Khi niềm vui nhân đôi và nỗi buồn giảm đi một nữa !

Giác Ngộ - Khi mặt đất còn đẫm sương đêm; khi cả Hà Nội còn vùi mình trong giấc ngủ Đông thì đoàn xe chở các bệnh nhân khoa K1, K2 - bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân khoa chạy thận bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân bệnh viện Nhi TƯ đã hối hả lên đường. 5h30’ mọi người đã có mặt đông đủ tại chùa Vân Hồ, số 40 phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng địa điểm tổ chức khoá tu “Một ngày an lạc”.

VH (3).JPG

Chùa Vân Hồ - Nơi tổ chức khóa tu

Mang tình thương sưởi ấm nỗi đau

Đây là khoá tu được tổ chức luân phiên hàng tháng theo thứ tự giữa các chùa trong ban từ thiện xã hội Phổ Quang. Khoá tu lần trước đã được tổ chức tại chùa Phổ Linh, quận Tây Hồ cho gần 800 bệnh nhân và vinh dự được TT. Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH thuyết pháp và cố vấn. Sau những thành công nhất định từ khoá tu lần trước, được sự tán thán và động viên khuyến khích của Thượng toạ Trưởng ban Hoằng pháp, Sư cô Đàm Chung - Trụ trì chùa Phổ Linh, Trưởng ban Tổ chức khoá tu đã đề xuất các Ni sư, Sư cô trong Ban Từ thiện để khoá tu lần này đã được tổ chức tại chùa Vân Hồ do Ni sư Thích Đàm Nhung làm Trưởng ban Tổ chức đồng thời chịu trách nhiệm chính trong khâu hậu cần.

VH (1).JPG

Đông đảo bệnh nhân và Phật tử dự khóa tu

VH (2).JPG

Thật không hổ danh là chùa nấu cỗ chay thuộc hàng đệ nhất chốn Hà thành. Khi các bệnh nhân đã yên vị cũng là lúc những tô cháo nấm thơm lừng, bốc khói nghi ngút được “tiếp thị” đến tận tay từng bệnh nhân. Dù khuôn viên chùa chật hẹp chưa có Trai đường, nhà giảng riêng biệt nhưng ai nấy đều thọ thực trong chánh niệm. Bảy giờ buổi sinh hoạt Phật pháp bắt đầu. Sư cô Liên Tường - Tiến sĩ Phật học đã khéo léo thuyết giảng cho toàn thể các bệnh nhân nghe về ý nghĩa của pháp môn niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Khoảng sân hẹp trước chánh niệm như bừng sáng bởi tiếng niệm Phật của gần 600 con người. Tiếng niệm Phật lúc thì trầm ấm ngân vang, lúc lại cao trào đầy khí lực thật chẳng khác nào dàn nhạc trời đang trỗi dậy của Càn Thát Bà Vương. Với các bệnh nhân thì được sống thảnh thơi, tạm quên đi mọi buồn đau, lo lắng thường nhật của kiếp người là điều hạnh phúc nhất trên đời. Nếu ai đó đã một lần nằm viện hẳn sẽ cảm nhận sự dài ra đến vô cùng của thời gian và sự ngắn ngủi đến không thể đo luờng được của mạng sống con người. Có lẽ, do cảm nhận được sự buốt đau tận cùng của sự sống mà các bệnh nhân nơi đây đều mong muốn kiếm tìm cho mình một đối tượng giới đức để tôn thờ và họ đã tìm đến điểm tựa tâm linh cuối cùng là đạo Phật, là Đức Phật.

VH (4).JPG

ĐĐ. Thích Thanh Phương thuyết pháp

VH (7).JPG

Chư tôn đức Ni trong Ban Tổ chức

Nhìn những mái đầu không thể mọc tóc vì xạ trị hoá chất; quanh năm phải quấn khăn trùm đầu của các bệnh nhân ung thư, những đôi môi tím tái màu nho chín của các bệnh nhân tim, những đôi mắt thâm quần của các bệnh nhân chạy thận là đủ biết các nỗi khổ về thân bệnh mà chúng sinh phải gánh chịu nơi cõi Ta bà. Có lẽ vì thế mà khi xưa Thái tử Tất Đạt Đa dù được sở hữu đầy đủ tài, sắc, danh, thực, thuỵ nhưng vẫn đau đáu trong lòng nỗi buồn nhân thế. Vẫn luôn trầm tư với những nỗi khổ không lời giải đáp của chúng sinh : làm sao cho con trẻ mãi không già? Làm sao cho con khoẻ mãi không đau? Làm sao cho con sống hoài không chết? làm sao cho mọi người hết khổ?.

Với các bệnh nhân ung thư khoa K1, K2 thì sự sống chỉ tính bằng phút giây. Thế nhưng ước vọng được cảm nhận thế giới sắc màu bằng tất cả các giác quan luôn là nỗi khát khao cháy bỏng nâng đỡ họ tồn tại. Dẫu biết rằng suốt phần đời còn lại của mình một công việc giản đơn là cầm trên tay chiếc lược ngà để chải làn tóc mây mềm mượt dù chỉ một lần là điều không bao giờ thành hiện thực, nhưng bản năng sống vẫn trỗi dậy trong họ những ước mơ. Một ngày chưa xuất viện là một ngày thêm những tiếng thở dài, những ánh mắt u buồn lặng nhìn sự sống bên thềm sự chết.

