Chùa vẫn đang tiếp tục xây dựng, cổng tam quan, chánh điện và bảo tháp thờ xá lợi Phật đã xây xong. Một cuộc phỏng vấn với thầy trụ trì - Đại đức Thích Tâm Mãn về những chuyện về đạo, đời và dĩ nhiên cả về một số vấn đề nóng của Phật giáo VN như chuyện rước xá lợi, việc hoà nhập tín ngưỡng bản địa vào Phật giáo...
Đi tu từ năm 6 tuổi, thầy Thích Tâm Mãn tu “Tịnh độ tông” lấy niệm Phật là chính, khác với dòng “Thiền tông” lấy ngồi thiền là chủ đạo.
Thưa thầy, 6 tuổi đã đi tu, sau khoảng 30 năm tu tập, có gì là lớn nhất thay đổi trong suy nghĩ của thầy?
- Không có gì thay đổi nhiều lắm. Chỉ là ngày càng thấm thía chữ an lạc thôi.
Thưa thầy, khi vào đây các chú tiểu đã ngăn không cho khách chụp ảnh, cũng thấy nhiều biển báo “Quý khách hoan hỉ dừng bước”. Cửa chùa là rộng mở cho khách, không lẽ vẫn có những vùng cấm địa?
- Cổng chùa có bao giờ đóng đâu. Nhưng khách không thể tự ý vào mật thất được. Nhà chùa không phải là nơi chỉ để tham quan mà còn là nơi tu tập. Chùa có những khu vực riêng tư, thanh tịnh. Ví như phòng ngủ của các thầy, sao có thể mở thông thống, để ai cũng có thể ngó vào.
Thầy có dùng điện thoại di động, có xem Internet, còn các chú tiểu thì sao?
- Tôi có dùng điện thoại di động nhưng nhiều khi 3-4 hôm không xem. Điện thoại nhà chùa không có. Các chú tiểu không được dùng điện thoại. Thật ra, không có gì là nhất thiết phải như vậy, nhưng mà tôi thích vậy!
Ảnh hưởng trong phong thái, cách xử sự của một vị sư trụ trì đối với các tăng, ni trong một ngôi chùa như thế nào? (tôi hỏi vậy vì phía sau lưng tôi luôn có một chú tiểu đứng im khoanh tay như đợi thầy Mãn có gì sai bảo)
- Trước hết phải làm rõ hệ thống tổ chức trong nhà chùa nếu gọi là “tùng lâm” thì rất phức tạp, trong đó đứng đầu là phương trượng, rồi mới đến trụ trì, thủ tọa, ông đô, ông giám… cả chùa có đến mấy trăm vị, chú tiểu có khi vĩnh viễn không được thấy mặt phương trượng. Phương trượng tịch thì bầu cử. Đời Trần có chế độ tùng lâm, nay không có. Trúc Lâm thiền viện chỉ là một phần nhỏ của tùng lâm.
Với các chùa hiện có ở ta thì trụ trì phải là tấm gương tiêu biểu.
Có người nói ở chùa nọ có ông thầy đã trên 90 tuổi vì thế có thể ăn mặn cho đến cuối đời, như một hình thức “xả”!
- Nếu đã tu gần một đời mà cuối đời “xả láng” như thế thì phí một đời, bao công phu tu tập thành công cốc. Nếu thế thì ý thức tu hành chỉ là “tu lâu thành sư cụ”, vào chùa “cạo đầu cho mát”.
Thầy có hay xem phong thuỷ và xem tử vi, tướng mạo không?
- Tôi dư sức xem tướng, nhưng tôi không xem vì quá nhiều thầy xem rồi. Mình nên bớt đi. Còn xem phong thuỷ, không thể tự học mà phải truyền thừa.
Với nhà chùa, thế nào là ngày tốt, thế nào là ngày xấu?
- Không có khái niệm “tốt, xấu” mà chi có ngày thuận cho mình hoặc không thuận thôi.
Đại đức Thích Minh Tiến có lần nói “Đi tu là một sự nghiệp”. Thầy nghĩ sao?
- Đi tu chả có sự nghiệp gì hết. Nó là tuỳ ý thích của mỗi người. Nghiệp là nhà chùa. Như dòng họ tôi có 11 người đi tu. Hoà thượng Thích Giác Đạo khai sơn chùa này là em ông nội tôi.
6 tuổi đã xuất gia, hẳn thầy phải hy sinh nhiều thú vui tuổi nhỏ?
- Đi tu là chuyện bình thường. Tuổi nhỏ trẻ thích đá banh, thích đánh đáo. Tôi thích làm thầy chùa. Làm thầy chùa cũng nhiều loại, có loại không thích mà vào chùa vì hoàn cảnh, có loại thích…
Có bao giờ thầy tự hỏi: Nếu không làm thầy chùa, thầy có thể gây dựng một sự nghiệp rất thành công ở ngoài đời không? Dĩ nhiên là với ý chí và quyết tâm rất mãnh liệt?
- Việc chúng tôi làm ít người làm được và khó hơn ngoài đời. Việc thầy chùa quyết liệt hơn việc đời chứ! Ngoài đời đấu tranh về vật chất nhiều hơn, trong chùa còn cả tinh thần nữa. Thầy chùa cũng là người phàm, nhiều ham muốn, bởi thế dẹp bỏ ham muốn là cực khó. Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình.
