GN - Trước vấn đề “văn hóa đi chùa” đang được bàn luận sôi nổi trên báo chí và các diễn đàn những ngày đầu năm Kỷ Hợi, Giác Ngộ ghi nhận ý kiến của một số người trẻ hiện đại.
Đến chùa với tâm thành là chính, khi đã có người đốt nhang, chỉ cần trang nghiêm hướng về Tam bảo
- Ảnh minh họa
* BÙI DUY ĐỨC (33 tuổi, Hà Nội - Kiến trúc sư tại Pháp):
Với gần chục năm làm kiến trúc sư thiết kế đô thị (thuộc Viện Quy hoạch vùng đô thị Toulouse, thành phố Toulouse, Pháp), tôi nhận thấy người Việt Nam ở đây đi chùa được phân theo các nhóm:
1. Những sinh viên sang du học tại Pháp, đi chùa để hồi hướng về gia đình ở Việt Nam. Họ giữ một thói quen, phong tục, một mối liên hệ tâm linh để giảm bớt cảm giác về khoảng cách với người thân. Nhu cầu về nghe pháp hay đọc kinh của họ rất ít.
2. Người Việt sinh sống lâu năm tại Pháp, về cơ bản họ cũng giống như người Việt ở trong nước, đi chùa cầu bình an, phúc lộc và công đức xây dựng chùa. Một số ít chú tâm vào đọc kinh, nghe pháp hoặc tự tu tập bằng cách nghe các bài giảng trên YouTube. Nhu cầu tâm linh của họ cũng như người trong nước.
3. Những đứa trẻ thế hệ thứ 2 đến chùa do từ nhỏ được bố mẹ đưa đến sinh hoạt thì thông thường các chùa sẽ mở lớp võ, múa lân, lớp học tiếng Việt cho các cháu nhỏ học trong lúc bố mẹ đọc kinh. Lớn dần thì các cháu tiếp tục sinh hoạt với các bạn bè trong cộng đồng đó. Việc đến chùa như một sinh hoạt ngoại khóa, giữ bản sắc văn hóa hơn là nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo. Thế hệ này chịu ảnh hưởng giáo dục phương Tây nên họ chú trọng đời sống thực hơn đời sống tâm linh.
Các bạn trẻ như trên cũng giống những người nước ngoài có vợ/ chồng là người Việt Nam, đến chùa chỉ vì “nghĩa vụ” đi cùng người bạn đời của mình. Họ ít vốn tiếng Việt để hiểu được các giáo lý của đạo Phật. Trừ những trường hợp có duyên, họ sẽ tự tìm đến những tài liệu tiếng nước ngoài, hoặc các trung tâm, thiền phái dành cho người nước ngoài.
Gia đình tôi vẫn ở Việt Nam, và tôi vẫn thường xuyên về vào dịp đầu năm, vẫn cùng mẹ đến chùa Trấn Quốc và nhiều địa điểm tâm linh khác ở Hà Nội. Tôi thấy đi chùa đầu năm là văn hóa đẹp, nhưng nếu các bậc phụ huynh trong gia đình không thấy được đúng giá trị của việc làm đó để truyền lại ý nghĩa tốt đẹp và hướng thiện cho con cháu, thì việc nhận thức về tâm linh của thế hệ trẻ trong mỗi gia đình dễ bị lầm lạc. Khi đó chuyện đến chùa để cầu xin, gài tiền vào tượng Phật đương nhiên khó tránh khỏi.
Bản thân tôi luôn nghĩ rằng: Những nơi linh thiêng chứa nguồn năng lượng tốt lành thì rất tốt cho việc tu tập, nên tìm cách cảm nhận và biết hòa mình vào nguồn năng lượng ấy. Khi cuộc sống làm tâm mình bất an thì cũng có thể tìm đến đền chùa và nương tựa vào những nguồn năng lượng đó để tìm lại sự cân bằng. Những năng lượng yên lành đó sẽ đến và được cảm thụ thông qua nhận thức và sự tu tập.
* TRẦN ĐÌNH TOÀN (30 tuổi, Hà Nội - Hướng dẫn viên du lịch):
Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó rằng: Nếu buổi sáng là tích tụ tinh khôi của đất trời thì tuổi trẻ là mầm non tinh khôi của tương lai xã hội. Và nếu tuổi trẻ được tiếp cận sớm với giáo lý của đạo Phật để tu tâm sửa tính: tu cho tâm được sáng, sửa cho tính được thẳng ngay thì chắc chắn những mầm non này thực sự là những mầm non tương lai của đất nước mang lại những lợi ích cho cuộc đời, xã hội. Vậy nên tôi thường xuyên cho con gái 5 tuổi của mình cùng đến chùa, để dạy con đôi điều mang tính nguyên tắc của cuộc sống từ nơi cửa thiền, giúp con cảm nhận được niềm an vui, hạnh phúc từ những người xung quanh.
Thêm nữa, tôi đến chùa là còn để có duyên được nghe lời giảng của quý thầy. Nó không chỉ là câu chuyện tôn giáo, mà là nhân sinh quan từ một góc nhìn khác, cao hơn người thường rất nhiều, từ đó hướng gia đình gieo được nhiều nhân lành, tránh gây nhân dữ hàng ngày.
* DƯƠNG KHÁNH ĐẠT (32 tuổi, Thái Nguyên - chủ cửa hàng cơm chay):
Quan niệm và cách đi chùa của bản thân mình có thể khác nhiều người. Đầu tiên là mình lên chùa không có ngày xác định trước, mà rảnh ngày nào có thể lên công quả được thì đi ngày đó, không nhất thiết là mùng một, ngày rằm hay đầu năm.
Tôi cũng không mua hương, tiền vàng bánh kẹo lên chùa thắp nhang mà tiền đó sẽ để vào hòm công đức nhờ nhà chùa mua hương hoa thắp giùm mình. Với tôi, đi chùa là để tìm sự thanh thản trong tâm, hoặc làm công quả tích phước,chứ không phải lên để cầu xin điều nọ điều kia. Ở đời, họa phước mình gieo mình sẽ hưởng chứ không thần Phật nào có thể gánh đỡ hay ban tài phát lộc cho mình cả.
Khi lên chùa, được tiếp xúc với giáo lý nhà Phật, mình thấy lòng từ bi tăng trưởng hơn rất nhiều, giúp tâm an vui hơn.
L.Đ.K ghi