Không có lý do cho sự tùy tiện với ảnh tượng tôn giáo

GN - Đó là lời khẳng định mạnh mẽ của chư vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN trong cuộc trao đổi mới đây với Báo Giác Ngộ về thực trạng trưng bày và ứng dụng hình ảnh, tranh tượng Phật giáo một cách tùy tiện nơi công cộng, được phản ánh suốt thời gian vừa qua.

HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN đã có ý kiến trước thực trạng này. Hòa thượng cho biết: 


HT Giác ToànX.jpg

HT.Thích Giác Toàn

- Có thể thấy, những năm trở lại đây, Phật giáo với tinh thần hòa hợp và đề cao lòng từ bi, đang ngày càng thu hút nhiều tín đồ cả ở các nước phương Tây, trở thành một trong các tôn giáo phổ biến nhất trên thế giới. Đây được xem như một thành quả rõ nét cho quá trình nhập thế của Phật giáo, giúp lan tỏa tinh thần và triết lý nhà Phật vượt ra khỏi khuôn khổ chùa chiền và hòa nhập vào đời sống cộng đồng nhiều hơn. 

Quá trình nhập thế của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là cần thiết và tất yếu, vì những giá trị tốt đẹp mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống tinh thần của con người. Đời sống tinh thần đi lên, thì con người mới có động lực, nền tảng vững chắc để phát triển đất nước. Nhưng quá trình nhập thế cần đi như thế nào để người ta nhận thức được tinh thần tôn giáo đó mang lại, mà không khinh suất với tôn giáo ấy, mới là điều cần lưu ý. Và dĩ nhiên, đây là trách nhiệm của mỗi ban ngành Giáo hội nói chung và từng ngôi chùa nói riêng, trong vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn và định hướng cho Phật tử của mình, một vấn đề Giáo hội cần và luôn hết sức cân nhắc trong mỗi nhiệm kỳ. 

Nói về việc định hướng cho Phật tử, vậy đối với các trường hợp đơn vị kinh doanh không phải là tín đồ Phật giáo, hoặc người không tôn giáo, họ cho rằng sự ứng dụng tranh, ảnh, tượng Phật giáo như là một tác phẩm nghệ thuật, dẫn đến sự tùy tiện, liệu Giáo hội có thể can thiệp không, thưa Hòa thượng? 

- Tôn giáo là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội. Mỗi tôn giáo đều có những quy định riêng và được pháp luật tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Mỗi người dù ở bất kỳ tôn giáo nào, thậm chí không tôn giáo, cũng đều cần có sự tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo lẫn nhau, mà cụ thể ở đây là vị giáo chủ của tôn giáo đó, như Phật giáo thì có Đức Phật và chư vị Bồ-tát, La-hán... Đó là yếu tố tiên quyết, nên không thể vì ý thích chủ quan cá nhân, hoặc không tôn giáo hay tôn giáo khác, mà sử dụng các hình tượng liên quan tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, một cách tùy tiện được.  

Đối với các trường hợp này, cần nhất là tuyên truyền, hướng dẫn từ phía đại diện Giáo hội, để họ có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về tôn giáo, từ đó có sự tôn trọng đối với tất cả tôn giáo cũng như cộng đồng của tôn giáo đó. Trước đây cũng đã có một số trường hợp tương tự, sau khi được thông tin và nhắc nhở từ Giáo hội, thông qua báo chí, những đơn vị này đều có sự chuyển biến tích cực. Như vậy, cần nhất vẫn là sự hướng dẫn từ chính các cơ quan đại diện Giáo hội, gần nhất là các BTS tại các địa phương có xảy ra thực trạng này.

GN980 (3 of 3).jpg

Cảnh tượng một cơ sở giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ điêu khắc đá - Ảnh: G.Hảo

Thưa Hòa thượng, nhiều cơ sở kinh doanh tượng tôn giáo cho rằng, việc trưng bày tượng Phật trên các vỉa hè cũng góp phần giúp cho mọi người có dịp chiêm ngưỡng tôn tượng của Ngài. Hòa thượng nghĩ sao về ý kiến này? 

- Việc trưng bày lộ thiên các tôn tượng như vậy, không thể nói là hình thức phục vụ cộng đồng và đưa hình tượng chư Phật, Bồ-tát, La-hán… đến gần hơn với mọi người được. Cần nhìn nhận rằng việc làm này chỉ nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh. Vì sao lại nói như vậy? 

