GNO - Sáng nay, 11-6, tại Nhà Văn hóa tỉnh Kiên Giang (đường Nguyễn Trung Trực, TP.Rạch Giá, Kiên Giang), Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Học viện Phật giáo Nam tông Khmer phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc”.
>> Về hội thảo Nam tông Khmer diễn ra sáng nay, 11-6
>> PG Nam tông Khmer - bộ phận không thể tách rời của PGVN
>> Tưởng niệm 4 vị sư Khmer hy sinh vì Tổ quốc
Cung nghinh chư tôn đức quang lâm hội trường
Quang lâm chứng minh có: HT.Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật HĐCM; HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS cùng chư tôn đức trong Thường trực HĐTS; BTS GHPGVN các tỉnh, thành; Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh, thành, cũng như đại biểu đại diện các truyền thống Phật giáo tham dự.
Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Dương Quốc Xuân, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; ông Lê Duy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; bà Trần Tuyết Em, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; TS.Phạm Công Khanh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang; đại diện chính quyền địa phương tỉnh; Ban Tôn giáo các tỉnh, thành Tây Nam bộ; các học giả, nhà nghiên cứu cũng như địa phương sở tại và đông đảo Phật tử tham dự.
Văn nghệ chào mừng
TT.Danh Lung phát biểu khai mạc
Chư tôn đức tham dự hội thảo quan tâm lắng nghe
Phát biểu khai mạc, TT.Danh Lung, Phó ban Thường trực BTC cho biết Phật giáo Nam tông Khmer là một trong 9 tổ chức, hệ phái tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã luôn đồng hành và tích cực tham gia, đóng góp cho sự tồn tại, hưng thịnh và phát triển đất nước.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chư Tăng và Phật tử Khmer đã có những đóng góp to lớn. Các thế hệ chư Tăng Khmer đã tiếp nối truyền thống đấu tranh của các bậc tiền nhân và trở thành tấm gương sáng cho hậu thế noi theo như HT.Tăng Phô, HT.Tăng Hô, HT.Tăng Nê và bốn vị sư liệt sĩ…
Thông qua hội thảo lần này một lần nữa góp phần khẳng định vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer trong công cuộc hộ quốc an dân và định hướng cho sự phát triển của hệ phái trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Chư tôn đức và đại diện chính quyền tặng hoa chúc mừng
ĐĐ.Thích Minh Nhẫn, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang phát biểu chào mừng chư tôn đức và các học giả, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo, tin tưởng với tinh thần làm việc nghiêm túc, hội thảo sẽ thành công tốt đẹp - mở ra một kỷ nguyên mới cho việc phát triển và hội nhập trong thời đại ngày nay.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, TS. Phạm Công Khanh cho biết, nhân lễ tưởng niệm 40 năm ngày bốn sư liệt sĩ hy sinh, hội thảo càng có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh, giáo dục và phát huy những đóng góp của sư sãi và tín đồ Phật giáo Hệ phái Nam tông Khmer trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay.
Toàn tỉnh hiện tại có 75 chùa Nam tông Khmer và một chùa Nam tông Kinh với 938 vị sư sãi, 4 cơ sở thờ tự được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 3 cơ sở được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; trong cuộc chiến tranh xâm lược cùng dân tộc đã có không ít sư sãi hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, điển hình là bốn nhà sư liệt sĩ.
Tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã qua, mong muốn Phật giáo Nam tông tích cực đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ủng hộ các chính sách của địa phương về công tác an sinh xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng luôn phát triển.
ĐĐ.Thích Minh Nhẫn, đại diện BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang phát biểu chào mừng
TS.Phạm Công Khanh, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh phát biểu
Ông Bùi Hữu Dược phát biểu
Thay mặt Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Bùi Hữu Dược gởi lời chúc mừng của lãnh đạo Đảng, nhà nước tới Ban Tổ chức Hội thảo, bên cạnh đó nêu bật ý nghĩa của hội thảo lần này - tạo tiền đề cho những nghiên cứu có tính sâu hơn về Phật giáo Nam tông Khmer cho những lần kế tiếp. Ông Dược nói đây cũng là một hội thảo mang dấu son trong việc 10 năm thực hiện 7 nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Phật giáo Nam tông Khmer như thống nhất tên gọi Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer; cho phép in kinh sách; hỗ trợ lập trường và thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; khen thưởng, động viên các chùa, các nhà sư có công với đất nước...
Qua đó, ông Vụ trưởng bày tỏ, với 454 ngôi chùa, tin tưởng Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của Giáo hội, trên tinh thần phụng sự đạo pháp - dân tộc.
