Khôi phục & phát huy Phật giáo vùng Tây Bắc

(Tham luận tại hội thảo chủ đề “Sinh hoạt tôn giáo trong đồng bào các dân tộc ở miền núi Tây Bắc”)


GN - Với vai trò là vùng đất phên giậu của Tổ quốc, Tây Bắc ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước và của cộng đồng các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Giáp ranh với Lào và Trung Quốc, với trên 20 dân tộc anh em sinh sống đoàn kết, Tây Bắc có truyền thống lâu đời giữ gìn và bảo vệ đất nước.
Lịch sử minh chứng, tại mảnh đất này, người Thái, Mường, Tày, Nùng, Mông, Dao... đã gắn bó đoàn kết cùng người Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng bờ cõi, phát huy những di sản văn hóa đặc thù.>>Phật giáo trở lại vùng Tây Bắc
1 db 1.jpg
Hội thảo chủ đề “Sinh hoạt tôn giáo trong đồng bào các dân tộc ở miền núi Tây Bắc”

Trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, cũng như sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, nhiều giá trị văn hóa tôn giáo đã gặp gỡ và phát triển tại đây, trong đó phải kể đến sự hiện diện rất sớm của Phật giáo. Nhiều chứng tích khảo cổ cho biết, Phật giáo đã có mặt và để lại dấu ấn khó phai tại đây từ thời nhà Trần, khi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật làm Trấn thủ đạo Đà Giang (năm 1280), thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay. Khi ấy, tù trưởng Trịnh Giác Mật đã cùng với tướng lĩnh nhà Trần quy tụ các dân tộc anh em chống giặc phương Bắc, bảo vệ cương thổ.

Cũng từ những chứng cứ khảo cổ, chúng ta được biết, để có những công trình Phật giáo có tầm cỡ, mang phong cách Chiêm - Việt, trong quá trình xây dựng, Trần Nhật Duật đã sử dụng các tù binh người Chiêm Thành làm nhân công. Đáng tiếc, sau khi nhà Trần sụp đổ, nhà Hồ không đủ sức chống chọi với giặc Minh, nên chẳng bao lâu đất nước lại rơi vào vòng đô hộ phương Bắc, di sản văn hóa bị tiêu hủy đến mức mười phần không còn lại một.

Sau khi cuộc kháng chiến quân Minh thắng lợi, Lê Lợi cho phát triển Nho học, từ đó Phật giáo dần dần mai một trên mảnh đất này. Về sau, cuộc chiến Trịnh -  Mạc xảy ra, nhà Mạc lánh nạn ở vùng núi giáp ranh phía Đông bắc, nhờ đó ít nhiều Phật giáo cũng có phần ảnh hưởng. Song nhìn tổng thể thì Phật giáo bị đứt đoạn quá lâu trên mảnh đất này, vì nhiều nguyên nhân, đáng kể nhất vẫn là do tác động của chiến tranh loạn ly và ý thức hệ.

Có rất ít các công trình nghiên cứu về Phật giáo tại vùng đất phên giậu này, cho mãi đến khi những chứng tích khảo cổ liên quan đến văn hóa Phật giáo được phát lộ, người ta mới quan tâm đến việc đánh thức một Phật giáo đã ngủ yên và bị quên lãng suốt nhiều thế kỷ.

Nhắc lại lịch sử để thấy, việc khôi phục sự hiện diện Phật giáo tại nơi đây không phải là điều ngẫu nhiên, võ đoán và thiếu căn cứ, nhất là trong bối cảnh xuất hiện khoảng 20 “đạo lạ”, “tà đạo” (hiện tượng tôn giáo mới), có nguy cơ phá vỡ những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc anh em, gây chia rẽ mất đoàn kết trong các dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc cân bằng đời sống tôn giáo sẽ đưa đến những giá trị hài hòa. Từ thực tế này, chúng tôi xin không nhắc lại thêm nữa về vai trò của Phật giáo trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. Chúng tôi cũng xin không so sánh tình hình sinh hoạt của Phật giáo với Công giáo và Tin Lành tại đây. Và dù Ban Trị sự GHPGVN ở hầu hết các tỉnh Tây Bắc đều đã được thành lập, nhưng qua tìm hiểu và khảo sát thực tế, chúng tôi biết sự tái hiện diện của Phật giáo tại vùng đất này hiện nay vẫn chỉ như mới phôi thai.

Như vậy với đầy đủ điều kiện thuận lợi trong chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước, thì việc Phật giáo gần như bị bỏ trống tại đây, khó khăn không hoàn toàn nằm ở phía tác động khách quan, mà hoàn toàn nằm trong sự chủ động sáng tạo từ phía Giáo hội, từ phía cá nhân các hành giả Phật giáo.

