Im lặng để hiểu nhau hơn

Poster chương trình Tiệc im lặng.
Poster chương trình Tiệc im lặng.
Không phải cứ tiệc tùng là ầm ĩ. Một chương trình mang tên Tiệc im lặng (Silent party) do nhóm các bạn trẻ tổ chức vào tháng 10 này mang một ý tưởng vô cùng thú vị: khách đến tham dự chỉ được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể mà không được dùng lời nói, với thông điệp giản dị “sự im lặng đôi lúc giá trị hơn bất kỳ lời nói nào”.

“Trên thế giới có hơn 6.500 ngôn ngữ nói, tồn tại song song với nó là hệ thống các ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ hết sức phong phú. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học cho rằng, khi mọi người nói chuyện với nhau, chỉ có 7% thông tin thực sự đến từ ngôn từ, 35% được truyền tải qua ngữ điệu và có tới 55% lượng thông tin được diễn đạt qua cử chỉ. Vậy mà năng khiếu tiềm ẩn quý giá này dường như đã hoàn toàn ngủ quên trong một thế giới ngày càng nhiều cách thức giao tiếp”, Đỗ Thiên Hương, thành viên dự án Silent party chia sẻ. 

Đó cũng là lý do Hương cùng các bạn của mình từ Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, quen nhau từ các hoạt động xã hội, gồm có chuyên viên ngành xã hội học Thu Lành, chuyên viên ngành tiết kiệm điện Nhật Lâm, người làm trong lĩnh vực truyền thông Quốc Đạt… lên kế hoạch và ý tưởng cho một đêm gặp gỡ của sự im lặng.

Là một bữa tiệc dành cho mọi người, có đồ ăn, nước uống, chương trình kịch, trò chơi nhưng điều khác biệt ở đây là mọi thứ đều diễn ra trong im lặng. Im lặng ở đây không phải là sự câm lặng mà chính là cái cớ tốt nhất để mọi người tìm hiểu nhau bằng những nhịp điệu cơ thể. Một cái nhún vai, một nụ cười, một cái nheo mắt sử dụng đúng lúc sẽ mạnh mẽ hơn tiếng nói. “Chúng tôi mong muốn đem lại cho mọi người một trải nghiệm mới, một không gian phi ngôn từ”, Thiên Hương nói.

Các thành viên của câu lạc bộ Văn hoá người điếc TP.HCM chính là những người đã cùng các bạn trẻ trong dự án Silent party sáng tạo chương trình cho cuộc giao lưu, gặp gỡ đặc biệt này bởi chính họ là những người rất am hiểu ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ. Khi đến với chương trình, mọi người sẽ có dịp tìm hiểu những cách diễn tả, biểu đạt tình cảm, ý tưởng bằng ký hiệu do khoảng 20 thành viên thuộc câu lạc bộ Văn hoá người điếc hướng dẫn.

“Khi có ý tưởng về chương trình, chúng tôi liền tìm hiểu về ngôn ngữ cử chỉ và đặc biệt, khi tiếp xúc cùng các bạn điếc, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới quá nhiều âm thanh, tiếng động và ngày càng ít sắc thái biểu cảm trên khuôn mặt, trong cử chỉ. Đây chính là một thứ “ngoại ngữ” sẵn có trong mỗi chúng ta, hãy cố gắng đánh thức nó vì thứ kỹ năng phi – ngôn – từ này có thể giúp chúng ta hiểu nhau hơn, thậm chí giúp ta giao tiếp với những người khác màu da, văn hoá”, Thiên Hương chia sẻ.

Tiệc im lặng đã được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 8 tại Hà Nội, thu hút hơn 300 khách tham dự. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình đã gây quỹ ủng hộ cho các em bé khiếm thính nghèo có một mùa Trung thu ấm áp. Tiệc im lặng diễn ra tại 2B/30 Bạch Đằng, quận Tân Bình, TP.HCM ngày 22-10 tới đây cũng không là ngoại lệ, khi toàn bộ số tiền thu được từ vé vào cửa của hơn 450 khách sẽ dành trọn vẹn cho việc giúp đỡ các bạn khiếm thính nghèo. 

Không những thế, nhóm thực hiện dự án còn đang lên kế hoạch đưa Tiệc im lặng đến nhiều vùng khác nữa, xây dựng nên những chương trình giải trí mang tính xã hội, góp phần làm phong phú hơn những hoạt động của cộng đồng hơn 1 triệu người khiếm thính Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.