Thầy có cảm xúc trước sự biến đổi của thời tiết, ngày nắng hay ngày mưa không?
- Có chứ. Con người không biết nắng, mưa, thì làm sao biết chúng sinh đau khổ. Đó là con người tật bệnh. Phải biết vui, buồn trong hiện tại, nhưng đừng để quá đà nỗi đau khổ thành ra phiền não.
Đạo Phật là đạo tự nhiên, thả cái tâm ra cỡ mấy cũng phải quay về nhà. Vua Trần Nhân Tông đã nói “Đói thì ăn, mệt ngủ liền….” mà!
Thầy có ý kiến gì về việc hoà nhập tín ngưỡng bản địa vào Phật giáo, như tục đốt vàng mã chẳng hạn?
- Đó là cần thiết. Đốt vàng mã ở đây không phải cho người chết mà để an ủi người sống. Đốt vừa đủ, quá là lại phiền não. Phật giáo là tri túc - biết đủ.
Đạo Phật là một khoa học. Gần đây, thuyết “sinh sản vô tính” được coi như là minh chứng cho chân lý “một là tất cả, tất cả là một” cũng như thuyết “trùng trùng duyên khởi” của nhà Phật. Thầy có thể nói thêm về tính khoa học của Phật giáo?
- Cách đây 2000 năm mà Đức Phật khi cầm một chén nước trắng đã nói: Nếu như ta không đọc câu chú này thì uống chén nước này như ăn thịt chúng sanh. Lúc đó khoa học đâu đã tìm ra hàng vạn con vi trùng trong chén nước. Như thế Ngài nhìn sự vật sâu hơn cả kính hiển vi. Chỉ có Phật giáo là khoa học phải chạy theo để chứng minh.
Nên hiểu về khái niệm “chùa to, chùa nhỏ” như thế nào? Có người nói: Chùa to là phước ông thầy dày, nên đệ tử đóng góp nhiều, còn chùa nhỏ thì ngược lại?
- Đạo Phật không phân biệt chùa to, chùa nhỏ mà chỉ có tâm thầy chùa to hay nhỏ. Duyên của tôi, Phật bổ sứ cho tôi đến chỗ đó, thì tuỳ chỗ mà xây chùa. Cất chùa lớn cho nhiều người ở, cất chùa nhỏ cho ít người ở. Chùa lớn hay nhỏ thì cũng đều thờ Phật, đều phải lạy 3 lạy trước tượng Phật dù làm bằng gỗ mít.
Gần đây có một số ý kiến cho rằng việc rước xá lợi Phật nhiều khi một số nơi làm rềnh rang, tốn kém, và thậm chí là “vô minh”. Xin thầy cho biết quan niệm của mình?
- Tôi nghèo tôi chỉ có thể đãi cha mẹ mình bữa cơm 50 ngàn. Đến khi tôi giàu tôi có thể đãi cha mẹ bữa cơm 500 ngàn đồng thì có được không? Làm gì có chuyện đúng - sai, tốn kém - tiết kiệm ở đây? Mà là tuỳ vào khả năng thôi.
Thầy theo Tịnh độ tông và không tu thêm Mật tông dù có thể “Tịnh Mật song tu”. Trong suy nghĩ của nhiều người ngoại đạo thì Mật tông có pháp thuật mà nhà sư có pháp thuật sẽ dễ giảng pháp hơn?
- Pháp thuật là trí tuệ. Đạo Phật dùng trí tuệ làm pháp thuật. Thật sự rất ít nhà sư có pháp thuật mà một số người dùng ảo thuật thôi. Công phu của một nhà tu hành phải mất ít nhất 50 năm mới đạt đến cảnh giới. Nếu ai đó nói công phu của mình cao là nói láo. Chỉ có người bên cạnh mới có thể cảm nhận được công phu của vị sư đó cao đến đâu.
Nhiều người bị bệnh nặng, gần đất xa trời và nhà sư lập đàn cứu được. Nên hiểu chuyện đó như thế nào? Có nhà sư nói lập đàn là tổn thọ nhưng vì cứu người vẫn không màng đến bản thân.
- Nếu là thân bệnh như ung thư thì lập đàn không chữa được, nhưng là nghiệp bệnh - nghiệp báo thì chữa được. Khi đăng đàn phải dùng toàn bộ năng lực tinh thần quá mức để chú nguyện, gia trì dễ dẫn đến suy kiệt.
Khi buồn, thầy làm gì?
- Tôi giữ bình thường. Bình thường tâm thì đạo. Buồn thì rủ mấy thầy đi Sài Gòn, đi Campuchia chơi. Nhưng phải khống chế buồn vui không để nó quá đi, vượt ngưỡng hiện tại. Con người luôn đau khổ vì mộng tưởng chứ không phải vì tương lai.
Xin hỏi thầy câu cuối cùng: Thiền là gì?
- Thiền là sự lắng đọng. Thiền không phải ngồi một chỗ mà thiền đi vào cuộc sống từ ăn, ngủ, nghỉ… Thiền đứng, thiền ngồi, thiền nằm. Tâm phức tạp thì không thể thiền. Có thiền thì mới có thể nhìn mê - nhìn thấu - nhìn chân.
Xin trân trọng cảm ơn thầy!