Nói đến sự chủ động sáng tạo là nói đến tinh thần dấn thân, phương thức thực hiện và sự phân bổ khoa học, hợp lý nguồn lực (nhân lực, tài lực) của Giáo hội.

1. Về tinh thần dấn thân

- Nói đến tinh thần Phật giáo dấn thân chính là nói đến Phật giáo nhập thế. Nhập thế là phải đi vào đời sống cụ thể, điều đã được Đức Phật xác lập trong kinh điển về việc triển khai giáo lý phương tiện: khế lý (hợp với chân lý), khế cơ (hợp với căn cơ) và khế thời (hợp với hoàn cảnh, quốc độ)...

- Để truyền bá Phật giáo ở những vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, phên giậu với nhiều khác biệt về phong tục văn hóa, đòi hỏi sự hy sinh nhiều mặt của Tăng Ni, Phật tử. Không những phải xác định đây là vùng đất kinh tế khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, giao thông ít thuận lợi, con người có nhiều tập tục khác biệt, mà bản thân người hành giả cũng phải uyển chuyển, điều chỉnh mình để hòa nhập, thích nghi với đời sống của người dân nơi đây bằng tính chất cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ những khó khăn, gian khổ. Khi ấy, một số giới luật, điều luật có thể trở thành rào cản, buộc người hành giả phải vượt qua tự thân, từ đó xác định mục tiêu lý tưởng cao nhất cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh.

- Hãy tiến bước lên đường vì hạnh phúc của số đông, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người. Đó là lời dạy, là tâm huyết, nhiệt huyết không bao giờ tắt trong lòng người con Phật.

2. Về phương thức thực hiện

- Đây không phải là cuộc trình diễn chùa chiền quy mô, hay một lối sống xa lạ nhiều khác biệt so với tâm tư, tình cảm của người dân nơi đây. Vì vậy ban đầu người hành giả cần phải tiếp cận môi trường mới bằng các nội dung hình thức chân thật, gần gũi, giản dị, dễ hòa nhập...

- Người dân nơi đây đa phần theo tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông bà tổ tiên, tôn thờ các vị thần thiên nhiên như: thần sông, thần núi, thần rừng, thần mưa, thần gió, thần đất, thần đá... Với tín ngưỡng đa thần mang sắc thái của các cư dân nông nghiệp, bất kể hình thức nào đi ngược với điều đó sẽ gây nên sự hoài nghi, khó tiếp cận được với niềm tin của dân chúng. Vì thế hành giả Phật giáo phải là những người am hiểu văn hóa, tập tục, hiểu tâm tư nguyện vọng và biết cùng với người dân địa phương đi đầu trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của họ.

- Tìm ra những yếu tố tương đồng trong giáo lý, từ đó phổ biến những lời dạy về lòng từ bi, yêu môi trường thiên nhiên, quý trọng sự sống con người, cây cỏ. Đưa những lời dạy phù hợp với đạo lý làm người vào trong các bài giảng, các buổi nói chuyện, trao đổi để người dân tộc thiểu số nhận ra giáo lý đạo Phật không mâu thuẫn, đối lập với đời sống của họ. Các giới luật Phật giáo khi phổ biến cũng nên cân nhắc làm sao hài hòa để dân chúng không thấy điều đó quá khó và không thích hợp với họ.

- Mở các lớp giảng dạy giáo lý căn bản, hạt nhân là người Việt và người dân tộc có trình độ (am hiểu cả hai thứ tiếng), có khả năng truyền đạt để hỗ trợ Tăng Ni trong quá trình hoằng pháp. In ấn và phát hành những câu chuyện liên quan đến cuộc đời Đức Phật, những câu chuyện nhân quả, truyện tranh cho thiếu nhi bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc.

- Người dân tộc thiểu số luôn sống thật thà, trọng tình nghĩa, ghét gian tham, giả dối, vì thế các hành giả Phật giáo nên tích cực chủ động học tiếng dân tộc để sống với ngôn ngữ tình cảm đó, cùng ăn được các món ăn, cùng ở chung trong một không gian thẩm mỹ có kiến trúc đặc thù, và hơn hết là trở thành những người bạn, người cộng sự chân thành, bởi họ chỉ gửi gắm niềm tin với chúng ta khi lời nói và việc làm của chúng ta đi đôi với nhau.

