1. Tôi từng nghĩ mình không bao giờ hợp để làm thầy giáo, vì 2 lẽ: Đó là nghề cần rất nhiều sự kiên trì, nhẫn nại, tâm thật tĩnh để biết lắng nghe, điều hòa mọi vấn đề cho các cô cậu học trò đang tuổi bước vào khám phá cuộc đời. Mà tôi thì tính tự do, ngẫu hứng, và đôi khi khó kiềm chế được bình tĩnh, cảm xúc bản thân.
Tôi không phải là một người được đào tạo về ngành sư phạm. Cũng chưa từng làm gia sư hay đứng dạy ở một lớp học nào. Thế nhưng, từ ngày về phụ trách mảng truyền thông ở một ngôi trường, tiếp xúc với các bạn học sinh trong những phong trào và hoạt động ngoại khóa, mỗi khi đi trong trường gặp các em lại thì thầm: “Thầy Khoa đấy”, hoặc cất tiếng “Con chào thầy ạ”, “Thầy ơi, nội san trường mình bao giờ ra số mới ạ?” - lòng bao giờ cũng lặng đi trong giây phút và nghĩ về một chữ Thầy.
Những người Thầy như ngọn hải đăng - luôn sáng và chỉ lối cho mỗi học trò
đi qua từng khoảnh khắc, từng giai đoạn riêng trong cuộc đời - Ảnh minh họa
2. Chữ Thầy có một sức nặng mà ngàn đời không bao giờ thay đổi. Sức nặng ấy để níu giữ, lắng lại những điều tốt đẹp, nhân nghĩa ở đời cho tâm hồn - khi cuộc đời mỗi người tựa như con thuyền trôi giữa dòng đời lao xao sóng, luôn nhiều vòng xoáy, đổi thay.
Những người Thầy như ngọn hải đăng - luôn sáng và chỉ lối cho mỗi học trò đi qua từng khoảnh khắc, từng giai đoạn riêng trong cuộc đời. Thứ ánh sáng của niềm tin gửi trao, và đôi mắt học trò luôn dõi nhìn theo với tất cả niềm kính trọng. Bởi thế nên nghe ai đó gọi mình một chữ Thầy - ắt người ấy phải tìm cách sống tốt hơn, giữ hình ảnh của mình như thế nào để xứng đáng với tiếng gọi ấy, với niềm kính trọng thường trực trong lòng mỗi học sinh.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại ví người Thầy như những người chèo đò trên sông. Mặc mưa giông bão nổi, mặc nắng cháy sương sa. Từng chuyến đò vẫn cứ ngang qua, đưa đàn em tới bến, đặt chân lên một nấc thang mới trong cuộc đời. Người trên đò như mỗi cánh chim bay, mải miết theo những ước mơ, khao khát ở mỗi vòm trời. Chỉ người đưa đò ở lại, đứng lặng nhìn theo, lấy sự thành công trên mỗi bước đường của học sinh làm niềm vui cho nghề, cho cuộc đời làm Thầy của mình.
Có thể những suy nghĩ ấy bạn từng nghe, và ai cũng hiểu là như vậy. Nhưng chỉ khi trên vai bạn mang một chữ Thầy, chỉ khi là người trong cuộc, bạn mới cảm hết được trái tim bao dung của mỗi người Thầy.
“Nhà trường luôn tự hào về mỗi thành tích mà các học sinh của mình đạt được, tự hào khi thấy các con trưởng thành. Và dù sau này các con bay xa đến đâu, thành đạt bao nhiêu, nhưng thầy cô luôn dõi theo các con. Có thể các con không nghe thấy, không biết, nhưng các con vẫn luôn được nhắc tên trong mỗi câu chuyện của thầy cô, hỏi nhau xem bây giờ các con đang làm gì, cuộc sống có hạnh phúc không, có đi theo con đường trở thành bác sĩ, hay nhà văn v.v.. như hồi nhỏ vẫn hằng mơ ước không?”…
Những tâm sự của cô Hiệu trưởng vẫn vang mãi trong tôi. Tôi chạnh lòng, vì những điều ấy là có thật - khẳng định là rất thật, rất chân thành và luôn sẵn có trong mỗi thầy cô. Mà ngược lại, không phải trong lòng học trò nào cũng luôn thường trực suy nghĩ về thầy, tự hỏi lòng “Thầy B., cô H. bây giờ ra sao?” - như thầy cô vẫn luôn hỏi về mình.
