh ở 26 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những tổn thương, vì đâu nên nỗi?

Các nhà làm công tác giáo dục đến với hội thảo đều có điểm chung là lắng nghe chia sẻ về những vấn đề nhức nhối trước vấn nạn “bạo lực học đường”, các em học sinh bày tỏ nguyện vọng về người thầy của mình. Hội thảo cùng nhau tìm đáp án: làm sao bồi dưỡng đạo đức nghề giáo trong bối cảnh hiện nay, làm sao để các em đến trường đều hạnh phúc…

giaoduc.1.jpg

Bồi dưỡng đạo đức nghề giáo - chủ đề đang được rất nhiều nhà giáo quan tâm - Ảnh: K.V

Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà giáo luôn dành được sự tôn trọng, vì người thầy cô luôn là một hình mẫu về đạo đức, trí tuệ, nhân cách gắn liền với một sứ mạng cao cả được xã hội gửi gắm niềm tin. Phẩm chất đạo đức của nhà giáo không chỉ góp phần quyết định chất lượng, kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo mà còn tác động đến sự phát triển toàn diện của các thế hệ học sinh.

Tuy nhiên, trong thực tế và thời gian gần đây, ngành giáo dục đã xảy ra trường hợp một bộ phận nhà giáo vi phạm đạo đức nghề.

“Hiện tượng” một cô giáo có thể ra lệnh cho cả lớp tát vào bạn 231 cái, hay ném thước bảng vào học trò… Khi không còn làm chủ được cảm xúc và sự bình tĩnh, người ta sẽ làm gì trước những đứa trẻ cá tính đặc biệt, cũng đang lên cơn căng thẳng thần kinh, không ai có thể lường hết mọi hậu quả có thể xảy ra. Nhà giáo Võ Diệu Thanh, Trường Tiểu học B Chợ Vàm, Phú Tân (An Giang) đã nói lên thực trạng về một bộ phận các thầy cô thiếu kiểm soát trong cơn giận, như thế.

Nhà giáo Võ Diệu Thanh trải lòng, giáo viên tiếp nhận những học trò cá biệt, nhiều tổn thương tinh thần, đó là một thử thách. Giáo viên áp lực, dạy làm sao để các em nắm được cái chuẩn của kiến thức, trong khi đó tâm lý các em không được ổn định thì các em không thể tiếp nhận. Giáo viên thì cảm thấy rất căng thẳng, mất kiểm soát dẫn đến các em không hợp tác. Phần đông sẽ nghĩ, dùng bạo lực để trị, để đứa trẻ khiếp sợ mà quy phục. Nhưng không, biện pháp đó chỉ càng làm cho các em thêm tổn thương, dễ dàng dẫn đến cả thầy và trò không có lối thoát.

Đó có lẽ là lý do vì sao giáo viên khi tiếp nhận học sinh đều muốn chọn những đứa trẻ có hoàn cảnh bình thường. Nhưng lượng trẻ có hoàn cảnh bình thường bây giờ rất ít. “Ví dụ ở địa phương tôi, những đứa trẻ vào lớp 1, khoảng 80% các em có hoàn cảnh bất thường, tức là cha mẹ không ở gần hoặc cha mẹ cứ bận bịu suốt ngày, gửi đứa trẻ cho nhà trường, giao phó tất cả cho giáo viên”, nhà giáo Diệu Thanh cho biết. Vậy đâu là “chìa khóa” để người thầy có thể mở lòng, cảm hóa được các em?

Chuyển hóa bằng yêu thương

Người giáo viên cần hoàn thiện bản thân mình, trong quá trình dạy phải tìm hiểu các em thật kỹ, đó là điều tất yếu. Nhưng trên hết, những đứa trẻ cá biệt phải được đón nhận bằng cách đặc biệt. “Tách học sinh đó ra khỏi đám đông để thầy trò bình tâm hơn. Ở một mình với thầy cô, một dạy một, học sinh đó sẽ cảm nhận sự tĩnh lặng cần thiết để hồi tĩnh, để suy ngẫm.