VH (5).JPG
VH (6).JPG

Phật tử đăng ký quy y Tam bảo

VH (8).JPG

Thương thương những tấm lòng vàng

Thấu hiểu những nỗi đau không gì bù đắp nổi này, các Ni sư, Sư cô, các Phật tử trong Ban từ thiện Phổ Quang đã tổ chức khoá tu để đem lại chút niềm vui cuối buổi chiều tà còn sót lại cho các bệnh nhân. Được nghe thuyết pháp, giảng kinh khiến nỗi buồn của các bệnh nhân được vơi đi một nửa. Được sống trong chánh pháp dù chỉ một ngày cũng đủ để làm cho các bệnh nhân thẩm thấu được chân giá trị của Tam pháp ấn khổ, không, vô ngã của thế giới nhân sinh, thấm thía hết chân giá trị của sự sống này. Còn đối với các Ni sư, Sư cô, các Phật tử, các thiện nguyện viên trong Ban từ thiện xã hội Phổ Quang thì sau mỗi lần tổ chức khoá tu lại thấy trọng trách với sứ mạng độ sinh của mình thêm lớn, thấy mình càng phải công phu, lao tác nhiều hơn. ĐĐ. Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sùng Phúc - người vừa tổ chức thành công khoá tu trì tụng 108 biến Đại bi cho hàng ngàn Phật tử khi hay tin có khoá tu dành cho các bệnh nhân đã tạm gác lại công việc Phật sự đa đoan để cùng về tham dự. Được nghe Đại đức thuyết giảng về:“sự giả tạm của thân ngũ uẩn”, các bệnh nhân như vợi đi nỗi đớn đau đã đè nặng bấy lâu, thấy sự khổ bây giờ như mây khói. Thế mới hay một trái tim vui vẻ giết chết nhiều vi trùng hơn mọi kho thuốc trên thế gian. Còn Ni trưởng Vân Hồ dù tuổi hạc đã tròn 90 nhưng không dấu nổi sự xúc động nói: “Sống từng này tuổi đầu rồi, lâu lắm mới thấy có ngày vui như hôm nay”. Không vui sao được khi cứ mỗi lần tổ chức khoá tu là mỗi lần hơn trăm con người phát tâm quy y Tam bảo. Cứ mỗi lần tổ chức khoá tu là mỗi lần thấy các giá trị nhân bản của đạo Phật được toàn thể cộng đồng biết đến trân trọng, nâng niu và phát huy tích cực.

VH (9).JPG
VH (10).JPG

Phát quà Xuân đến các bệnh nhân

VH (11).JPG

Biết được các bệnh nhân đã phải hao mòn về thể lực, khánh kiệt về tiền bạc do phải nằm viện lâu ngày nên cứ sau khi kết thúc khoá tu ai nấy đều được tặng một phần quà giá trị 150.000 đồng từ Ban từ thiện xã hội Phổ Quang. Âu đó cũng là chút an ủi về vật chất cho người bệnh.

Sư cô Thích Đàm Vân - Trụ trì chùa Vĩnh Thịnh, huyện Thanh Trì dù cơ sở vật chất của chùa còn ở mức “khiêm tốn” nhưng sau khi tham dự khoá tu đã mạnh dạn “đăng cai” tổ chức khoá tu “Một ngày an lạc” kế tiếp. Thế mới hay, cái chân lý mà ngàn xưa Đức Phật đã giảng dạy rằng bố thí là đệ nhất đạo luôn là lẽ sống, là kim chỉ nam cho các đệ tử của Ngài lấy đó làm phương tiện lợi tha.

Tạm chia tay khoá tu để hẹn một ngày gặp lại, tâm trạng ai nấy đều xốn xang khó nói lên lời. Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Q trải qua quãng đường dài hơn 100km để về với khoá tu và quy y Tam bảo cứ rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào không thốt thành câu. Đoàn xe đã lăn bánh chở các bệnh nhân về lại các bệnh viện những biết bao bàn tay vẫn cố đưa ra khỏi cửa xe để vẫy chào quý Ni sư, Sư cô, các Phật tử cùng các thiện nguyện viên đã dành cho các bệnh nhân một ngày thật sự an lành.

Lại một mùa xụân nữa đang về trên quê hương chúng ta. Trong niềm vui trọn vẹn bên mâm cơm gia đình đầm ấm sum họp ngày xuân thì lẳng lặng một góc khuất nơi xa bên trong những mảng tường vôi trắng toát lạnh lùng là những cái Tết lẻ loi, đơn độc của hàng ngàn, hàng vạn bệnh nhân đang phải ngày đêm chiến đấu với tử thần giành lại sự sống từ lưỡi hái của thần chết. Nếu ai đã từng có được niềm vui tay trong tay bên người thân yêu, gia đình, bè bạn hẳn thấy sự cô đơn đáng sợ biết chừng nào. Phải gặm nhấm nỗi cô đơn khi thể lực đã hao mòn, trí lực đã mệt mỏi và tiền bạc đã suy kiệt là nỗi khổ đau quá sức chịu đựng mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu. Mong rằng bất cứ ai khi đọc được những dòng chữ này đừng đọc luớt qua. Hãy đọc nó thật lâu và đọc nó bằng chiều sâu của không gian tâm thức !

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.