Khi sự xuyên tạc lịch sử tôn giáo được công nhận

Loạt sách của ông Nguyễn Nhân với vô số lỗi, xuyên tạc tôn giáo đã được công nhận qua các Nhà xuất bản Tôn giáo, Hồng Đức và gần đây là Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM
Loạt sách của ông Nguyễn Nhân với vô số lỗi, xuyên tạc tôn giáo đã được công nhận qua các Nhà xuất bản Tôn giáo, Hồng Đức và gần đây là Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM
GNO - Như báo Giác Ngộ đã đề cập trong số trước, “điểm tựa” về pháp lý của ông Nguyễn Nhân không gì khác, đó là những tờ giấy phép của các nhà xuất bản (Nxb), trong đó ban đầu là Nxb Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ.

Điều đó được vị này coi là “lá bùa hộ mệnh” cho những cuốn sách của mình.

Điều đó thật dễ thuyết phục đối với những ai không có kinh nghiệm và từng gặp những trớ trêu trong tình hình xuất bản hiện nay ở nước ta. Nhưng như ông Nguyễn Xuân Oánh, nguyên Tổng Biên tập Nxb Tôn Giáo trong lần trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ trước đây, đã cho biết đội ngũ biên tập của Nxb còn thiếu chuyên môn.

Có lẽ do thiếu chuyên môn đối với lĩnh vực tôn giáo, nên đã xảy ra những việc sửa các thuật ngữ đặc thù của tôn giáo trở thành những từ… dở khóc dở cười, sau khi biên tập thì “lợn lành thành lợn què”, mà Giác Ngộ cũng từng nêu ra trong một bài phản ánh trước đây, chẳng hạn thuật ngữ “hành” (saṅkhāra, một trong 12 chi phần nhân duyên), bị sửa thành… “hành động”, nội hàm hoàn toàn khác nhau. Và đó cũng không phải là chuyện hy hữu.

Vậy với mười mấy đầu sách của ông Nguyễn Nhân được các Nxb Tôn Giáo, Hồng Đức và gần đây là Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM cấp phép, thì sao?

Xuyên tạc Đức Phật và lịch sử Phật giáo

Tôn giáo là lĩnh vực quan trọng trong nghiên cứu nhân văn, xã hội. Với Phật giáo, Phật học là chuyên ngành đã được hình thành và có nền tảng, được đưa vào hệ thống các trường đại học, viện hàn lâm ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với loạt sách của Nguyễn Nhân, được các cơ quan quản lý của nhà nước về văn hóa, tư tưởng cấp giấy phép xuất bản, Viện Nghiên cứu Phật học VN đã có những nhận định như sau:

Về Đức Phật, cho đến nay lịch sử của Ngài đã rõ ràng, tuy nhiên, với ông Nguyễn Nhân, trong nội dung do ông biên soạn, những chi tiết đơn giản nhất gắn với các sự kiện trong cuộc đời của Ngài mà ông cũng viết sai. Chẳng hạn, Đức Phật thành đạo dưới cội bồ-đề bên dòng Ni-liên-thuyền, thì ông lại đổi địa danh bằng… sông Hằng (Đức Phật dạy tu thiền tông, Nxb Tôn Giáo, 2017, tr.22).

Cũng trong cuốn này, ông còn tưởng tượng, tùy tiện thay đổi, thêm bớt số lượng các nhân vật lịch sử, gọi nhóm 5 vị Tôn giả có mặt trong thời pháp đầu tiên của Đức Phật sau khi Ngài thành đạo, thành… 9 vị!

Những chi tiết này đã được nhà nghiên cứu Hoằng Quảng thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN phân tích và nêu rất cụ thể trong bài nhận định của mình.

Nhà nghiên cứu Hoằng Quảng cũng chỉ rõ nhiều chi tiết ông Nguyễn Nhân đã xuyên tạc Đức Phật và giáo lý của Ngài được kết tập trong nhiều văn hệ, tương đồng qua các ngôn ngữ, ông đã chế ra nhiều từ, danh xưng, danh hiệu cũng như nội dung không phù hợp rồi gán cho Phật nói.

