Kể thêm về ba bản Phật ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

GN - So với những người làm nghệ thuật, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có đời sống, sự nghiệp khá ổn định.

Ra nước ngoài năm 1978 và chưa có dịp về Việt Nam, anh bắt đầu lại sự nghiệp bằng cách theo học ngành điện toán và tốt nghiệp văn bằng kỹ sư vào năm 1981 tại Hoa Kỳ. Từ đó cho đến những năm gần đây, anh làm chuyên viên lập trình máy tính trong mấy mươi năm liền. Có lẽ đây là điều ít ai mường tượng được nơi người nhạc sĩ tài ba có những bản tình ca bất tử.

NgoThuyMien_fullsize.jpg

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Hàng ngày vật lộn với công việc logic khô khan, ngôn ngữ máy tính vô tri vô giác để tạo phần mềm xử lý tư liệu đã không làm tâm hồn anh chai cứng. Chẳng những thế, anh đã cho ra đời hơn 40 bản tình ca trong giai đoạn này.

Điều ngạc nhiên đối với mọi người là khi biết anh có sáng tác nhạc Phật giáo mà tôi đề cập đến trong một bài viết gần đây.

Ngày ấy, vào khoảng đầu năm 1990, tại thành phố nhỏ nơi nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cư ngụ, anh thường đến chùa dự khóa lễ hàng tuần vào mỗi chiều Chủ nhật. Anh thích ngồi phía sau, lặng lẽ thiền, tụng kinh niệm Phật theo sự hướng dẫn của quý sư. Anh rất thân thiện, tự nhiên, có bề ngoài vừa trí thức dễ mến vừa nghệ sĩ khiêm nhường từ tốn. Phong cách anh có thể nói rằng không khác mấy với dòng nhạc Ngô Thụy Miên: cổ kính, lãng mạn, uyên thâm, thi vị.

Ngôi chùa vừa được thành lập nên sinh hoạt vẫn còn nhiều mặt phải cải thiện. Tôi ngày ấy vốn là huynh trưởng Gia đình Phật tử tại thành phố lớn trở về giúp thầy trụ trì phụ trách giới trẻ. Trong các buổi thuyết pháp hoặc đàm đạo bên mâm cơm chay, thầy thường tâm sự làm thế nào để Phật giáo đến được với người trẻ.

Thầy vừa tếu vừa than:

- Một đạo Phật đại hùng, đại trí, đại từ bi mà xã hội lấy phim ảnh Lan Điệp thất tình đi tu. Nhiều người coi chùa như nơi nuôi dưỡng bệnh nhân thất tình, thất tài. Thậm chí nhìn bậc xuất gia là chán đời, chui vào chùa để trốn đời chứ không phải vì hạnh nguyện cứu người giúp đời. Tụng kinh nhiều vị còn ráng ngân nga cho thêm bi ai sầu thảm! Mấy đứa nhỏ làm sao không thắc mắc đạo Phật răng mà buồn như ri? Thôi thì đi chơi bowling cho sướng cái thân ni!

Tôi như hiểu nỗi khó khăn mà thầy đang gánh trên vai. Còn anh thì lặng lẽ nghe, cười nhẹ nhàng như đồng cảm. Một hôm, tôi xin phép thầy cho nhóm trẻ được tụng kinh chung cùng quý bác. Ở phần đầu buổi lễ, tôi đề nghị dùng nghi thức Gia đình Phật tử để dễ dàng tạo điều kiện thành lập đơn vị sau này.

Buổi đầu tiên thầy làm chủ lễ, rất hoan hỷ khi thấy chúng tôi khởi đầu bằng bài hát Trầm hương đốt và chấm dứt bằng bài Sen trắng (nghi thức chào cờ của Gia đình Phật tử). Sau buổi tụng kinh, thầy khen ngợi: Hát nhạc đạo như ri tăng thêm phần trang nghiêm tươi mát cho buổi lễ. Nếu kinh cũng được hát thì dễ dàng cho tuổi trẻ hơn. Anh nghe thầy nói, nhìn nhóm Phật tử trẻ chúng tôi, trìu mến, mỉm cười.

Vài tuần sau, một trưa Chủ nhật mùa xuân năm 1991, anh cầm cuộn giấy tròn gặp tôi tại chùa, giọng Bắc, trầm, chậm: - Mấy hôm rồi anh có phổ ba bài nhạc như lời thầy tâm sự. Em áp dụng được gì thì cứ tự nhiên.

Tôi nhận cuốn giấy nhỏ trên tay, từ tốn mở ra. Ba bài nhạc được ghi nốt, lời nhạc bằng nét chữ viết tay của anh. Vài tháng sau, anh đưa bản in có nốt nhạc lời nhạc rõ ràng hơn, kèm theo băng cassette:

- Anh có nhờ người thân hát tạm cho tụi em dễ hát theo.

Tôi cảm động, bối rối: - Anh tốn công quá. Em sẽ ráng hết sức nhưng sợ khả năng hạn hẹp của em không xứng với tấm lòng của anh.

Anh chân tình: - Có sao đâu, đừng ngại gì hết. Anh đóng góp chút ít. Tập được thì tập, không cũng chẳng sao.

Trong ba bản nhạc, có 2 bài anh phổ từ kinh nhật tụng: Cúng hương tán Phật và bài Sám hối phát nguyện. Có lẽ anh chọn 2 bài kinh này vì thấy được tụng trong hầu hết mọi buổi lễ dành riêng cho đoàn Phật tử trẻ và các đạo hữu niên trưởng. Từ năm 1991 đến 1994, tôi gởi ba bản Phật ca đến nhiều chùa, có in trên một số báo Phật giáo hải ngoại.

