>> Nghĩ về những nỗi bất an
Trộm cướp lộng hành, bất chấp, tàn nhẫn... ngày càng nhiều
là biểu hiện của đạo đức xuống cấp - Minh họa của họa sĩ NOP
1. Trong một lần đến thăm người thân mới đây ở Long An, mặc dù không chứng kiến tận mắt cảnh “hai thằng chạy xe vờ hỏi mua, chúng giật xấp vé số và cái túi đựng tiền trên tay cụ rồi phóng xe biến mất” - như lời của vài người có mặt trong đám đông để giúp đỡ cụ, nhưng tôi được chứng kiến cảnh người góp một ít tiền với tinh thần “của ít lòng nhiều” để giúp đỡ người bán vé số già là nạn nhân trong vụ việc kia.
Thật xúc động khi chứng kiến anh chủ quán cơm ở thị trấn Hậu Nghĩa - nơi xảy ra sự việc, còn mời cụ ăn một suất cơm miễn phí, dúi thêm cho cụ một ít tiền và đưa cụ ra tận trạm xe buýt để đón xe cho cụ về Củ Chi. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” - cái tuổi mà lẽ ra cụ đã được nghỉ ngơi nhưng cụ vẫn rong ruổi đi bộ cả chục ki-lô-mét để bán vé số, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Vậy mà có kẻ vô lương tâm cướp đi cả vốn liếng, công sức, mồ hôi và nước mắt vốn đã cạn kiệt của một người già. Những người chứng kiến, nghe kể lại hầu hết đều bày tỏ thái độ căm giận đối với đối với hành động mất nhân tính, vô đạo đức đó.
Mới đây, Công an TP. HCM cũng vừa triệt phá một băng cướp chuyên cướp vé số của người già, người tàn tật. Trước đó, một vụ việc tương tự cũng diễn ra ở thành phố này. Một cụ già hơn 70 tuổi, bị cụt tay đứng khóc thảm thiết cạnh gốc cây khi bọn cướp nỡ cướp đi của cụ khoảng 150 tờ vé số. Tấm lòng hảo tâm, tương thân, tương ái của người dân có thể phần nào làm ấm lòng của cụ. Và sự việc trên đã làm “dậy sóng” dư luận - khi đông đảo người dân, đặc biệt là cư dân mạng lên án, tỏ lòng thương cảm đối với nạn nhân cũng như tỏ lòng căm phẫn đối với bọn cướp.
Tuy nhiên, cũng có một số người vẫn “đề cao cảnh giác”, họ “đòi” xem đằng sau sự việc đó có phải do bọn chăn dắt trẻ em, người già, đi bán vé số, ăn xin “đạo diễn” hay không? Những luồng ý kiến này tuy không nhiều và có vẻ lạc lõng so với luồng dư luận nổi trội kia nhưng không phải là không có lý. Hiện tượng chăn dắt trẻ em, người già đi ăn xin, đi bán vé số đã và đang tồn tại đâu đó ở một số địa phương trên cả nước. Và những màn kịch do bọn chăn dắt “đạo diễn” thường đem lại cho chúng một nguồn thu rất lớn.
2. Thỉnh thoảng trên các kênh truyền thông lại xuất hiện các thông tin làm tôi nhói lòng, chẳng hạn như việc một số cán bộ ở xã Thanh Chi - Thanh Chương - Nghệ An đã “phù phép” cho một số người chết được sống lại, người còn sống thì được khai tử, người ít tuổi thì được tăng tuổi để được hưởng trợ cấp, số tiền hỗ trợ của người tàn tật thì bị “xén” bớt..., trong đó có cả những người có công với cách mạng; hãm hiếp đánh đập cả người già; cha đốt con, con đâm chết cả chính người đẻ ra mình; thậm chí có người chồng còn ném vợ xuống sông với lý do “giúp vợ” vì vợ anh ta bị tai biến không làm được việc gì...
“Nhân bản” kết quả xét nghiệm, “lách” luật trong việc ký hợp đồng lao động, cắt xén công quỹ... làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi…, tất cả sự vụ như thế xuất hiện ngày càng nhiều đã báo động sự xuống cấp về mặt đạo đức một cách trầm trọng. Việc kẻ cướp đang tâm cướp tài sản của những người không có khả năng kháng cự hoặc năng lực kháng cự hết sức yếu ớt, mong manh hay việc các đối tượng chăn dắt người già, trẻ em đi bán vé số, ăn xin... để mang tiền về cho chúng hay việc chúng đứng ra “đạo diễn” thành các tình huống đại loại như “người già, người tàn tật bị giật mất vé số” để nhận được chia sẻ, giúp đỡ từ mọi người là những hành động mất nhân tính.
Các nghiên cứu xã hội học cho thấy, hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức thường gắn với các hành vi, hành động lệch lạc nói chung và hiện tượng tội phạm nói riêng. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những biện pháp nhằm “đánh thức cái thiện, đẩy lùi cái xấu”, có như thế mới mong ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trên bình diện toàn xã hội một cách hiệu quả.