Khi niềm tin khủng hoảng

GN - Kể từ sau Tết Ất Mùi 2015, nhiều loại bạo lực đã gia tăng: bạo lực lễ hội; bạo lực học đường. Bạo lực lễ hội cho ta thấy bên cạnh sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống là một niềm tin mù quáng đi đến cuồng tín và thường là dẫn đến xung đột.

Những cảnh đánh nhau tại lễ hội, cướp gươm ấn đền Trần… là minh chứng rõ nhất hình ảnh phản cảm đi ngược lại truyền thống dân gian và lịch sử dân tộc. Còn bạo lực học đường, đây là chuyện không mới. Nhưng, cái cách giáo dục tại nhà trường hiện nay gây cho ta mối băn khoăn và hoài nghi.

bao luc.jpeg


Bạo lực học đường - mối lo chung của toàn xã hội - Tranh minh họa

Cơ chế học đường hiện nay phổ biến là Ban Giám hiệu và Hội Phụ huynh học sinh. Ở các lớp thì có lớp trưởng, lớp phó. Ngoài giáo viên chủ nhiệm ra, quyền hành đều nằm trong tay lớp trưởng. Chính vì vậy cho nên mới có chuyện đánh đập hội đồng một nữ sinh lớp 7 tại một trường ở Trà Vinh. Vụ việc này mới nghe qua thì cũng “sốc”, nhưng càng nghĩ nhiều mới thấy đau lòng. Không phải chuyện bé xé ra to, nhưng nó cho ta thấy hình ảnh của một niềm tin bị khủng hoảng trầm trọng xuất hiện nơi thanh thiếu niên, chẳng những ở ngoài xã hội mà diễn ra ngay chốn học đường, rằng sau khi đánh đập nữ sinh lớp 7, ai hé răng sẽ bị ăn đòn tiếp.

Sợ trả thù đến nỗi không ai dám lên tiếng. Những vụ việc này luật pháp không với tới, truy cho cùng cũng chỉ do mâu thuẫn, xô xát cá nhân và xử lý hành chánh là chấm hết!

Ngay chuyện trộm chó bị đánh đến chết là bởi vì một bộ phận người dân thiếu niềm tin vào luật pháp và họ cho rằng tự xử là cách ứng phó nhất thời và hiệu quả, nhằm bảo vệ tài sản của chính mình.

Tất cả những hành vi bạo lực kể trên xuất phát từ sự khủng hoảng và mất niềm tin. Từ những chuyện hàng gian, hàng giả, đời sống ô nhiễm môi trường… cho đến chuyện học trò đánh thầy cô, chạy chức, chạy quyền, gạ tình lấy điểm… những chuyện như vậy được nghe, thấy hàng ngày tạo ra một nỗi bi quan thường trực và dần dà niềm tin bị khoét một lỗ hổng lớn.

Trước vấn đề này, người lớn thường phản ứng bằng cách yên lặng, nhưng lớp trẻ thì không. Chúng ta có thể cảm nhận được qua các kênh thông tin cá nhân như Facebook, người trẻ tiếp thu và phản ứng dưới nhiều hình thức...

Mọi việc đặt ra ở đây không phải để chúng ta nhìn toàn màu xám, mà dành cho những nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và nhà xã hội học vắt óc suy nghĩ tìm ra những phương pháp khả thi để từng bước cải tổ lại những chính sách liên quan đã đi vào lạc hậu, cụ thể nhất là chuyện cái quyền của lớp trưởng hiện nay cùng những đề tài khó nhai mà chúng ta đang đề cập. Bởi vì có những chuyện tiêu cực phát sinh không nằm trong luật định, nên chuyện xử phạt không thể ứng dụng được.

Chỉ có một ít chuyện có thể vận dụng trong luật để xử lý như chuyện trộm chó được cho là xâm phạm tài sản của công dân, chứ thật ra con chó không có trong luật. Và còn nhiều chuyện khác nữa mà pháp luật hiện cũng lúng túng trong việc xử như thế nào đây, đó là vấn đề cần quan tâm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.