- Già làng, trưởng bản là những người có uy tín, có vai trò ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống của cộng đồng. Họ như những vị thủ lĩnh tinh thần, một lời nói của họ có sức nặng rất lớn đối với người dân. Tình cảm ban đầu của già làng đối với hành giả Phật giáo sẽ quyết định quan trọng đến việc Phật giáo có ảnh hưởng về sau trên mảnh đất đó hay không. Vì thế, thật cân nhắc, hãy cùng với những người được tin tưởng trong cộng đồng, xác lập mối quan hệ tốt đẹp, cùng có lợi, để họ thấy chúng ta là những người đến để phục vụ và làm tốt đẹp, thịnh vượng cuộc sống của họ, chứ không phải lấy đi những giá trị mà họ đang có. Ở đây, những dự án liên quan đến phát triển kinh tế cộng đồng như: cầu, đường, nước sinh hoạt, tưới tiêu, giống cây trồng vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế..., sẽ thuyết phục được những già làng, trưởng bản khó tính nhất.

3. Về phân bổ nguồn lực

- Trước tiên, chúng tôi nhận thấy cần phải xóa bỏ dần khoảng cách phân biệt vùng miền. Phát hiện những nhân tố tích cực, có đức có tài, am hiểu phong tục văn hóa trong các ban ngành viện, trong các trường Phật học, hay từ những cơ sở tự viện để khuyến khích, tạo điều kiện giúp đỡ họ dấn thân phục vụ tại các vùng sâu vùng xa, vùng núi, vùng biển... Thậm chí, Giáo hội cần phải có kế hoạch và chính sách để phát triển nguồn nhân lực ngay từ khi họ còn đang ngồi ghế nhà trường. Muốn làm được như vậy, cần phải có chương trình giáo dục phù hợp cho các vị có khả năng đảm đương trách vụ trụ trì trong tương lai, hay các vị có ý chí muốn phục vụ ở những vùng xa xôi hẻo lánh...

- Đầu tư tài lực, hay huy động nguồn vốn xã hội hóa một cách có trọng điểm tại những nơi thiết yếu. Không nên đầu tư dàn trải, tràn lan tốn kém giống như các hình thức xây dựng các công trình tôn giáo to lớn để làm du lịch như chúng ta đã biết. Bởi ở những vùng dân tộc ít người, nếu làm không khéo, chúng ta sẽ đi ra ngoài yếu tố khế lý, khế cơ, khế thời, gây tác dụng ngược đến tình cảm và niềm tin của cộng đồng nơi đây.

- Cần nhận thức lại các cách thức làm từ thiện theo kiểu phong trào, tự phát trong tư thế của người ban phát. Việc từ thiện cái ăn cái mặc chỉ phù hợp với các tình huống khẩn cấp, cụ thể, không phải là hướng dài lâu như các tôn giáo khác đã làm. Hiệu quả được đánh giá cao của từ thiện chính là các mô hình đầu tư cho giáo dục, y tế cộng đồng, hay các việc lợi ích cụ thể khác như xây cầu, xây chợ, thủy lợi, chọn cây trồng, vật nuôi, hay các việc hợp tác về kỹ thuật nông nghiệp, y tế để nâng cao sức khỏe và ý thức cộng đồng.

- Có những chính sách đãi ngộ và chi phí hợp lý, thích đáng cho những hạt nhân tích cực, thậm chí ưu tiên về đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện đi lại để họ có thêm nhiều thời gian học Phật và đem giáo lý của Phật đến cộng đồng.

- Ưu tiên xây dựng các nhà bảo tàng văn hóa của các cộng đồng dân tộc, hay tài trợ để giữ gìn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào, bởi giữ gìn văn hóa của họ cũng chính là bảo tồn và phát triển văn hóa của chính mình. Phật giáo đến đây không phải để thay đổi tập quán văn hóa của người dân mà để người dân nhận ra và áp dụng những giá trị sống của Phật giáo để làm đẹp thêm đời sống tinh thần của họ.

Trên đây là những điểm có tính chất khái quát, bằng vào quá trình đi tìm hiểu thực tế tại vùng Tây Bắc mà chúng tôi nắm bắt được xin gửi tới hội thảo. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều ý kiến quý báu khác góp phần tạo ra những đường hướng tốt đẹp để Phật giáo vùng Tây Bắc phát triển, giữ vai trò then chốt trong công cuộc đoàn kết với các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Đạo pháp, bảo vệ Tổ quốc và đồng hành cùng dân tộc.

  HT.Thích Hải Ấn

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2003.

- Báo cáo và kiến nghị của Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN gửi Ban Thường trực HĐTS nhân chuyến thăm và làm việc tại TP.Hà Nội, các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai và Điện Biên, tháng 10-2014.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.