Đối với chư Tổ, ông cũng không tha. “Soạn giả” Nguyễn Nhân cũng tưởng tượng ra nhiều nội dung, pha tạp nhiều yếu tố rồi gán cho là lời của ngài Mã Minh, Lục tổ Huệ Năng…

Chẳng hạn, ông tưởng tượng việc Lục tổ Huệ Năng (trong bối cảnh của xã hội Trung Quốc nửa cuối thế kỷ thứ VII - đầu thế kỷ thứ VIII) dạy về… cấp giấy và cấp bằng chứng nhận, với các tên gọi giấy giác ngộ “yếu chỉ thiền tông”, bằng chứng nhận “Bí mật thiền tông”, bằng chứng nhận thiền tông sư, thiền tông gia… (sđd, tr.225-226).

Không chỉ chư Tổ Ấn Độ, Trung Hoa, mà ngay cả Việt Nam, cũng không ngoại lệ. Nguyễn Nhân cũng đã gán cho nhân vật lịch sử Trần Nhân Tông (1258-1308) đã từng… đề bảng hiệu “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, theo đó, cho rằng hệ thống “Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử” sau này được “trương bảng” là vì… “ham danh và lợi”, “câu khách”…

Cũng liên quan tới nhân vật lịch sử này, trong cuốn “Đức vua Trần Nhân Tông dạy con giữ nước, tín ngưỡng công thức giải thoát và sự thật nơi trái đất này” (Nxb Hồng Đức, 2017), ông Nguyễn Nhân đã tự “soạn” nhiều nội dung, các đối thoại giữa 2 nhân vật lịch sử là Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông (1276-1320) với những lời lẽ dung tục, tưởng tượng ra lễ truyền ngôi với các phần “khai mạc buổi lễ”, “có người dẫn chương trình (tên là Triệu Khánh An (?), thay mặt cho… ban tổ chức đọc diễn văn (!).

Đức Phật, Mã Minh, Lục tổ Huệ Năng, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông… là những nhân vật lịch sử, qua cách “soạn” của Nguyễn Nhân, bị xuyên tạc, mà chỉ với vài chi tiết nêu trên, bạn đọc là người có hiểu biết tối thiểu, chắc chắn không thể nhầm lẫn. Song, những chi tiết gán ghép với ngôn ngữ dung tục, kiểu ‘tân cổ giao duyên’ một cách tùy tiện, đầy hoang tưởng như thế lại đầy dẫy trong các cuốn sách do ông Nguyễn Nhân làm “soạn giả”.

Chính ông Nguyễn Công Oánh, nguyên Giám đốc Nxb Tôn Giáo cũng thấy rằng trong những cuốn sách của ông Nguyễn Nhân “phạm phải vô số lỗi rất cơ bản, thậm chí sai về lịch sử Phật giáo”.

Oái oăm thay, nội dung đó lại được các cơ quan quản lý văn hóa, tư tưởng của nhà nước cấp phép xuất bản. Khi Nxb này từ chối thì chúng lại “chạy” sang Nxb khác. Cũng ông Oánh cho biết, một số cuốn sách với vô số lỗi cơ bản, sai lạc như vậy khi Nxb Tôn Giáo từ chối cấp giấy phép thì Nxb Hồng Đức lại cấp cho lưu hành! Gần đây, Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ lại cấp giấy phép tái bản.

Được biết, Viện Nghiên cứu Phật học VN thuộc GHPGVN đã có hồ sơ nhận định về 11 đầu sách của Nguyễn Nhân được xuất bản từ năm 2017. Nhận định chung là có nội dung xuyên tạc về Đức Phật, giả mạo lịch sử Phật giáo và dân tộc, phỉ báng giáo lý các tông phái Phật giáo đã hình thành qua lịch sử bằng những nội dung vô căn cứ.

