GNO - Sáng 20-4, tại hội trường Nguyễn Văn Đạo thuộc ĐHQG Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Khởi động dự án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông”.
Đại biểu tham dự
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của chư tôn đức các cấp Giáo hội: HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; HT.Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng, HT.Thích Đào Như - đồng Phó Chủ tịch HĐTS cùng đại diện Hội đồng Điều hành các Học viện Phật giáo VN.
Đại diện chính quyền có ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM; GS.Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận T.Ư; ông Bùi Trường Giang, Phó ban Tuyên giáo T.Ư; ông Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng KHĐT ĐHQG Hà Nội; ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội; ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cùng 400 đại biểu đại diện các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Dự án kinh điển phương Đông là Hội thảo có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, mang giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng. Dự án này góp phần thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế trong thời đại cách mạng và công nghiệp mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Hội thảo đã đánh giá dự án kinh điển phương Đông phù hợp với chủ trương: “Khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “văn hóa là nền tảng” và có ý nghĩa đóng góp to lớn “không chỉ hiện nay mà cả mai sau”.
Chụp hình lưu niệm
Hội thảo có chư tôn đức GHPVN và lãnh đạo nhà nước tham dự
Theo BTC, dự án kinh điển phương Đông dự kiến sẽ thực hiện trong 10 năm và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 3-2019 đến 2-2024. Giai đoạn 2 từ 3-2014 đến 3-2029. Trong đó, giai đoạn 1 là công tác chuẩn bị và tiến hành dịch thuật 300 bộ chính. Giai đoạn 2 là chỉnh lý và tiếp tục dịch thuật các bộ kinh còn lại trong phần Chính tạng và Điển tích Phật giáo,…
Sau khi hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động, chùa Long Hưng (Đông Anh, Hà Nội) sẽ là trụ sở cho công việc đào tạo nguồn lực và dịch thuật chỉnh lý Đại tạng kinh Việt Nam.