Kết nối sức mạnh nghìn năm trong sự nghiệp chấn hưng đất nước

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự và phát biểu ý kiến

Chỉ còn hơn 200 ngày nữa, Thủ đô Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. 1000 năm trước vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Với mong muốn tiếp lửa truyền thống và khơi nguồn sức mạnh lịch sử 1000 năm cho lực lượng doanh nhân-một trong những nhân tố chủ yếu quyết định đến sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam, hôm qua (4-3) tại Ninh Bình và Hà Nội đã diễn ra một chương trình đặc biệt với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam với Hoa Lư- Thăng Long-Hà Nội: 1000 năm xây dựng và phát triển bền vững”.

Về Cố đô Hoa Lư để ôn cố, tri tân

Lần đầu tiên, người dân trên quê hương sông Vân, núi Thúy đón một đoàn khách đặc biệt: 1000 doanh nhân đại diện cho lực lượng doanh nhân đông đảo của cả nước về hội tụ tại Cố đô Hoa Lư-mảnh đất khởi nghiệp của vương triều Đinh, Tiền Lê và là gạch nối lịch sử ngàn năm Hoa Lư-Thăng Long-Hà Nội. Theo kế hoạch, đúng 8 giờ sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm tại đền thờ vua Đinh, vua Lê. Nhưng mới 7 giờ 30 phút, các doanh nhân đã tác phong nhanh nhẹn, trang phục chỉnh tề, hàng lối gọn gàng theo chân nhau vào thắp hương, tưởng niệm anh linh hai vị hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và bia tưởng niệm vua Lý Công Uẩn trong khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư. Cầm nén hương thơm, tay chắp trước ngực, các doanh nhân đã cúi mình bày tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc hoàng đế đã có công khởi dựng, vun đắp giang sơn Đại Việt xưa, tạo nền móng cho quốc gia dân tộc Việt Nam trường tồn đến ngày hôm nay.

Các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và 1000 doanh nhân cùng tham gia Lễ cầu Quốc thái dân an.
Các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức và 1000 doanh nhân cùng tham gia Lễ cầu Quốc thái dân an.

Trong tình cảm thành kính, đoàn doanh nhân tiếp tục hành trình về chùa Bái Đính-một trong những trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam. Tại đây, sau khi trồng 1000 cây bồ đề-một loại cây gắn liền với huyền tích của đạo Phật và biểu tượng cho sức sống vĩnh cửu, các doanh nhân đã tham dự một nghi lễ đặc biệt: Lễ cầu Quốc thái dân an. Trước ngôi chùa Bái Đính trầm mặc, trong tiếng mõ, tiếng chuông thâm nghiêm, linh thiêng, các đại biểu cùng 100 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni, phật tử cùng 1000 doanh nhân đã làm lễ cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, người người có cuộc sống sung túc, yên lành và doanh nhân làm ăn phát đạt. Cùng lúc đó, 1000 quả bóng bay đủ màu sắc sặc sỡ tung bay trên bầu trời như một biểu hiện của khát vọng hòa bình mãi mãi tồn tại trên Tổ quốc Việt Nam. Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xúc động nói:

- Hôm nay, tại chùa Bái Đính-ngôi chùa có sứ mệnh gánh vác lịch sử 1000 năm qua, nơi vua Lý Công Uẩn đã từng tu hành-được tiếp đón 1000 doanh nhân của cả nước, tổ chức lễ cầu Quốc thái dân an. Nghi lễ được tiến hành vào đầu xuân mới, lúc thiên nhiên đang đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái, con người đang hòa cùng dòng chảy thời gian để đạt đến an lành, hạnh phúc. Thay mặt cho giới Phật tử cả nước, tôi cầu chúc cho nước Việt Nam mãi mãi trường tồn, phát triển bền vững, thời tiết hiền hòa, mùa màng bội thu và các doanh nhân Việt Nam luôn làm ăn phát đạt, hưng thịnh.