Bản tổng hợp nội dung đó cũng đã được gửi trình Trung ương Giáo hội. Từ tháng 11-2019, Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã tổng hợp và có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan quản lý trực tiếp của Nxb Tôn Giáo (chứ không phải là Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, như ông Nguyễn Nhân đã nhầm trong nội dung mà ông soạn).

Câu chuyện này được đẩy đưa như thế nào?

Câu chuyện về “Thiền tông Tân Diệu” không là gì và tất nhiên không đáng để quan tâm khi các cơ quan quản lý về văn hóa, tư tưởng của nhà nước không cấp giấy phép xuất bản cho các nội dung, như đã đề cập sơ ở trên, đặc biệt là Nxb Tôn Giáo, làm điểm tựa cho những phát ngôn thách thức khác với GHPGVN.

Tại Khóa tập huấn về thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc đầu tháng 11-2019 tại tỉnh Long An, vấn đề này đã được đặt ra trong buổi thuyết trình của ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ. Ông Dược cho biết cơ quan quản lý về tôn giáo của Chính phủ chưa nhận được bất cứ một thông tin phản ánh nào từ Giáo hội.

Điều đó ngay lập tức nhận được ý kiến phản hồi của Giáo hội tỉnh Long An cũng như Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khu vực phía Nam (thường gọi là Văn phòng II Trung ương Giáo hội).

Truy lại thông tin theo dòng sự kiện của báo chí Phật giáo cho thấy, hiện tượng “Thiền tông Tân Diệu” và các cuốn sách liên hệ đã được báo chí, cụ thể là báo Giác Ngộ, cũng như Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đặt ra rất sớm.

Năm 2018, báo Giác Ngộ đã có loạt bài phản ánh về chất lượng thẩm định nội dung liên quan tới tôn giáo rõ ràng còn tồn đọng nhiều bất cập, nhất là trong việc tự quyết định nội dung các ấn phẩm tôn giáo của các Nxb, hiện tượng “đội nón” Phật giáo, thậm chí trực tiếp nêu loạt đầu sách của ông Nguyễn Nhân do Nxb Tôn Giáo, Hồng Đức cấp phép phát hành có nội dung lệch lạc và xuyên tạc về Phật giáo.

Cũng đã có nhiều phiên họp giao ban, hoặc liên tịch về hiện tượng này giữa Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trong hội nghị sinh hoạt Giáo hội luôn có sự hiện diện của lãnh đạo, chuyên viên Ban Tôn giáo tỉnh, thành cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ. Lãnh đạo Văn phòng II Trung ương Giáo hội cũng đã có phát ngôn trên báo Giác Ngộ cũng như ở các bản tin trên các kênh truyền thông khác của Giáo hội.

Nhận thức là vấn đề nghiêm trọng, nên Trung ương Giáo hội cũng đã tổ chức hội nghị liên tịch chuyên đề xử lý vụ việc này vào ngày 16-6-2018 tại Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phía Nam (thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM). Thành phần tham dự đầy đủ các cơ quan chức năng tỉnh Long An và Trung ương.

Riêng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, với chức năng là Giáo hội tỉnh quản lý trực tiếp tới cơ sở tự viện chùa Tân Diệu (ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, H.Đức Hòa, Long An), từ tháng 6-2018 đã có công văn báo cáo Hội đồng Trị sự. Đến tháng 7-2018 lại gửi công văn báo cáo Trung ương Giáo hội, lãnh đạo tỉnh Long An và Ban Tôn giáo Chính phủ về vấn đề này; sau đó, có thêm 3 công văn trình Hội đồng Trị sự và các cơ quan chức năng, trong đó có Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tháng 11-2019, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có công văn cùng với các nhận định của giới nghiên cứu Phật học về 11 đầu sách của ông Nguyễn Nhân do Nxb Tôn Giáo, Hồng Đức cấp giấy phép làm chỗ dựa pháp lý lưu hành, đến Ban Tôn giáo Chính phủ.