Việc quan tâm bằng tấm lòng, sự yêu thương vô điều kiện, ví như hỏi và lắng nghe chúng, kể về thời học sinh va vấp của chính thầy cô… thiết nghĩ sẽ là phương pháp hữu hiệu để cảm hóa, để bóc lớp vỏ xù xì ở bên ngoài và đi vào trong tâm hồn trong trẻo, hướng thiện và cũng dễ tổn thương của chúng. Người giáo viên hãy xử lý ngay khi ‘hạt giống’ lỗi lầm còn nằm trong tầm tay, khi người giáo viên còn tỉnh táo và giàu có từ tâm”, với kinh nghiệm trong việc giáo dục những đứa học trò cá biệt, nhà giáo Võ Diệu Thanh chia sẻ.

giaoduc.2.jpg

Em Lương Hoàng Gia Phương bày tỏ cảm nghĩ - Ảnh: Nguyễn Phước

Làm sao bồi dưỡng được đạo đức nghề giáo trong bối cảnh hiện nay? PGS.TS Trần Thị Mai Phương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người với hơn 40 năm trong nghề cũng nêu quan điểm, không gì khác hơn là tình thương.

“Đối với một nhà giáo dục, điều chủ yếu là tình người. Mầm mống của hứng thú sư phạm được nảy nở từ những hoạt động sáng tạo đầy tình người của nhà giáo với mong muốn tạo ra hạnh phúc cho người học. Khi tạo ra niềm vui cho người khác, cho học trò, nhà giáo có được tài sản vô giá, đó là tình người mà tập trung là sự nhiệt tâm, thái độ ân cần, chu đáo và lòng vị tha”, PGS.TS Trần Thị Mai Phương trải lòng.

Không phải ngẫu nhiên người đời có sự gửi gắm, nếu xã hội ngoài kia là nơi đáng sợ, gia đình chẳng may không phải là nơi che chắn bình yên thì nhà trường chính là nơi hạnh phúc nhất, và người thầy chính là nơi ấm áp nhất, đáng tin cậy nhất của các em học sinh. Như lời em Lương Hoàng Gia Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP.HCM) bày tỏ, đi học, điều em cần là mong được thầy cô hiểu, yêu thương và giúp em cảm nhận được niềm hạnh phúc khi đến trường.

Gia Phương lý giải: “Về kiến thức, các em có thể học từ nhiều nguồn chứ không chỉ học từ thầy, nhưng yêu thương và dẫn dắt thì thầy vẫn là quan trọng nhất”.   

Không thể không đau lòng, lo lắng khi chứng kiến những sai lầm, những hành vi vi phạm đạo đức của một số giáo viên trong thời gian vừa qua. Nhưng khi được lắng nghe các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo cùng chia sẻ những vấn đề đầy tâm huyết, suy tư, trăn trở như trên, người viết tin tưởng, những thách thức rồi cũng sẽ từng bước được chuyển hóa.

Vẫn còn đó hàng triệu những nhà giáo đã và đang lặng lẽ hy sinh thầm lặng để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Trên dải đất hình chữ S, từ thành thị đến nông thôn, từ những ngôi trường cheo leo trên những triền núi cao xa xôi của miền Tây Bắc đến những lớp học đơn sơ dưới những tán dừa giữa bưng biền Nam Bộ, từ những lớp học giữa đại ngàn Trường Sơn cho đến những ngôi trường bên muôn trùng sóng gió ở Trường Sa,… Ở những nơi đó, biết bao thầy giáo, cô giáo đã và đang nhận về mình những thiệt thòi, đánh đổi tuổi thanh xuân, để mang tri thức và tình yêu thương đến thắp sáng tương lai cho lớp lớp các thế hệ học trò.

“Để nâng cao đạo đức cho đội ngũ nhà giáo đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cùng với sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Nhưng trước hết, bản thân mỗi nhà giáo phải tự ý thức được vị trí, vai trò, sứ mệnh cao cả của mình”, PGS.TS Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.