Trong niềm xúc động và thành tâm, Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Dược và trang thiết bị y tế Quân đội (ARMEPHACO) tâm sự:

- Trở về Cố đô Hoa Lư để tri ân công đức tổ tiên, đội ngũ doanh nhân như được tiếp thêm sức mạnh truyền thống của ông cha ta suốt một nghìn năm qua và tạo động lực cho chúng tôi nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tiếp tục hoàn thiện triết lý và văn hóa kinh doanh trong thời hội nhập. Chúng tôi xin hứa với tổ tiên là tích cực sản xuất kinh doanh, làm ra nhiều của cải, hàng hóa để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp phần xây dựng nước ta ngày càng phát triển, thịnh vượng.    

Còn bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sơn Á Đông (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ:

- Lần đầu tiên tham quan chùa Bái Đính, tôi vô cùng cảm động vì được bái vọng, chiêm ngưỡng một trong những danh lam đẹp nhất ở Việt Nam. Được gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nhân cả nước và nhất là được tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh trên mảnh đất Cố đô Hoa Lư, tôi cảm thấy rất tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc ta và những nghi lễ giàu lòng nhân ái, từ bi của nhà Phật.

Thủ đô nghìn tuổi chào đón 1000 doanh nhân

Rời Cố đô Hoa Lư, các doanh nhân tiếp tục hành trình về Thủ đô Hà Nội. Trên những con đường, tuyến phố thân quen, 1000 doanh nhân cảm thấy như có “hồn nghìn năm” của Thăng Long-Hà Nội thổi vào tình cảm, niềm tin của mình trong buổi hội ngộ “nghìn năm có một”. Niềm vui như được nhân lên gấp đôi bởi các doanh nhân được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến tham dự buổi gặp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Rất năng động, xông xáo trên thương trường, nhưng chúng tôi thấy trên gương mặt, đôi mắt của 1000 doanh nhân rạng rỡ hơn, lắng đọng hơn khi nghe lại những ca khúc quen thuộc như: Tổ quốc yêu thương, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hà Nội- Huế- Sài Gòn, Tiếng đàn bầu...

Các doanh nhân thắp hương tưởng niệm tại đền thờ vua Lê Đại Hành.
Các doanh nhân thắp hương tưởng niệm tại đền thờ vua Lê Đại Hành.

Đồng hành với từng bước đi của đất nước, những doanh nhân không quên làm nhiệm vụ cao cả của mình là chung tay góp sức giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, trong đó có các em học sinh. Vì vậy, 1000 doanh nhân đã đóng góp tiền của để trao tặng 1000 suất học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi của tỉnh Ninh Bình và Thành phố Hà Nội. Đây là việc làm thiết thực thể hiện ý thức, trách nhiệm xã hội của lực lượng doanh nhân đối với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Sau khi hoan nghênh và đánh giá cao hành trình trở về Cố đô Hoa Lư-một cử chỉ thể hiện đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của 1000 doanh nhân và chúc mừng, biểu dương những thành tích của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã giành được trong công cuộc đổi mới đất nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói:

- Càng tự hào với truyền thống anh hùng của dân tộc, chúng ta càng phải biến truyền thống đó thành sức mạnh nội sinh to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Thời chiến tranh, Quân đội ta đã làm nên những chiến công oanh liệt, được bạn bè năm châu bốn biển khâm phục, thì trong thời bình, tôi rất mong doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục nuôi chí, học tập để không chỉ hoạt động và có chỗ đứng trong nước, mà còn vươn ra tầm thế giới để có thương hiệu trên thương trường quốc tế. Đây chính là việc làm thiết thực nhất để xây dựng đất nước ta theo kịp, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn. Nhân dịp đầu xuân mới, tôi chúc các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thật mạnh, thật khỏe và giành nhiều thắng lợi hơn nữa để chào mừng những ngày lễ lớn của nước ta trong năm 2010.

Niềm tự hào dân tộc Việt Nam có Thủ đô 1000 tuổi cộng hưởng với niềm lạc quan trước sự phát triển của đất nước, hy vọng rằng, sau chương trình đầy ý nghĩa này, tất cả các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ có thêm động lực mới để tự tin cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế.
Chương trình “Doanh nhân Việt Nam với Hoa Lư-Thăng Long-Hà Nội: 1000 năm xây dựng và phát triển bền vững” là một hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, tỉnh Ninh Bình cùng một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Công ty VietLong Promotion, phối hợp tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.