Chúng ta có thể thấy, rất nhiều ngôi chùa có tượng Phật cao lộ thiên, với tường rào thấp, dễ dàng nhìn thấy từ rất xa bên ngoài, nên người đi đường qua lại vẫn có thể chiêm ngưỡng mà không cần vào chùa. Thêm nữa, nếu đã vì mục đích lan tỏa cộng đồng, cách bài trí tượng sẽ được chú trọng hơn, đặt để tôn nghiêm hơn, ngay cả đối với các tượng lỗi cũng vậy. Tuy nhiên, trên thực tế là một hiện trạng hết sức ngổn ngang, hoặc tượng Phật bị để lẫn lộn giữa các tượng nghệ thuật, có cả tượng khỏa thân khác, hoặc bị đặt để ở những nơi gần nhà vệ sinh, chỗ phơi áo quần, như báo chí đã thông tin. 

Tượng tôn giáo nói chung là một trong những hình thức thể hiện hình tượng vị giáo chủ được tôn thờ của tôn giáo đó. Xét trên bất cứ phương diện nào, cũng cần phải được trân trọng, không thể nói là tượng chưa vào chùa, chưa được quý Tăng Ni tụng niệm, thì không phải tượng tôn giáo được. 

Không giống như trường hợp ứng dụng trong trang trí, có thể dễ dàng tháo dỡ hay di chuyển, tượng Phật giáo được các đơn vị kinh doanh bày bán trên vỉa hè hiện nay, có trọng lượng lớn và thường rất to, cao, khó tìm thấy diện tích thích hợp. Liệu có giải pháp nào để hạn chế việc trưng bày tùy tiện, lấn chiếm vỉa hè như vậy không, thưa Hòa thượng? 

- Hiện nay, chúng ta đang dần hội nhập với thời đại công nghệ 4.0. Theo đó, Nhà nước có những định hướng của mình về một xã hội tiên tiến với các công nghệ hiện đại, thông minh và văn minh. Nói như vậy để mong, từ phía Nhà nước, cụ thể là Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch nên có những hướng dẫn, định hướng cụ thể để di dời những mô hình kinh doanh như thế này, quy hoạch họ thành những khu kinh doanh quy tụ cụ thể. Làm như vậy, vừa tạo thành điểm nhấn cho thành phố về một khu công nghiệp chuyên tạc tượng, dễ dàng phục vụ cho du lịch, thuận tiện cho mua bán kinh doanh, mặt khác cũng đảm bảo tính thẩm mỹ cho đô thị và giúp nâng cao ý thức cho người dân, không chỉ về tôn giáo. 

Thiết nghĩ, trước khi quy hoạch bất cứ vấn đề gì, trước nhất cần nghĩ đến vấn đề văn hóa, bởi văn hóa là sự phản ánh rõ nét nhất bộ mặt của một quốc gia. Sẽ như thế nào, nếu chúng ta bước vào một đất nước, nơi Phật giáo có lịch sử hàng ngàn năm, bên cạnh đó, Thiên Chúa giáo cũng là một trong những tôn giáo lớn, song, các tôn tượng của những vị giáo chủ này lại bị bày bán tràn lan, đặt để thiếu tôn nghiêm lăn lóc ngay trên vỉa hè của các tuyến đường? Như tôi đã từng chia sẻ rất nhiều trước đây, tất cả những vấn đề liên quan văn hóa - tôn giáo, cần hơn hết những cái bắt tay thiện chí của cả chính quyền và Giáo hội, để cùng tạo nên một nhận thức đúng đắn cho tín đồ nói riêng và người dân nói chung, cũng là để tạo nên một xã hội thật sự văn minh, hiện đại. 

Chân thành cảm ơn Hòa thượng. 

“Mỗi chúng ta đều có quyền tự do tín ngưỡng của mình, cảm tình hoặc không cảm tình với một tôn giáo nào đó, tuy nhiên, chúng ta phải tôn trọng những gì thuộc về tôn giáo ấy với lịch sử ghi dấu từ hàng ngàn năm. Không thể sử dụng quan điểm cá nhân để áp đặt vào truyền thống của một tôn giáo, với bất cứ lý do gì. Đối với trường hợp sử dụng hình ảnh Phật giáo trong trang trí, cần có những tiếp xúc và hướng dẫn cụ thể với các đơn vị kinh doanh. Đôi khi do họ thiếu kiến thức về trang trí hoặc nghệ thuật một cách quá đà, nên dẫn đến sự phản cảm, thì BTS tại địa phương cần góp ý cụ thể và nhanh chóng, tránh để sự việc dây dưa lâu, gây bức xúc cho giới Phật tử, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Phật giáo”. 

HT.Thích Huệ Thông 
Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh VP II TƯGH 

“Hiện nay, trước thông tin về một số nhà hàng chay đang sử dụng đầu tượng Phật để trang trí một cách phản cảm, chúng tôi đã có liên hệ và trong thời gian sớm nhất tới đây, sẽ có những trao đổi trên tinh thần thiện chí, để họ tháo dỡ hoặc có những cách khắc phục tốt hơn, tránh gây phản cảm như báo chí thông tin”. 

TT.Thích Thọ Lạc 
Q.Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.