HT.Thích Giác Toàn phát biểu
HT.Thích Thiện Nhơn
HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, đồng Trưởng BTC Hội thảo phát biểu, nhấn mạnh, Phật giáo Nam tông Khmer có mặt ở miền Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vào khoảng thế kỷ thứ 4 với khoảng 10.000 vị sư, chiếm 20% trên tổng số tu sĩ Phật giáo cả nước.
Hòa thượng gửi gắm tin tưởng, hội thảo lần này làm rõ về thế giới quan - nhân sinh quan Phật giáo, triết học chính trị - xã hội Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, văn hóa và giáo dục Phật giáo cũng như hình thái đặc sắc của Phật giáo Nam tông Khmer. Với sự đóng góp chất xám của tập thể các nhà nghiên cứu và các nhà Phật học trong Hội thảo sẽ phát hiện, thảo luận và thống nhất về những đóng góp của cộng đồng Phật giáo Nam tông Khmer dành cho đất nước và GHPGVN.
Phát biểu chỉ đạo, HT.Thích Thiện Nhơn nói, với lập trường đúng đắn của GHPGVN - như Hiến chương đã quy định: “Tôn trọng các truyền thống hệ phái, các pháp môn tu học biệt truyền hành trì đúng Chánh pháp được tôn trọng, duy trì phát triển đúng hướng quy định của Giáo hội”, Trung Ương Giáo hội tán thán công đức của Viện nghiên cứu Tôn giáo, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã sáng kiến tổ chức hội thảo lần này. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, PG Nam tông Khmer tổ chức một hội thảo quy mô, mang nhiều ý nghĩa quan trọng, bằng tinh thần lạc quan tin tưởng, nhất là tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, trí tuệ tập thể sẽ giúp cho hội thảo đạt nhiều kết quả như ý.
HT.Thích Đức Nghiệp ban đạo từ
Ban đạo từ cho buổi khai mạc, HT.Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ HĐCM một lần nữa tán thán tinh thần làm việc nghiêm túc của chư Tăng và Phật tử Khmer cũng như BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang, được sự hỗ trợ đắc lực của lãnh đạo chính quyền tỉnh - tạo nên một hội thảo và lễ tưởng niệm trang nghiêm từ chiều hôm qua và sáng nay.
“Bằng tinh thần và trí tuệ của Tăng Ni và quý vị trí thức, tin tưởng rằng đây là một hội thảo tiền đề vô cùng quan trọng cho những lần nghiên cứu tiếp theo về Phật giáo Nam tông Khmer”, Hòa thượng đúc kết.
Dịp này, BTC Hội thảo đã trao giải thưởng HT.Tăng Phô vì “Đạo pháp - Dân tộc” đến HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Thiện Nhơn, HT.Thích Thanh Nhiễu, HT.Thích Giác Toàn, HT.Thạch Sok Xane, ĐĐ.Thích Minh Nhẫn.
HT.Thích Đức Nghiệp nhận giải thưởng
Trao giải thưởng tới HT.Thích Thiện Nhơn
Và HT.Thạch Sok Xane
Toàn cảnh hội trường sáng khai mạc
Sau phát biểu đề dẫn của TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, toàn thể hội trường đã lắng nghe 2 tham luận, của HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký với chủ đề “Phật giáo Nam tông Khmer trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam” - do TT.Thích Thiện Thống, UV Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng II báo cáo và tham luận với chủ đề “Phật giáo Nam tông Khmer tại Việt Nam” do HT.Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch HĐTS báo cáo.
Sau phiên khai mạc đã có 4 nhóm diễn đàn xoay quay bốn chủ đề gồm: Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành với dân tộc; Những vấn đề triết học và Phật học trong kinh điển Phật giáo Nam tông Khmer; Phật giáo Nam tông Khmer, các vấn đề hội nhập và phát triển; Phật giáo Nam tông Khmer, các vấn đề văn hóa và giáo dục do chư tôn đức và các nhà nghiên cứu chủ trì.
TS.Nguyễn Quốc Tuấn báo cáo đề dẫn
HT.Thạch Sok Xane trình bày tham luận
TT.Thích Thiện Thống đãi lao HT.Thích Thiện Nhơn báo cáo tham luận
Đại biểu dự hội thảo lắng nghe
Toàn thể hội nghị đã tham gia thảo luận sôi nổi, xung quanh các chủ đề để làm sáng tỏ nội dung về Phật giáo Nam tông Khmer.
Chiều cùng ngày, lúc 13 giờ 30, khóa lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông đã diễn ra và tiếp tục phiên hội thảo.
Tin: Quảng Hậu
Ảnh: Vũ Giang - Minh Triết