Công văn của Trung ương Giáo hội nhận định những cuốn sách của ông Nguyễn Nhân đã được xuất bản “sai lệch không chuẩn với tư tưởng, lịch sử và giáo lý của đạo Phật”, “ảnh hưởng không tốt đối với niềm tin của Tăng Ni, Phật tử cùng các nhà nghiên cứu” và đề nghị xem xét lại theo pháp luật.

Theo nguồn tin của chúng tôi, các Nxb Tôn Giáo và Hồng Đức đã nhận được công văn yêu cầu giải trình từ Ban Tôn giáo Chính phủ, tuy nhiên từ chối cung cấp thông tin vì lý do “tế nhị”. Trong khi đó, các cuốn sách này lại được cấp phép tái bản, đa số đều liên kết với Công ty TNHH Phát Quang.

Đầu tháng 12-2019, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Hữu Dược đã ký Công văn 1425/TGCP-PG phúc đáp Hội đồng Trị sự GHPGVN trong đó có nội dung “sẽ có hình thức xử lý đối với những tác phẩm của ông Nguyễn Nhân (Nguyễn Công Nhân)”.

Trong diễn biến khác về trách nhiệm đối với các ấn phẩm có nội dung lệch lạc, năm 2004, sau khi báo Giác Ngộ đăng bài phản ánh những xuyên tạc kinh Phật trong một đầu sách có tên “Lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới” do NXB Văn Hóa - Thông Tin thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục Xuất bản đã ra quyết định thu hồi giấy phép và tiêu hủy đầu sách đó.

Nhiều người phản ánh, với tờ giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, tư tưởng, các đầu sách của ông Nguyễn Nhân nghiễm nhiên được sử dụng như “chìa khóa” để mở cánh cửa đi vào thế giới tin tức, điểm sách của các kênh truyền thông quảng bá, trong đó có cả Đài Truyền hình Việt Nam.

Một nội dung xuyên tạc Đức Phật thì được cho là “huyền ký” của Đức Phật, những xuyên tạc các nhân vật lịch sử thì lại được phổ biến công khai nhiều năm bất chấp những nhận định, phản ánh của báo chí, ý kiến của giới nghiên cứu chuyên môn, tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam là GHPGVN!

Với những điều đó, khó tránh khỏi có ý kiến cho rằng, không biết có chỗ dựa nào khác của Thiền tông Tân Diệu ngoài điểm tựa là giấy phép xuất bản của các cơ quan quản lý nhà nước cho các đầu sách của ông Nguyễn Nhân?

Với tư cách công dân, mọi người đều có quyền bày tỏ những gì trong đầu họ nghĩ, có thể đó là sự ám ảnh, nỗi hoang tưởng, thậm chí là giấc mơ (mà đối với họ là ý nghĩa) miễn pháp luật không cấm và không xâm phạm về thể chất lẫn niềm tin của người khác cũng như nguyên lý đạo đức phổ quát. Tuy nhiên, với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các đơn vị nắm quyền cấp pháp lý cho các ấn phẩm, văn hóa thì không thể tùy tiện. Điều đó càng không thể chấp nhận khi mạo danh Phật để xuyên tạc Đức Phật, gắn những nội dung vô căn cứ vào các nhân vật lịch sử, như các đầu sách của ông Nguyễn Nhân mà Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trung ương GHPGVN đã có phản ánh chính thức.

Câu chuyện này đã được đẩy đưa gần 3 năm nay, không biết bao giờ mới có kết luận, rằng nhận định của Viện Nghiên cứu Phật học VN là đúng, hợp lý; hay nội dung các đầu sách của ông Nguyễn Nhân là giá trị, cần được phổ biến và ứng dụng rộng rãi hơn nữa?

Câu trả lời, trong tình hình hiện nay, thẩm quyền thuộc về các cơ quan chức năng, trực tiếp là Cục Xuất bản và Ban Tôn giáo Chính phủ.

__________

* Xem tiếp kỳ tới: Đối với các ấn phẩm có nội dung được các tổ chức tôn giáo phản ánh là xuyên tạc lịch sử, các nhà chức trách nói gì?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.