Hai bài Phật ca phổ kinh được chúng tôi hát trong các buổi lễ dành riêng cho giới trẻ. Riêng bài Em đi lễ chùa được chúng tôi trình bày trong các chương trình văn nghệ Phật đản, Vu lan. Dạo ấy, một số Phật tử trẻ tại các thành phố lớn cũng hát những bài này. Tuy nhiên, trong môi trường hải ngoại, kẻ đi người đến, nhất là nhạc Phật giáo hầu như không được ca sĩ tên tuổi làm dĩa, nên ba bài Phật ca của anh dần dần đi vào quên lãng...

Những năm sau này tôi có ý định giới thiệu 3 bản Phật ca đến người trong nước. Tôi trình bày với anh ý định của mình và được anh nhắc đến kỷ niệm xưa, trong đó có đoạn:

“Đây là những đóng góp nhỏ nhoi của anh vào vườn hoa Phật ca của chúng ta, và dĩ nhiên quý vị Phật tử có thể tự do phổ biến. Anh phải cám ơn những công đức này”.

Đầu năm 2013, sau khi tiếp xúc được quý tu sĩ, Phật tử phụ trách văn hóa PG bên nhà, tôi in lại 3 bản Phật ca để anh ký lưu niệm cho mọi người. Riêng cuốn băng cassette anh đưa hơn 20 năm trước, việc chuyển đổi qua MP3 để bên nhà dễ dàng nghe là cả một sự khó khăn. Thời đại nhạc số với những máy nghe nhỏ như hộp quẹt, hoặc có thể nghe bằng điện thoại, máy tính mọi nơi mọi chốn thì việc kiếm cho ra một máy cassette ở Hoa Kỳ cũng không dễ. Đến khi có máy, cuốn băng nằm im đã quá lâu, nhão, dính chặt, máy không kéo được. Tôi hồi hộp vừa niệm Phật vừa dùng bút chì xoay băng cho lỏng, nguyện cầu cuốn băng đừng đứt, đừng hư. Cuối cùng, lời nhạc từ máy cassette vang vọng giữa đêm khuya, chuyển tải diễn tả được cả dấu ấn thời gian xa xưa.

Âm thanh từ cuốn băng xưa dẫu chỉ hát tạm, đệm tạm cho chúng tôi tập theo chứ không phải là sản phẩm chính thức, nhưng chúng ta có thể thấy được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tốn khá nhiều công sức, suy tư, thử nghiệm khi phổ 2 bài kinh.

Ca từ, cấu trúc bài nhạc không xa hẳn cách tụng kinh khiến người nghe cảm thấy gần gũi. Anh dẫn dắt giai điệu vào cung bậc tinh khiết, thanh cao, không đượm chút u sầu. Có lẽ những lời tâm sự của thầy trụ trì được anh ghi nhận để tránh bi ai trầm buồn. Xen giữa những đoạn kinh thành kính, anh khéo léo đưa vào lời niệm Phật rất thánh thiện làm người hát tạo được sự kết nối tâm linh cùng chư Phật.

Nếu 2 bài phổ kinh, ca từ hoàn toàn đến từ kinh Phật, thì bài Em đi lễ chùa do anh sáng tác. Ca từ bài này làm khá nhiều người ngạc nhiên khi thấy một nhạc sĩ chuyên viết tình ca lại có những dòng tràn đầy tâm đạo nhân văn. Lời nhạc anh mô tả cô gái tóc đuôi gà, mặc áo lụa, theo mẹ đến chùa:

“Dâng thành một nén tâm hương, hai tay em chắp cúi đầu em xin” “Thề nguyện mãi giữ trọn đạo... Bồ-Đề Pháp Giới một đời theo Phật từ bi...”

Cô gái mộc mạc thơ ngây ấy không xin tình duyên, tài lộc, chức tước hay bất cứ phúc lợi riêng cho mình, được anh kết thúc: “Em ước muôn đời thái hòa”.

Ba bài Phật ca là ba tác phẩm nghệ thuật cho ta thấy được sự điêu luyện, khéo léo của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên: Không quá Tây, không quá ta, không dân dã, không hiện đại, gần gũi nhưng khác biệt. Âm điệu thấm nhuần tiết tấu Phật giáo giúp người hát hướng tâm gởi trọn lòng thành kính vào lời kinh đến Đức Từ Phụ.

Hơn hai mươi năm trước, chúng tôi ứng dụng các bài Phật ca vào buổi lễ hàng tuần, được giới trẻ tham dự nhiệt tình, gặt hái nhiều hạnh phúc tâm linh. MP3 từ cuốn băng xưa dù không thể so sánh với nhạc cụ và âm thanh hiện đại ngày nay, nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn phối âm và cách thể hiện hát xướng. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã chính tay đệm đàn và hướng dẫn người hát để lời kinh được hát ở cung điệu mà nhạc sĩ muốn gởi gắm vào. Tôi tin rằng ba bài Phật ca sẽ được ca sĩ chuyên nghiệp, nhà hòa âm tài ba thu thanh để người Phật tử có thêm phương tiện kết duyên cùng Tam bảo.

 Huyền Lam

_____________

* Quý độc giả quan tâm có thể vào trang web: www.phatca.com để nghe hoặc tải về ba bài Phật ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.