3. Tôi cũng là một cánh chim như thế - bay lên từ những mái trường. Và tôi biết các thầy cô giáo dạy tôi từ lớp Mẫu giáo, đến Tiểu học - THCS - THPT và cả Đại học, bây giờ thi thoảng nhớ về những kỷ niệm, những lớp học sinh đã đi qua trong đời - vẫn nhắc đến tôi, vẫn quan tâm muốn biết tôi giờ ra sao, tôi của ngày hôm nay trưởng thành như thế nào trong cuộc đời. Mà tôi thì vô tình, không phải lúc nào cũng có thể nhớ đến, tìm về.
Và hẳn các bạn cũng vậy. Ai cũng có trong lòng mình ít nhất một người Thầy để nhớ, trong cuộc đời mình một người Thầy để kính trọng và mãi mãi không quên. Chỉ bởi - người Thầy nào trong trái tim cũng chứa cả một bầu trời bao dung - bao dung tất thảy mọi lỗi lầm. Dù thời gian đổ đầy phôi pha theo mỗi bước chân học trò - nhưng duy nhất có trái tim người Thầy không sóng nào có thể đổ vào đó hai từ lãng quên.
Nhớ lắm. Sẽ rất nhớ… Quên sao được những vụng dại đầu đời ngây ngô, những vui buồn theo năm tháng học trò đẹp hơn cả pha lê lấp lánh. Quên sao được những câu nói ăm ắp nghĩa tình, những tấm thiệp xinh tự tạo gửi tặng thầy cô ngày ra trường nhòe thơm màu mực tím và những giọt nước mắt sụt sùi trong veo. Rồi những cái ôm mang tâm hồn của tình mẫu tử, những câu chúc, nụ cười, cái bắt tay ẩn chứa từng mỏi mong, gửi gắm niềm tin và lời nguyện cầu vững vàng cho mỗi bước chân ngày mai trên nẻo đường kiếm tìm hạnh phúc và thành công…
4. Mỗi người học trò ra trường, như cánh chim bay xa muôn nẻo, khắp những vùng trời. Có vùng trời bình yên, có vùng trời bão tố. Có người còn quay trở lại, về lại mái trường thân thương một thời tuổi trẻ đã gắn bó, tìm lại mình trong ký ức, ánh mắt, tình cảm của bạn bè, thầy cô. Có người vì những lý do riêng, không thể trở lại. Dù không thể trở về, nhưng tôi tin chắc một điều, trong lòng những người học trò ấy, nhìn ánh mắt, nụ cười hạnh phúc của những thầy cô và học trò khác quanh mình, ai cũng chạnh lòng, hướng và muốn được về lại bên những người thầy, người cô mà mình đã yêu, đã sống. Thầy mãi mãi thuỷ chung ở bến sông này.
Lòng thầy cô luôn là nơi tìm về của muôn nẻo yêu thương. Mỗi người dù có bay cao, bay xa, dù khôn lớn đến đâu, vẫn mãi là những chú sẻ đồng ngu ngơ của một thời thơ dại, luôn khao khát trở về, tìm lại mình bên vòng tay ấm áp bao dung của những người thầy…
Dù thế nào và đến bao lâu đi nữa, dù cuộc sống có nhiều biến động, đổi thay về tình cảm và cả đạo đức, thì niềm hạnh phúc và ý nghĩa thực sự của những người làm thầy vẫn luôn được cả xã hội nâng niu, trân trọng, hướng về.
Và chỉ khi thực sự là người trong ngành sư phạm, hay công tác trong lĩnh vực liên quan đến sư phạm như tôi - một lần thôi nghe học sinh cất lên tiếng gọi mình là Thầy, bạn mới hiểu hết được giá trị và vẻ đẹp của những người đã lựa chọn và dành cả tâm huyết đời mình cho những chuyến đò đưa từng học trò chạm bến của tri thức và ước mơ…
Lương Đình Khoa
Nhật ký cuộc sống Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác. Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV. PGTT |