Khi nhà sư kể chuyện đời

GN - Thầy Ahjan Brahm là một trong những vị thầy có sức ảnh hưởng ở phương Tây và là tác giả của hàng loạt ấn phẩm có giá trị sâu sắc về Phật giáo.

Vị Thiền sư đến từ phương Tây

Ahjan Brahm trước hết là một người có nhân duyên đặc biệt với Phật giáo, nói theo cách thông thường là có “căn duyên sâu dày, nhiều đời nhiều kiếp đã là đệ tử của Đức Phật”. Bởi Ahjan Brahm sinh ra ở Anh, nơi Phật giáo không phải là tôn giáo phổ biến. Song từ năm 16 tuổi, Ahjan Brahm khi đó còn là một học sinh trung học, đã tham dự rất nhiều khóa thiền, đọc sách Phật giáo và tu tập như một Phật tử.

ajahn-brahm.jpg


Thầy Ahjan Brahm

Năm 18 tuổi, Ahjan Brahm trở thành sinh viên Đại học Cambridge, chuyên ngành Vật lý lý thuyết. Vật lý học - vũ trụ học, dường như là con đường tiếp nối khiến Ahjan Brahm càng thêm tin tưởng vào giáo lý của Phật và gieo cho chàng trai này niềm tin vững chắc đi theo con đường Bát Chánh đạo của Đức Thế Tôn. Chính vì vậy, hành trình tu học của Ahjan Brahm chính thức bắt đầu ngay khi tốt nghiệp đại học.

Năm 23 tuổi, Ahjan Brahm sang Thái Lan và quyết định xuất gia. Ban đầu, chàng trai trẻ chỉ có ý định trải nghiệm theo phương thức “xuất gia gieo duyên” - trở thành người tu sĩ có thời hạn, một tập tục phổ biến ở vương quốc Thái Lan. Nhưng, thời gian như qua đi rất nhanh, Ahjan Brahm dành tới 9 năm sau đó để tu học theo Phật giáo truyền thống khổ hạnh sơn lâm, và người lãnh thọ pháp hành xuất sắc, trở thành một trong những đệ tử nổi bật của Đại sư Ajahn.

Chia sẻ về quyết định thay đổi cuộc đời mình trên Đài phát thanh châu Úc vào năm 2003, thầy Ahjan Brahm nói: “Sự an định trong thiền là những gì làm thay đổi cái nhìn của tôi về ý nghĩa của đời sống, và tôi muốn tìm hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa đó. Điều này chỉ thực hiện được trong đời sống xuất gia”.

Khi vị sư kể chuyện đời

Là trụ trì của tu viện Giác Thừa - tu viện Phật giáo truyền thống Theravada đầu tiên và cũng là tu viện có nhiều Tăng chúng nhất ở châu Úc, thầy Ahjan Brahm đã thuyết giảng trực tiếp cho hàng chục ngàn thiền sinh và Phật tử. Không những vậy, thầy còn là tác giả của gần chục đầu sách với những lý giải thâm sâu về Phật giáo. Tác phẩm của Ahjan Brahm truyền tải những thông điệp sâu sắc về lòng từ bi, sự giác ngộ. Sách của thầy đặc biệt đa dạng về thể loại, phù hợp với nhiều đối tượng đọc khác nhau: từ người mới tìm hiểu về Phật giáo đến các thiền sinh, tu sĩ. Tiêu biểu là bộ sách: Mở cửa trái tim, Buông bỏ buồn buông, Tâm từ, Hạnh phúc đến từ sự biến mất…

Trong khi Mở cửa trái tim là một tác phẩm được viết gần gũi và nhẹ nhàng như một cuốn “tản văn” mà bất kỳ ai, ở bất kỳ tôn giáo nào đều có thể đồng cảm, tiếp nhận được về con người, tình yêu, về sự tha thứ, về lòng bao dung - những triển khai trên tinh thần của tâm Từ bi; thì Buông bỏ buồn buông lại ở một mức độ tiếp cận Phật giáo cao hơn. Đó là 70 mẩu chuyện chứa đựng những triết lý sâu sắc của Phật giáo về sự buông xả, an lạc, lòng từ bi, tôn trọng, sự tha thứ và tình yêu vô điều kiện. Đây cũng là những chiêm nghiệm, trải nghiệm từ cuộc đời của chính tác giả: từ khi tu tại gia, đến khi xuất gia, trở thành trụ trì tu viện Giác Thừa.

Đi sâu hơn về đạo Phật và thiền một bước nữa là tác phẩm “Tâm từ”. Đây là cuốn cẩm nang hướng dẫn phương pháp“hơi thở đẹp”, gồm 5 bước thực hành, và cũng là cách hướng dẫn thiền sinh đạt được trạng thái tâm an bình, từ bi. Cuối cùng, “Hạnh phúc đến từ sự biến mất” lại là cuốn sách “nâng cao” hơn cả khi mô tả các trải nghiệm, chứng ngộ trên con đường tu thiền nhằm đạt được giác ngộ. Cuốn sách đề cập đến những khái niệm chuyên sâu về Phật giáo, và nhấn mạnh con đường giác ngộ chính là con đường chuyển hóa cái tôi - “vô ngã”.

IMG_7729.jpg


Một số tác phẩm của thầy Ahjan Brahm được chuyển ngữ
sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam - Ảnh: K.H

Dõi theo những tác phẩm của Ahjan Brahm, người đọc dường như được vị thiền sư này “gieo duyên” và dần dần dẫn dắt trên con đường đi tìm sự giác ngộ. Để làm được điều này, phải nhắc đến nghệ thuật kể chuyện của Ahjan Brahm trong các tác phẩm của mình. Chia sẻ về điều này, thầy từng nói: “Chúng ta hiểu rõ đời sống qua các câu chuyện, hơn là qua các ý tưởng. Các ý tưởng tựa hồ như thể một bản báo cáo xưa cũ về những gì thật sự xảy ra trong cuộc sống. Nếu chúng ta kể các mẩu chuyện về đời sống thường nhật chung quanh ta và lồng trong đó các ý nghĩa mà ta muốn truyền tải, người nghe sẽ dễ thông hiểu và hấp thu. Vì thế, tôi thích kể các câu chuyện ý nhị đó”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.